Phát triển bền vững ngành dệt may

Phát triển bền vững ngành dệt may

Những nhận định có phần thiếu thiện cảm - như làm nhiều ăn ít  - của ngành dệt may trước đây đang được nhìn nhận lại. Dệt may nay đã thật sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam (VN). Không còn ý nghĩ “làm chơi” như trước, các doanh nghiệp (DN) VN đã phát triển dệt may theo hướng bền vững hơn trong đầu tư  và giữ chân người lao động.

Xuất khẩu tăng tốc

Trong 2 năm gần đây, dù kinh tế thế giới gặp nhiều biến động, khó khăn, xuất khẩu (XK) hàng dệt may của VN vẫn giữ đà tăng trưởng. Ngay khi hầu hết các nước XK dệt may trên thế giới đều giảm sút thì XK dệt may VN vẫn tăng. Năm 2010 dệt may đã vượt đích với 11,2 tỷ USD. Với biến động mới của kinh tế thế giới, ngành dệt may VN chỉ đặt mục tiêu đạt khoảng 12,5 - 13 tỷ USD trong năm 2011.

May hàng xuất khẩu chất lượng cao sang Hoa Kỳ, Nhật Bản trên máy công nghệ mới tại Công ty cổ phần may Sài Gòn 3. Ảnh: Cao Thăng

May hàng xuất khẩu chất lượng cao sang Hoa Kỳ, Nhật Bản trên máy công nghệ mới tại Công ty cổ phần may Sài Gòn 3. Ảnh: Cao Thăng

Thực tế không như suy đoán, không đợi đến mùa XK cuối năm, với những đơn hàng có giá trị cao mà ngay từ những tháng đầu năm, dệt may VN đã tăng tốc. Kim ngạch XK mỗi tháng trung bình ước đạt 1 tỷ USD. Đặc biệt, trong tháng 5-2011, lần đầu tiên trong lịch sử, XK dệt may đạt gần 1,5 tỷ USD. Tính chung 5 tháng năm 2011, xuất khẩu dệt may đã đạt 5,1 tỷ USD, tăng gần 36% so với cùng kỳ năm 2010. Sau một thời gian tăng giá nguyên liệu đến chóng mặt, đến tháng 5-2011, giá nguyên liệu vải cotton, polyester đang giảm. Đây là tín hiệu vui cho DN để giảm áp lực chi phí đầu vào, cơ sở để nhà nhập khẩu đặt đơn hàng nhiều sản phẩm hơn.

Những lo ngại về sự giảm sút đơn hàng tại thị trường Nhật Bản cũng không còn. Đến nay, sau hơn 2,5 tháng kể từ ngày xảy ra thảm họa động đất, sóng thần tại Nhật Bản, tình hình tiêu thụ, đặt hàng của các nhà nhập khẩu Nhật Bản vẫn ổn định, một số mặt hàng như quần áo bảo hộ XK vào Nhật lại tăng cao. Tại buổi làm việc với các DN dệt may VN vào đầu tháng 5-2011, ông Fumio Koyama, chuyên gia cao cấp về dệt may, cố vấn của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, trong khoảng 5 năm tới, các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ chuyển 30% cơ sở dệt may đang đầu tư tại Trung Quốc sang các nước khác và VN đang là điểm đến được các nhà đầu tư Nhật Bản lựa chọn.

Cuộc chuyển hướng này cũng nhằm để tận dụng thuế suất 0% trong Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản. Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP May Sài Gòn 3, DN XK 50% sản lượng đi thị trường Nhật cho biết, Tập đoàn bán lẻ thời trang Uniqlo - đối tác lâu năm của Sài Gòn 3 đã đề nghị tăng dần sản lượng cung cấp cho họ, đến năm 2015 sẽ tăng gấp đôi so với sản lượng cung ứng hiện nay. Mới đây, Tập đoàn Marubeni và Tập đoàn Dệt May VN (Vinatex) cũng đã ký kết hợp tác trong xúc tiến, thúc đẩy hoạt động thương mại, đặc biệt là lĩnh vực dệt may.

Ngoài những đối tác quen thuộc ở thị trường chính Mỹ, EU, Nhật Bản, dệt may VN đang được nhiều nhà nhập khẩu Nga quan tâm, tìm hiểu đặt hàng. Và theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thế giới, chỉ khoảng 3-4 năm nữa, sản xuất dệt may ở các nước Đông Âu cũng sẽ chuyển đến các nước châu Á. Trung Quốc – nước chiếm 70% thị phần cung ứng hàng may cho thế giới đang giảm dần sản xuất, nguồn cung ứng ra thế giới. Và đây là cơ hội mở ra cho Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Việt Nam, Campuchia…

Lao động là vốn quý

DN dệt may VN đang ở thế có lợi, không còn quá lo đến việc chạy tìm đơn hàng để sản xuất. Nhà nhập khẩu cần nhà sản xuất, chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ nhà cung ứng. Và điều này cũng được nhà sản xuất áp dụng với người lao động. Chăm lo đời sống người lao động là bài toán mấu chốt để giữ người lao động của các DN dệt may hiện nay. Ở Bình Dương, Đồng Nai, các DN đang tung ra nhiều chiêu thức để lôi kéo lao động.

Ông Lê Đông Triều, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dệt may Gia Định cho biết, trước đây các DN trong hệ thống thường đặt mục tiêu, quan tâm nhiều đến các chỉ số tăng trưởng trong kinh doanh. Nhưng hiện nay, điều DN quan tâm nhất chính là hướng đến việc phát triển bền vững của ngành. DN chịu giảm lợi nhuận để tăng thu nhập cho CB-CNV, chăm lo tốt hơn cho người lao động. Cùng với đó, các DN đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ và quản lý để tăng năng suất.

Công ty CP SX-TM May Sài Gòn (Garmex) cho biết, nhờ áp dụng quản lý, thi đua tốt, năng xuất lao động của một công nhân trong năm nay đã tăng lên 15 USD/ngày, so với mức trên 11 USD/ngày của năm 2010. Hiện mức lương trung bình của người lao động trong toàn hệ thống của Dệt may Gia định tăng lên khoảng 4 triệu đồng/tháng/người so với 3,2 triệu đồng/tháng/người trong năm 2010. Có nhiều doanh nghiệp như Sài Gòn 3, Garmex, Legamex mức lương của người lao động cũng tăng lên 4,5 - 5,5 triệu đồng/tháng. Nếu tính cả thu nhập từ các khoản sẽ còn cao hơn.

Lao động dệt may được đảm bảo đời sống một cách bền vững thì ngành dệt may mới có cơ sở để phát triển bền vững hơn.

MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục