Trong khi giá thành chăn nuôi tăng 20% thì ngoài thị trường tăng từ 50% đến 100%, đó là phát biểu của Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico), kiêm Chủ tịch HĐQT Proconco Việt Nam Nguyễn Thị Lệ Hồng tại buổi họp về bình ổn chăn nuôi do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 2-8, tại TPHCM. Sự tăng giá này là bất thường. Đó là câu hỏi cần tìm lời giải để có giải pháp bình ổn thị trường hiện nay khi mà giá thịt heo giữa hai miền chênh lệch rất lớn.
Cục Chăn nuôi cho biết, do dịch bệnh kéo dài (lở mồm long móng - LMLM, heo tai xanh, tiêu chảy, cúm gia cầm) khiến cho giá thịt heo và gia cầm thời gian qua tăng rất cao, trong khi đó, nguồn cung heo các tỉnh phía Nam giảm vài phần trăm, nhưng các tỉnh phía Bắc giảm khoảng 30% đang tạo ra sự chênh lệch giá thịt heo giữa 2 khu vực này khoảng 10.000 đồng/kg.
Theo Chủ tịch HĐQT Công ty Proconco Việt Nam Nguyễn Thị Lệ Hồng, từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi (TACN) tăng 7 lần (12%-14%), riêng Proconco là 6 lần chủ yếu là do nguyên liệu TACN nhập khẩu tăng làm giá thành heo, gà tăng 20%-50%. Nhưng giá bán trên thị trường lại tăng rất cao từ 50%-70% thậm chí 100%. Vì vậy, khi tính chuyện bình ổn phải tính cả hai yếu tố giá thành và giá thị trường.
Bài học từ Trung Quốc cho thấy, sự bất ổn giá thịt gia súc và gia cầm trên thị trường chịu sự tác động tâm lý rất nhiều. Vì vậy, cần xây dựng kho dự trữ quốc gia về thịt heo, khi có sự bất ổn, vai trò của kho dự trữ quốc gia vô cùng quan trọng trong việc ổn định tâm lý xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Quốc Trung, Tổng Giám đốc Công ty TACN Japfa (Long An) cho rằng, nên chăng Nhà nước can thiệp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu xuống 0% (thay vì 5% như hiện nay). Ngoài ra, để bình ổn, doanh nghiệp có khả năng dự trữ nguồn nguyên liệu có thể cam kết không tăng giá nếu nhận được sự hỗ trợ lãi suất trong thời gian nhất định.
Ông Phạm Đức Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình (Đồng Nai) đề nghị đánh thuế nguyên liệu TACN xuất khẩu như bắp, sắn (khoai mì) lên 5% thay vì 0%. Ông Chung Kim, Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi Kim Long cho rằng, cung cầu từ nay đến tết không lường trước được. Cơ bản là dịch bệnh xảy ra liên tục và chu kỳ bệnh LMLM, heo tai xanh, cúm gia cầm luân phiên lẫn nhau (dự báo 2012 sẽ lại tái xuất hiện heo tai xanh) làm người chăn nuôi luôn lo lắng. Trong khi đó, lãi suất ngân hàng quá cao càng làm cho người chăn nuôi không dám tái đàn.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan Trần Tấn An cho biết, cần phải bình ổn từ gốc nhằm giải quyết 4 vấn đề cơ bản là dịch bệnh, quy hoạch vùng, TACN và giá bán. Hiện nay chúng ta đang bình ổn từ ngọn. Nhưng để bình ổn, cần tạo ra chuỗi cung ứng từ chăn nuôi đến thị trường, thông qua đó, Nhà nước hỗ trợ vốn, lãi suất đặc biệt là hai khâu con giống và nhà máy giết mổ. Nhà nước cũng cần quy hoạch chăn nuôi xen kẽ với khu dân cư. Khi trang trại chăn nuôi ra đời, người dân kéo đến ở xung quanh, đến một lúc nào đó, gây ra ô nhiễm môi trường, trang trại bắt buộc di dời. Vậy nên chăng, Nhà nước giao và đưa chăn nuôi tập trung vào các lâm trường, nơi còn đất trống nhiều để chăn nuôi và dùng nước thải chăn nuôi qua xử lý để trồng rừng.
Đồng quan đểm này, nhà chăn nuôi Nguyễn Chí Công (Bình Dương và Lâm Đồng) đề nghị thêm nên đưa việc chăn nuôi vào rừng cao su, nơi có sẵn hệ thống kết cấu hạ tầng khá tốt. Thời gian qua, Cục Chăn nuôi mới lo phát triển chăn nuôi thay vì nên làm cả chuỗi, gắn kết nhà chế biến, ngân hàng, tài chính, tín dụng nhằm hỗ trợ vốn. Khi đã tạo ra chuỗi sản xuất thì mới nói đến việc kiểm soát giá.
Công Phiên