Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) phối hợp với PGS-TS Hồ Huỳnh Thùy Dương (Khoa Sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM) vừa đề xuất hướng nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm bộ thiết bị phân tích sinh hóa dựa trên linh kiện sử dụng tinh thể thạch anh (QCM - Quatz Crystal Microbalance) phục vụ trong y tế và sinh học và nhận được sự đồng ý của Sở KH-CN TPHCM.
Cuối năm 2010, ICDREC phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu triển khai khu công nghệ cao TPHCM đã chế tạo thành công chíp sinh học sử dụng tinh thể thạch anh (QCM - Quatz Crystal Microbalance). Đây là sản phẩm được thiết kế và chế tạo trọn gói tại Việt Nam theo công nghệ vi cơ điện tử (MEMS). Trên cơ sở này, ngày 5-6 vừa qua, ICDREC đã đề xuất lên Sở KH-CN TPHCM hướng nghiên cứu và sản xuất dạng pilot chíp sinh học QCM để phục vụ xét nghiệm nhanh bệnh ung thư.
Trước mắt, chíp được thiết kế sẽ có độ đặc hiệu cao, độ nhạy ngang hoặc cao hơn phương pháp miễn dịch tế bào (đối với bệnh ung thư cổ tử cung); phương pháp test miễn dịch thương mại (đối với bệnh ung thư tuyến tiền liệt); phương pháp PCR (đối với bệnh viêm màng não mủ). Về lâu dài, chíp có thể phát hiện độc tính của virus trong nuôi cấy tế bào, đặc biệt là khoảng thời gian cho kết quả của chíp là cực kỳ ngắn.
Đồng thời, để tạo thuận lợi hơn cho các cơ sở y tế, các chíp sinh học này sẽ được tích hợp vào các bộ kít. Bộ thiết bị này sau khi thiết kế sẽ nhỏ gọn, nâng cao tính di động. Ông Ngô Võ Kế Thành, chủ nhiệm chính đề tài cho biết: “Tính tiện ích của chíp sinh học lần này là rất lớn, do khoảng thời gian phát hiện bệnh nhanh, tính di động cao, nên bộ sản phẩm có thể áp dụng cho các cơ sở y tế ở vùng sâu vùng xa, những nơi chưa đủ điều kiện để làm xét nghiệm.
Chíp sau khi được thiết kế tại ICDREC, sẽ chuyển sang chế tạo linh kiện QCM tại Khu công nghệ cao TPHCM, điều này tạo được tính liên ngành cao. Về chi phí của bộ thiết bị này, ông Thành cũng cho biết thêm, giá dao động vào khoảng 1.000 USD, rẻ hơn rất nhiều so với máy ngoại nhập (15.000USD).
Sau khi sản xuất thử nghiệm, bộ thiết bị sẽ được đưa vào ứng dụng tại các cơ sở y tế lớn ở TPHCM như Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Do tính khả thi của đề tài cộng với nhu cầu cấp thiết của các bệnh viện, Sở KH-CN TPHCM đã cơ bản đồng ý cho nhóm nghiên cứu triển khai đề tài trong 3 năm với nguồn kinh phí 15,5 tỷ đồng. Đây là nguồn kinh phí đóng góp từ ICDREC, ĐH Khoa học Tự nhiên và Sở KH-CN TPHCM.
T.HÂN