Xây dựng chiến lược tạo nguồn hàng dưới nhiều hình thức như đầu tư, ứng vốn, liên doanh, liên kết… nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào, đảm bảo đủ hàng hóa đáp ứng cung cầu thị trường đã và đang được các doanh nghiệp (DN) tại TPHCM triển khai thực hiện. Đây cũng là nền tảng để TPHCM triển khai thành công chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu từ nhiều năm qua.
Phương châm: “Từ trang trại tới bàn ăn”
Liên kết trong chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản, đặc biệt là thực phẩm, là con đường tốt nhất đưa sản xuất và tiêu thụ đi vào ổn định, từng bước nâng cao chất lượng và uy tín của DN, của sản phẩm trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Đây cũng là chiến lược được Công ty Vissan áp dụng một cách triệt để.
Việc gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và phân phối đã mang lại 4 cái lợi rất lớn. Đó là DN chủ động được nguồn nguyên liệu không ăn đong từng bữa; chủ động được giá bán, không phải đuổi theo giá thị trường, dễ mất khách hàng; giảm thiểu được những tác động từ nền kinh tế, giảm các chi phí trong sản xuất và điều quan trọng hơn cả là kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng.
Để làm được việc này, một mặt Vissan đã đầu tư, ứng vốn cho các trang trại chăn nuôi đạt chuẩn sau đó bao tiêu sản phẩm với giá thị trường cho đối tác, đồng thời hợp tác với các DN như Sanmiguel, CP… để có đủ nguồn nguyên liệu chất lượng cao, đáp ứng cho chế biến và cung ứng thịt tươi sống. Ngoài ra, Vissan cũng đầu tư để nâng tổng đàn cho chính công ty chăn nuôi để tạo nguồn dự trữ. Vào cuối năm 2011, Vissan đã đầu tư 2.600 tỷ đồng để xây dựng cụm công nghiệp thực phẩm khép kín, tạo tiền đề hướng tới việc sản xuất sạch, an toàn “từ trang trại đến bàn ăn”.
Là một trong những đơn vị được UBND TP giao nhiệm vụ bình ổn mặt hàng rau củ quả, Saigon Co.op đã rất thành công trong việc kết hợp với các đối tác tạo vùng nguyên liệu, đảm bảo “mua tận gốc, bán tận ngọn”, ổn định giá cả và kiểm soát chặt chất lượng đầu vào. Đây cũng là lý do Saigon Co.op là DN duy nhất của VN được chọn để thực hiện dự án nâng cao kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm (FSPQDC) phối hợp quy trình kiểm soát, đóng gói và lưu trữ hàng hóa do Canada tài trợ.
Phát triển vành đai cung ứng thực phẩm
Trên cơ sở các đề án, chiến lược tạo nguồn hàng, sản xuất và kinh doanh thực phẩm sạch hiện nay, căn cứ nhu cầu tiêu dùng, TPHCM đã hình thành chính sách hợp tác, hình thành vành đai cung cấp thực phẩm an toàn cho TP. Song song đó, TPHCM cũng xác định các vùng trọng điểm liên kết, tạo vùng nguyên liệu dựa trên thế mạnh của từng địa phương, trước mắt ưu tiên, hỗ trợ cho các dự án đầu tư liên kết nguồn thực phẩm sạch của các DN trong chương trình bình ổn giá.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, người “chủ công” thực hiện chương trình bình ổn giá của TP, cho biết việc lập các đề án, chương trình cụ thể là cần thiết, song không thể triển khai thành công nếu không có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng. Do vậy, về kinh phí thực hiện sẽ được lấy từ chương trình xúc tiến thương mại của TP, Sở Công thương làm đầu mối hỗ trợ DN trong việc liên lạc, ký kết và triển khai các hoạt động với các địa phương.
Về đầu tư, phát triển sản xuất, TP đã ban hành các quyết định nhằm hỗ trợ hoạt động đầu tư thông qua chính sách kích cầu và khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp để hỗ trợ DN đầu tư sản xuất, cung ứng hàng hóa cho TP. Về phát triển hệ thống phân phối, TP giao Ban chỉ đạo 09, UBND các quận huyện thực hiện rà soát các mặt bằng hiện hữu, các quầy sạp trong chợ để giới thiệu cho các DN phát triển hệ thống phân phối…
Với sự chủ động, sáng tạo không ngừng của các DN, cộng với sự chỉ đạo quyết liệt của TP, đến nay công tác xây dựng và hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm của TP đã đạt kết quả bước đầu khá tích cực.
Theo tính toán của bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP, năm 2011 lượng thịt heo sản xuất và cung ứng đạt 112.333 con, tương đương 10.156 tấn (tăng 89% so với năm 2010); thịt gia cầm đạt 15,634 triệu con, tương đương 40.601 tấn (gấp 19 lần so với năm 2010); trứng gia cầm đạt 196,35 triệu quả (tăng 15%). Nếu tiếp tục triển khai, thực hiện tốt các đề án, chương trình thì đến năm 2015, TPHCM sẽ cơ bản khép kín được quy trình từ sản xuất đến phân phối, ổn định giá cả và an sinh xã hội.
Các chương trình, đề án cụ thể sau: Chiến lược Phát triển chăn nuôi phục vụ công tác bình ổn giá thực phẩm của TP giai đoạn 2008-2010, định hướng 2015; Đề án Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn 2020; Đề án Xây dựng mô hình điểm quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn” tại TP; Phương án liên kết tạo vùng nguyên liệu trong chăn nuôi đến năm 2015; Phát triển hệ thống phân phối trên cơ sở triển khai kế hoạch xây dựng mô hình điểm phân phối tập trung các mặt hàng bình ổn trên địa bàn TP. |
THÚY HẢI