Sau 6 tháng TPHCM công bố hệ thống các điểm bán hàng thực phẩm được công nhận Chuỗi thực phẩm an toàn (TPAT) đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP, nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết, sức mua các mặt hàng thực phẩm sạch không tăng như họ từng kỳ vọng. Đâu là nguyên nhân?
Sản lượng chỉ tăng từ 5% - 20%
Theo Sở Công thương, TPHCM hiện có 308 điểm bán và 50 DN tham gia Chuỗi TPAT. Trước nhu cầu lớn về thực phẩm sạch của người tiêu dùng, rất nhiều DN sản xuất, kinh doanh đã đầu tư mạnh vào Chuỗi TPAT. Tuy nhiên, theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, đơn vị chủ lực cung ứng thịt heo VietGAP, hơn 6 tháng thực hiện theo chuỗi, sản lượng heo bán ra chỉ tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2015. Tại hệ thống siêu thị Co.opmart, ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết doanh thu tăng 15% - 20% so cùng kỳ đối với nhóm hàng nông sản; riêng nhóm hàng thịt gia súc, gia cầm chỉ tăng từ 5% - 7%. Ở nhóm trứng gia cầm, sản lượng bán ra của Công ty Ba Huân tăng ở mức bình quân 15%, Công ty Vĩnh Thành Đạt tăng 10%. Với nhóm rau củ quả, một số DN cho biết, sản lượng bán ra gần như không tăng, đồng thời việc phát triển mới các điểm bán vẫn rất khó khăn.
Đóng gói rau VietGAP tại HTX Phước An Ảnh: CAO THĂNG
Cũng theo ông Phạm Trung Kiên, việc triển khai các điểm bán theo Chuỗi TPAT đã mang lại những thuận lợi như nguồn hàng đạt chất lượng ổn định, tạo niềm tin khách hàng đến mua sắm tại siêu thị. Saigon Co.op tiếp tục liên kết với các hộ nông dân để cùng sản xuất quy mô lớn, hạ giá thành sản phẩm và truy xuất được nguồn gốc hàng hóa. Với các DN sản xuất, ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, khẳng định ngay sau khi tham gia và được công nhận sản phẩm Chuỗi TPAT, việc chào hàng đến các đối tác đã dễ dàng hơn. Từ trường học cho đến các quán ăn đã tin tưởng hơn vào sản phẩm trứng gia cầm của công ty.
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, việc kinh doanh theo chuỗi TPAT còn gặp không ít khó khăn. Đối với nhóm hàng thủy hải sản, việc kiểm soát dư lượng thuốc kháng sinh khá khó khăn vì không thể test nhanh như kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nguồn thủy hải sản nuôi chủ yếu ở các tỉnh nhưng chưa được kiểm soát đồng bộ ở các địa phương. Về hình thức, hàng nông sản VietGAP thường không bắt mắt so với hàng sản xuất tràn lan và bán xá trên thị trường. Ngay giá thành cũng thường nhỉnh hơn hàng bán xá. Do đó, hàng VietGAP chưa được đại đa số người tiêu dùng chọn mua.
Còn nhiều bất cập
Chủ trương thúc đẩy cung cấp nguồn hàng đạt chứng nhận VietGAP của UBND TPHCM nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các sở, ngành, DN, đặc biệt là người tiêu dùng TP. Nhưng thực tế cho thấy, hiện các sản phẩm mới chỉ quẩn quanh ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chưa thể vươn đến các chợ.
Đại diện Hợp tác xã (HTX) Phú Lộc (huyện Củ Chi) cho biết, ngay từ năm 2013, HTX đã thực hiện sản xuất theo hướng tập trung cho các sản phẩm an toàn trên diện tích hơn 35ha, trong đó hơn 70% sản phẩm của HTX đã được chứng nhận đạt chuẩn VietGap. Khả năng sản xuất và cung ứng sản phẩm của HTX vào thời điểm 2013 sẽ đạt hơn 20 tấn/ngày, nhưng trên thực tế thị trường tiêu thụ chỉ đạt khoảng 8 - 10 tấn/ngày. Theo tính toán của Phú Lộc, nếu so sánh giá rau VietGap với các loại rau đang bán xá thì giá bán gần như không có sự chênh lệch nhiều, bởi lẽ rau VietGAP đã được làm sạch. Nhưng đại đa số người tiêu dùng vẫn còn mang tâm lý giá bán rau VietGap quá đắt so với giá sản phẩm cùng loại trên thị trường. Bên cạnh đó, kênh phân phối rau VietGap vẫn còn bó hẹp ở các siêu thị nên mức độ phổ biến chưa cao. Phú Lộc cũng đang làm việc với các chợ và mời chính ban quản lý chợ làm đại lý phân phối rau VietGap đến các hộ kinh doanh trong chợ nhưng không đạt hiệu quả cao. Do vậy, TP hỗ trợ cho các HTX và ban quản lý các chợ về mặt cơ chế, chính sách thì rau VietGap mới có điều kiện phát triển mạnh mẽ.
Ông Văn Đức Mười cũng băn khoăn, hiện Vissan đã và đang áp dụng chặt chẽ quy trình kiểm tra và giết mổ, ngay cả cách trả tiền cho đối tác cũng dựa theo cách cân đo heo hơi theo tỷ lệ nạc, mỡ nhằm tránh thiệt hại cho người chăn nuôi. Nhưng khi đưa sản phẩm vào tiêu thụ lại không cho phép giá bán chênh lệch quá cao so với giá thịt chung trên thị trường. Chính điều này đã làm cho mảng thực phẩm tươi sống của Vissan gần như không có lãi. Chỉ khi nào TP thực hiện đồng bộ việc chăn nuôi theo chuẩn VietGAP và giết mổ tập trung mới mang lại sự cạnh tranh lành mạnh về giá bán, chất lượng thịt, khi đó Vissan mới có thể dễ thở hơn!
Ở góc độ vĩ mô, nhiều DN mong muốn các bộ, ngành chức năng sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy định về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) theo hướng tiến gần với các tiêu chuẩn của các nước phát triển và tổ chức các bộ máy kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định này nhằm hướng đến sản xuất bền vững. Ở góc độ địa phương, có kế hoạch giám sát về chất lượng, nguồn gốc hàng hóa đối với các nhà sản xuất, kinh doanh và phân phối khi đã tham gia vào Chuỗi TPAT. Mặt khác, cần có các hình thức xử lý phù hợp và thông tin rộng rãi đối với trường hợp các DN tham gia Chuỗi TPAT vi phạm quy định về chất lượng hàng hóa để không làm ảnh hưởng đến các DN trong chuỗi. Tiếp tục hỗ trợ DN, các HTX về chính sách vốn với chi phí thấp, về kỹ năng quản trị sản xuất, kinh doanh, về khoa học kỹ thuật công nghệ để duy trì, đồng thời nâng cao chất lượng hàng hóa khi lưu thông trên thị trường.
THÚY HẢI
Thực tế cho thấy, hiện nhiều DN đang rất lo lắng, nếu TP không tiếp tục hỗ trợ các chi phí (như mẫu xét nghiệm, chi phí đoàn kiểm tra, giám sát triển khai sản xuất theo chuỗi…), họ sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình tham gia chuỗi. Ngoài ra, cần có chế độ ưu tiên trong quá trình lưu thông, phân phối đối với sản phẩm VietGAP. Điều quan trọng là cần có sự định hướng, hỗ trợ DN đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu sự khác biệt về đặc tính kỹ thuật, chất lượng đối với sản phẩm nằm trong Chuỗi TPAT so với những sản phẩm khác đang lưu thông trên thị trường.