Phát triển Đảng trong ngành giáo dục - Quan tâm giáo viên trẻ, học sinh, sinh viên

Ngày 6-3, tại cuộc hội thảo “Kinh nghiệm và giải pháp tăng cường công tác phát triển Đảng trong ngành giáo dục và đào tạo TPHCM”, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết tỷ lệ đảng viên trong trường học còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của ngành giáo dục TP, đặc biệt là đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp.

Ngày 6-3, tại cuộc hội thảo “Kinh nghiệm và giải pháp tăng cường công tác phát triển Đảng trong ngành giáo dục và đào tạo TPHCM”, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết tỷ lệ đảng viên trong trường học còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của ngành giáo dục TP, đặc biệt là đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp.

Số đảng viên trong các đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT chỉ có 436/2.080 cán bộ, giáo viên, công chức (tỷ lệ 20,9%). Hiện nay vẫn còn 3 đơn vị trường mầm non ở quận 3, quận 7 và quận 9 không có đảng viên.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến những hạn chế này, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Tiến Đạt cho biết: Một số cấp ủy, chi bộ và một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn chưa thực sự đầu tư tâm sức vào công tác kết nạp đảng viên nên thiếu chủ động, sáng tạo trong vận động phát triển đảng viên. Các trường vẫn còn nặng về tư tưởng “Sống lâu lên lão làng”, ít quan tâm đến những nhân tố trẻ. Đảng viên xuất thân từ đối tượng học sinh-sinh viên cũng chưa nhiều, chưa phát huy hết thế mạnh, tính xung kích của lực lượng thanh niên.

Thực tế như ở quận 11, hiện nay cũng mới chỉ có 18% cán bộ, giáo viên trong toàn ngành là đảng viên, quận Phú Nhuận chỉ có 14,7%, quận Bình Thạnh 11,12%... Theo ông Lê Nguyên Vịnh, Trưởng phòng GD-ĐT quận 11, hiện nay giáo viên đa số chỉ muốn làm chuyên môn, học nâng cao trình độ, ít quan tâm đến việc phấn đấu vào Đảng.

Trong khi đó tổ chức đoàn thể là đội hậu bị, cầu nối có vai trò quan trọng trong việc giới thiệu những đoàn viên ưu tú có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực thực tiễn trong các hoạt động phong trào. Thế nhưng hiện nay tổ chức đoàn thể, cụ thể như chi đoàn trường học, lại trực thuộc phường, nhà trường chỉ quản lý và nắm về mặt chuyên môn trong khi đó sự kết hợp giữa phường và nhà trường còn lỏng lẻo, thiếu sự thống nhất, do đó việc phát triển Đảng trong giáo viên, nhân viên ngành giáo dục gặp không ít khó khăn, thậm chí chậm trễ.

Đồng quan điểm này, ông Ninh Văn Bình, Trưởng phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận, cho rằng: Vai trò của Đoàn thanh niên ở các trường chưa thực sự phát huy vai trò là trung tâm đoàn kết tập hợp thanh niên vào các hoạt động phong trào, hoạt động cộng đồng. Hình thức tổ chức các hoạt động của đoàn nhiều nơi chưa phù hợp với tính chất và môi trường làm việc của giáo viên nên chưa thể thu hút được đông đảo giáo viên tham gia. Hơn nữa giáo viên chỉ biết hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn tại trường, dạy thêm tại nhà, ở các trung tâm nên việc nắm bắt tư tưởng và theo dõi quá trình phấn đầu rèn luyện của quần chúng ưu tú trong diện nguồn kết nạp vào Đảng cũng gặp không ít khó khăn.

Bí thư chi bộ Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, bà Phan Thị Kim Hạnh cho rằng: nhiều trường hợp hồ sơ xét duyệt quá tỉ mỉ, rườm rà kéo dài thời gian nên nhiều quần chúng là giáo viên, cán bộ nhân viên trong ngành vẫn còn e ngại khi được giới thiệu vào Đảng.

Đồng chí Nguyễn Văn Thọ, Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM, chỉ đạo ngành giáo dục cần phải tăng cường hơn nữa phát triển Đảng trong ngành giáo dục, đặc biệt là quan tâm đến đội ngũ giáo viên trẻ, nhân viên lao động, học sinh - sinh viên. Nơi nào khó khăn trong thực hiện thì nên xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển Đảng để có giải pháp thực hiện hiệu quả. 

LÊ LINH

Tin cùng chuyên mục