Phát triển dịch vụ xe đạp công cộng - giải pháp hữu ích giao thông đô thị

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo các thành phố lớn tập trung thực hiện các giải pháp kiểm soát và có lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân dùng phương tiện công cộng. Trong đó, đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu các địa phương xây dựng, triển khai thí điểm sớm dịch vụ xe đạp công cộng tại khu vực trung tâm các thành phố.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT), cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng Đề án Phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại Việt Nam cho biết:

Thật ra ý tưởng này đã được các chuyên gia giao thông đề cập đến từ khá lâu. Thực tế tại khu vực phố cổ Hội An cũng đã thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng nhưng loại hình dịch vụ này chưa được quan tâm vì mang lại hiệu quả thấp. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy phát triển quá nhiều, nhu cầu đi xe đạp của người dân đang tăng trở lại thì việc triển khai loại dịch vụ này lại là hợp lý. Trong Đề án phát triển vận tải hợp lý các phương thức vận tải đã được trình lên Chính phủ, giải pháp về phát triển dịch vụ xe đạp công cộng nằm trong chùm giải pháp cải thiện giao thông nội đô.

* Phóng viên:
Trong số hàng loạt giải pháp được nêu ra tại đề án, vì sao dịch vụ xe đạp công cộng lại được chọn để thí điểm trước?

* Ông LÊ ĐỖ MƯỜI: Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư hạn chế như hiện nay, chúng ta cần chọn phương án nào dễ làm nhất. Đầu tư cho dịch vụ xe đạp công cộng là đầu tư quy mô nhỏ, mang tính xã hội hóa rất cao, dễ triển khai trong thực tế nên chúng tôi đã chọn và đề nghị Thủ tướng cho thí điểm. Dịch vụ này giúp người dân có ý thức hơn về bảo vệ môi trường, tạo thói quen sử dụng xe đạp để di chuyển, tiếp cận với các phương tiện công cộng nhanh hơn, chẳng hạn giúp họ di chuyển đến bến xe buýt và từ bến xe buýt đến các điểm đến khác, điều này cũng giúp các phương tiện công cộng được khai thác triệt để hơn, giống như những mắt xích cần thiết trong hệ thống vận tải hành khách công cộng

* Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng loại hình dịch vụ này chủ yếu thu hút đối tượng khách du lịch chứ khó thu hút được người dân?

* Hiện nay ở một số nước trên thế giới, dịch vụ xe đạp công cộng phục vụ khách du lịch chiếm khoảng 40%, còn lại là dân địa phương. Như vậy, nếu dịch vụ thuận tiện, giá cả phù hợp thì sẽ thu hút được người dân, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, cán bộ công chức. Với tôi, nếu có dịch vụ này, tôi sẵn sàng sử dụng. Có nhà đầu tư vừa đưa ra mức giá 4.000 - 5.000 đồng/giờ, trong thực tế có thể thấp hơn hoặc cao hơn một chút. Thử làm một bài toán nhỏ, chúng ta mua vé xe buýt 120.000 đồng/tháng, bên cạnh đó mua thêm một cái thẻ thuê xe đạp khoảng 80.000 đồng/tháng, thế là chúng ta đã cơ bản di chuyển được trong nội đô. Với học sinh, sinh viên được mua giá ưu đãi, chi phí cả xe buýt, xe đạp chỉ khoảng dưới 150.000 đồng/tháng. Nếu so sánh chi phí đi lại của một người dân, từ việc đầu tư phương tiện đến tiêu thụ nhiên liêu, phí gửi xe… thì sẽ thấy sử dụng phương tiện công cộng nhẹ nhàng, tiện lợi hơn rất nhiều.

* Áp dụng thí điểm dịch vụ này có vướng mắc gì về hạ tầng?

* Với Hà Nội, TPHCM, Chính phủ và Bộ GTVT đã chỉ đạo trong các đề án đang làm là có quy hoạch cho những dịch vụ này. Hiện tại, để thí điểm chúng ta cũng có thể tận dụng ngay vỉa hè, nhà chờ và những khoảng trống trên một số tuyến phố làm điểm đỗ.

* Ông có tin tưởng rằng dịch vụ xe đạp công cộng sẽ giúp cải thiện bộ mặt giao thông đô thị?

* Như tôi đã nói, dịch vụ xe đạp công cộng chỉ là một trong số nhiều giải pháp, để cải thiện giao thông đô thị chúng ta còn nhiều việc phải làm. Theo chỉ đạo của Chính phủ, trong quý 3-2014, các địa phương sẽ phải xác định chỉ tiêu, mục tiêu định hướng cho việc giảm phương tiện cá nhân, nghiên cứu áp dụng các phương thức, mô hình phù hợp để đẩy mạnh xã hội hóa xe buýt, camera giao thông… Bên cạnh đó, các địa phương có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ GTVT xây dựng, phê duyệt, triển khai đề án tăng cường vận tải công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cá nhân, kiểm soát và điều tiết các phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố. Đồng thời phối hợp với Bộ Xây dựng lập kế hoạch cụ thể cho việc di dời một số cơ sở sản xuất, y tế, trường học ra khỏi nội đô, dành quỹ đất và ban hành chính sách ưu đãi để xây dựng các bãi trông giữ xe theo quy hoạch… Tôi tin rằng nếu chúng ta thực hiện đồng bộ các giải pháp đã nêu thì bộ mặt giao thông đô thị sẽ sớm được cải thiện.
 

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục