Không chỉ tạo bóng mát và nét thẩm mỹ dọc các đường phố, hệ thống cây xanh đường phố nói riêng và mảng xanh trên địa bàn thành phố nói chung, còn giữ vai trò quan trọng khác như đóng góp vào việc cải thiện môi trường sống và thích ứng biến đổi khí hậu - những tiền đề để phát triển đô thị bền vững.
Xã hội hóa phủ xanh
Còn nhớ khi được thông xe đưa vào sử dụng hồi năm 2011, việc thực hiện dự án trồng cây xanh tạo cảnh quan cho suốt chiều dài 22km toàn tuyến đại lộ Đông - Tây gần như trở thành nan giải do tình hình nguồn vốn ngân sách bấy giờ gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, chính quyền TPHCM cũng không thể để tuyến đường mới đẹp nhất nhì thành phố không có bóng mát cây xanh. Đúng lúc ấy, sáng kiến được đưa ra là xã hội hóa. Kết quả là tổng cộng hơn 8.000 cây xanh thuộc 18 chủng loại như giáng hương lá lớn, gõ nước, chuông vàng, phượng vĩ, long não, lim xanh… đã được trồng mới dọc toàn tuyến đường. Dẫn chứng vừa nêu có thể xem như một tiêu biểu cho nỗ lực phát triển mảng xanh đường phố của các cơ quan hữu quan.
Có một điều đáng mừng là thời gian qua, hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố lớn nhất nước đã phát triển nhanh và đúng hướng. Cây xanh đường phố là một ví dụ. Cây xanh liên tục được trồng thêm để bổ sung, thay thế trên các tuyến đường cũ và trồng mới trên các tuyến đường vừa mở, không chỉ trồng ở ngoài đường mà còn cả trong các khu dân cư. Thống kê từ ngành chức năng thành phố cho thấy, từ số lượng chỉ khoảng 8.000 cây xanh cách đây hơn 30 năm, đến nay con số này đã tăng lên hơn gấp 10 lần với xấp xỉ 100.000 cây xanh các loại.
Mảng xanh tại quận 1, TPHCM. Ảnh: CAO MINH
Một dẫn chứng điển hình khác là sự thay đổi từ hình ảnh những mảng bê tông, gạch lát vỉa hè đơn điệu trên nhiều tuyến phố trước đây, nay đã được nhẹ nhàng và linh động chuyển một phần sang màu xanh cây cỏ một cách sáng tạo. Dạo trên đường Nguyễn Du, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đoạn trước Hội trường Thống Nhất), Pasteur (đoạn qua Công viên 30 Tháng 4), Nguyễn Trãi…, chúng ta dễ bắt gặp những bồn dài trồng cỏ gấu xanh mướt hoặc cỏ đậu với những nụ hoa vàng óng trông thật nên thơ. Trong khi đó trên các tuyến đường Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Sư Vạn Hạnh, Nguyễn Bỉnh Khiêm… có thể nhìn thấy đó đây dưới gốc cây cổ thụ là những bồn trồng kiểng hoặc cỏ xen lẫn kiểng cùng với các loại cây trang trí khác.
Không chỉ một mảng xanh, mà nhiều đoạn vỉa hè còn có đến hai mảng xanh nhiều tầng, một mảng chạy dọc theo hàng cây hiện hữu, mảng kia ôm sát tường vỉa hè, tiêu biểu như trên đường Bà Huyện Thanh Quan, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… Tất cả pha trộn vào nhau, tương hỗ nhau tạo nên một màu xanh nhẹ nhàng, êm đềm của cỏ với hoa kiểng.
Nỗ lực gìn giữ
Trồng mới đã khó nhưng duy trì và bảo tồn hệ thống cây xanh đường phố đang có xem ra còn khó hơn. Hồi tháng 7-2015, do nhu cầu thi công dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, gọi tắt là tuyến Bến Thành - Suối Tiên, một số cây trồng trên đường Tôn Đức Thắng đoạn trước khu quân cảng Ba Son cần được dời đi. Không thể đốn bỏ một cách uổng phí các cây trồng này, chính quyền thành phố quyết định cho chuyển chúng về trồng tại Công viên Gia Định. Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TPHCM (CVCX) Lê Công Phương, đơn vị đảm trách việc dời cây xanh cho biết phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng để đảm bảo cây sẽ sống và phát triển tiếp sau khi dịch chuyển về vị trí mới. Có thể thấy được độ khó của công việc khi biết rằng, trong số những cây phải chuyển đi đợt ấy có những cây xà cừ trên dưới 20 năm, cao 16-17m và phạm vi bao phủ tán cây rộng đến 12m chưa kể những khó khăn khách quan khác như vướng víu các công trình ngầm khác như cáp viễn thông, điện thoại, cống thoát nước, đường ống cấp nước. Cũng phải nhắc đến khó khăn khác đến từ đặc trưng khu đô thị trung tâm thành phố, đó là vỉa hè được bê tông hóa và mật độ giao thông dày đặc qua khu vực thi công. Khi đó công ty đã trưng dụng 30 lao động, xe cẩu 5 tấn giữ vai trò kiềm giữ cây trong quá trình bứng gốc, xe vận chuyển 18 tấn, xe cuốc để đặt cây vào vị trí mới…
Gần đây hơn, vào cuối tháng 2-2016, 48 cây cau trắng trên đường Phạm Văn Đồng, đoạn từ đường Lê Quang Định đến cầu Rạch Lăng, đã được cơ quan chức năng quan tâm giải quyết, trong đó 32 cây được chuyển về các vườn ươm dưỡng trước khi tái trồng trên các mảng xanh khác. Qua kinh nghiệm thực tế tác nghiệp, bà Huỳnh Thị Nga - Phó giám đốc phụ trách mảng công viên cây xanh của Khu Quản lý Giao thông đô thị số 3 - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM cho biết, trong mỗi trường hợp, trước hết sẽ có một đoàn công tác hỗn hợp gồm giới chức Sở GTVT, chủ đầu tư, công ty CVCX, nhà thầu thi công tuyến đường… đi khảo sát thực tế rồi mới quyết định phương án bứng dời sang vị trí khác hay phải đốn hạ.
Trên thực tế, CVCX là một bộ phận hợp thành của cấu trúc hạ tầng đô thị hiện đại thông qua vai trò tạo ra cảnh quan thiên nhiên, làm đẹp bộ mặt mỹ quan đường phố, cải thiện khí hậu và môi trường sống của cư dân thành thị. Chẳng thế mà khi nói về mục tiêu của thành phố trong thời gian tới là hướng đến sự phát triển bền vững, chính quyền thành phố đã không quên xác định bên cạnh việc phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường thì cây xanh đô thị cũng giữ vai trò quan trọng, đặc thù của mình.
THIỆN NHÂN