Phát triển đô thị gắn với hệ thống giao thông công cộng

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM, thành phố sẽ có một hệ thống giao thông công cộng tích hợp đa phương tiện, bao gồm 8 tuyến metro, 3 tuyến xe điện, cùng với 6 tuyến xe buýt nhanh (BRT) và hơn 200 tuyến xe buýt đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Hiện TPHCM đang đầu tư xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tuyến metro số 2 (giai đoạn 1: Bến Thành - Tham Lương; giai đoạn 2: Tham Lương - Củ Chi) và nghiên cứu đầu tư tuyến metro số 5 (giai đoạn 1: Ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn; giai đoạn 2: Bến xe Cần Giuộc - Ngã tư Bảy Hiền).

Ngoài tuyến BRT số 1, TPHCM còn có 5 tuyến BRT khác gồm các tuyến: Nguyễn Văn Linh - cầu Phú Mỹ (24km), Vành đai 2 (từ An Sương - Bến xe miền Tây dài 19km), Tân Sơn Nhất - Bình Lợi (từ Kha Vạn Cân đến công viên Hoàng Văn Thụ dài 14,5km), Thoại Ngọc Hầu - Vành đai trong (từ ngã tư Bốn Xã - Nguyễn Văn Linh dài 8,7km) và đường Quang Trung dài 8,5km.

Để kết nối mạng lưới tuyến vận tải hành khách công cộng theo hướng các tuyến metro, BRT sẽ là “xương sống” và các tuyến buýt sẽ là “xương nhánh” đón khách từ các tuyến metro, BRT. TPHCM đã giao các sở, ngành chức năng nghiên cứu hình thành tại mỗi điểm ga metro, ga BRT lớn một khu phát triển phức hợp bao gồm nhà ở, trung tâm thương mại, đầu mối giao thông. Định hướng phát triển này được nhiều chuyên gia về quản lý đô thị đánh giá cao bởi đó thực chất là phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng. Việc này giúp thành phố từng bước chỉnh trang đô thị theo hướng tập trung, gắn với các đầu mối giao thông để vừa sử dụng đất hiệu quả, vừa tổ chức tốt giao thông.

Hiện các Sở QH-KT, TN-MT và quận, huyện nơi có các tuyến giao thông công cộng lớn đi qua đã tiến hành rà soát lại quỹ đất, đặc biệt là quỹ đất công để trình thành phố xem xét, khai thác làm nơi tổ chức đầu mối giao thông và phát triển đô thị. Một định hướng phát triển đô thị mới bền vững hơn đang hình thành ở TPHCM.

Tin cùng chuyên mục