Tiến sĩ Volker Martin, một chuyên gia phát triển đô thị đến từ Berlin, Đức, người đã có thâm niên nhiều năm giúp TPHCM nghiên cứu về “siêu đô thị”, vừa có bài viết gửi Báo SGGP với mong muốn được trao đổi xung quanh đề tài phát triển đô thị tại TPHCM trong thời kỳ biến đổi khí hậu (BĐKH). Báo SGGP trích giới thiệu bài viết của ông.
Viễn cảnh rủi ro cao nhất của BĐKH toàn cầu đối với TPHCM là mực nước biển sẽ làm tăng nguy hiểm cho các khu vực có độ cao trên mực nước biển ít hơn 1m. Việc phát triển đô thị sẽ dễ dàng bị tổn hại bởi sự gia tăng gió bão và mưa lớn, sạt lở đất, lũ lụt, tăng nhiệt độ hàng ngày do sự nóng lên toàn cầu và các hiệu ứng đảo nhiệt tại địa phương. Do vậy, phát triển đô thị ở đâu và như thế nào là vấn đề rất quan trọng đối với TPHCM.
Hướng Bắc, Đông Bắc, Tây Bắc của TPHCM gồm quận 9, Thủ Đức, quận 12, huyện Củ Chi là những địa phương có nền địa chất tốt nhất và cơ bản cũng là vùng đất cao nhất TP. Do vậy, TPHCM nên phát triển đô thị mạnh mẽ theo hướng này. Đặc biệt, các quận 9, Thủ Đức chạy dọc theo xa lộ Hà Nội, nơi có tuyến metro số 1 đi qua, nên phát triển các đô thị nén với mật độ dày đặc. Nơi đây có thể hình thành lên các khu đô thị đáp ứng cho khoảng 150.000 người sinh sống. Giữa các khu nhà cao tầng nên có các khoảng trống để thông gió và có các con đường xuyên qua để người dân có thể đi lại dễ dàng. Các con đường này phải được kết nối với các ga metro đi qua. Các khu công nghiệp trong khu vực nên xây dựng hệ thống thu gom nước mưa để dùng thêm với nước máy trong mùa nắng và trữ nước giúp giảm ngập vào mùa mưa.
Huyện Củ Chi có nhiệt độ trung bình cao hơn nhiệt độ trung bình ở vài nơi khác trên địa bàn TP. Tuy nhiên có thể khắc phục được bằng cách phát triển nhiều mảng xanh lớn để giữ mát cho đô thị. Hệ thống sông, kênh rạch ở đây phải được giữ gìn như là một cách bảo tồn thiên nhiên đặc trưng của Nam bộ vừa để điều hòa nhiệt độ. Các khu dân cư nên được bố trí theo cụm để chừa ra những khoảng không gian rộng lớn thoáng mát chung cho cả đô thị.
Hướng Tây bao gồm quận 8, huyện Bình Chánh... Tuy không thấp như các quận, huyện nằm ở khu Nam TP nhưng cũng là vùng đất khá thấp. Do vậy nên phát triển đô thị với mức độ vừa phải, kết hợp cân đối với việc phát triển nông nghiệp, công nghiệp của các tỉnh miền Tây Nam bộ. Nền địa chất vùng này không tốt lắm, do vậy nên tôn nền và xử lý nền móng thật kỹ khi xây nhà. Nơi này, hệ thống sông, kênh rạch tương đối nhiều nên giữ lại để thoát nước mưa và điều hòa nhiệt độ.
Các quận, huyện ở hướng Nam nên hạn chế phát triển đô thị, chỉ nên xây dựng một số khu dân cư có độ nén cao phục vụ cho hoạt động của hệ thống cảng biển Hiệp Phước. Không nên xây dựng dàn trải, vừa tốn kinh phí xử lý nền móng vừa lấn chiếm hết đất của hệ thống kênh rạch. Nên lưu ý hướng Nam cũng là hướng thoát nước cho toàn bộ TP. Do vậy, sông, rạch ở đây bị san lấp nhiều quá, nước không có chỗ thoát, dễ gây ra tình trạng ngập úng cho toàn khu vực.
Khu trung tâm TP cần được hạn chế xây dựng thêm vì đã quá tải. TPHCM nên tập trung cho công tác bảo tồn các công trình có giá trị, phát triển thêm mảng xanh ở đây. Nên bố trí khu vực dọc sông Sài Gòn thành khu vui chơi công cộng với thật nhiều cây xanh...
TS VOLKER MARTIN