Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Theo đề án phát triển du lịch tỉnh Bến Tre, đến năm 2030, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Du lịch Bến Tre phấn đấu đón khoảng 5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 48% trở lên, tổng thu từ khách du lịch đạt 3.800-6.000 tỷ đồng… Để hiện thực hóa khát vọng này, tỉnh đã có nhiều chiến lược để kích hoạt ngành công nghiệp không khói từ những tiềm năng sẵn có của địa phương.
Khách du lịch trải nghiệm các sản phẩm du lịch tại xứ dừa Bến Tre. Ảnh: THANH ĐỒNG
Khách du lịch trải nghiệm các sản phẩm du lịch tại xứ dừa Bến Tre. Ảnh: THANH ĐỒNG

Khai thác tiềm năng, lợi thế

Được hình thành bởi 3 cù lao và do phù sa của nhánh sông Cửu Long bồi tụ, với hệ sinh thái đa dạng, những vườn dừa xanh thẳm, vườn cây ăn trái xum xuê, làng nghề thủ công và đặc biệt là đường bờ biển dài khoảng 65km… là những thế mạnh mà thiên nhiên ưu ái cho tỉnh Bến Tre. Tại huyện Thạnh Phú, từ điều kiện tự nhiên sẵn có, với đường bờ biển dài trên 25km, cùng di tích lịch sử quốc gia Đường Hồ Chí Minh trên biển, lăng Ông Nam Hải, nhà cổ Huỳnh Phủ, bia lưu niệm nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên tại xã Phú Khánh, bia lưu niệm nơi xuất quân của Tiểu đoàn 307 và thành lập Tiểu đoàn 310… địa phương mạnh tay đầu tư phát triển du lịch sinh thái, homestay kết hợp tham quan các di tích văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động và tiêu thụ số lượng lớn mặt hàng thủy hải sản địa phương thông qua hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch. Thống kê từ năm 2017-2022 cho thấy, lượng khách đến huyện Thạnh Phú đạt 1,45 triệu lượt, tổng thu từ du lịch đạt 315 tỷ đồng. Gần đây nhất, lượng khách du lịch đến Cồn Bửng (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú) cũng tăng lên đáng kể, chỉ 9 tháng đầu năm 2022, đã có trên 260.000 lượt khách, tăng cao so với năm 2021 (135.000 lượt)…

Để tiếp tục khai thác, phát triển tiềm năng du lịch biển Cồn Bửng, UBND huyện Thạnh Phú đã kiến nghị ngành chức năng tỉnh chuyển một phần diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ không đúng thực tế sang đất phát triển kinh tế; đồng thời tạo môi trường thuận lợi và có nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư để phát triển du lịch. Ngoài ra, nâng cấp đường ra Biển Đông, mở tuyến xe buýt đến Cồn Bửng để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách...

Còn tại huyện Châu Thành, du lịch sinh thái kết hợp tham quan, thưởng thức trái cây, nghỉ ngơi trong vườn cây ăn trái đang là xu hướng, phát triển khá mạnh tại địa phương này. Theo bà Cao Thị Chiên, Tổ trưởng Tổ hợp tác sầu riêng (xã Tân Phú, huyện Châu Thành), du lịch sinh thái kết hợp với tham quan, thưởng thức trái cây đặc sản vừa tạo cho khách có một trải nghiệm đặc biệt, vừa quảng bá được sản phẩm của địa phương đến với du khách và mang lại thu nhập cao cho người nông dân.

Tại Hội chợ Du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh (ITE HCMC) 2022, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Ngọc Dung thông tin, đơn vị đã liên kết để xúc tiến mở rộng thị trường, đón khoảng 100 đơn vị lữ hành, trong đó có gần 50 đơn vị lữ hành quốc tế đến từ châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ về Bến Tre khảo sát sản phẩm du lịch. Đây là cơ hội để Bến Tre quảng bá hình ảnh và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch của địa phương với thị trường quốc tế cũng như các thị trường mới trên cả nước. 

Đào tạo nhân lực

Thực hiện đề án của Tỉnh ủy Bến Tre về phát triển du lịch tỉnh Bến Tre đến năm 2030, Huyện ủy Ba Tri phấn đấu đến năm 2025, đón ít nhất 70.000 lượt khách đến du lịch, kết hợp tham quan các di tích trên địa bàn huyện. Để kết quả đạt như kỳ vọng, việc đào tạo nguồn nhân lực là điều rất cần thiết. Mới đây, UBND xã An Hiệp (huyện Ba Tri), phối hợp với Sở VH-TT-DL tỉnh và Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn tổ chức lớp tập huấn du lịch cộng đồng, thông qua lớp này để các hộ dân có ý định làm du lịch thêm kiến thức, kỹ năng để phát triển du lịch trên địa bàn huyện về du lịch cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bến Tre, cho biết, huyện Ba Tri có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch cộng đồng. Đây là loại hình du lịch tạo điều kiện phát triển sinh kế cộng đồng, phù hợp với xu thế hiện nay; đồng thời là nguồn nhân lực làm du lịch cho địa phương, bởi cán bộ trên địa bàn và bà con nhân dân sẽ trở thành nguồn nhân tố để phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

Huyện Giồng Trôm cũng tổ chức buổi toạ đàm thực hiện Chương trình hành động số 4 của Huyện ủy về phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Bí thư Huyện ủy Giồng Trôm Nguyễn Trúc Hạnh nhận định, nhiều người dân trên địa bàn thể hiện rõ đam mê và nhiệt huyết về làm du lịch. Do đó, huyện cũng xác định cần quan tâm bồi dưỡng nguồn nhân lực, để người làm du lịch có thể giới thiệu đến du khách các địa điểm lịch sử, văn hóa của địa phương bằng tất cả tình cảm, tâm huyết với vùng đất mà họ sinh sống.

Bí thư Huyện ủy Giồng Trôm bày tỏ kỳ vọng, doanh nghiệp làm du lịch cần có sự chủ động, kết nối nhau để tăng cường quảng bá điểm du lịch gắn kết trên hệ thống thông tin; các điểm du lịch tăng cường gắn kết với nhau, chia sẻ, đồng hành với nhau. Địa phương cũng cam kết sẵn sàng hỗ trợ các chính sách về du lịch thuộc thẩm quyền của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất về hạ tầng, kỹ thuật cho phát triển du lịch.

Tin cùng chuyên mục