Sở Giao thông Vận tải (GTVT) vừa công bố quy hoạch mạng lưới đường thủy, cảng và bến khu vực TPHCM từ nay đến năm 2020. Như vậy, sau một thời gian bị lãng quên, vai trò của giao thông đường thủy được trả lại đúng với vị trí vốn có của nó.
Chia tải đường bộ
Theo Sở GTVT, TPHCM có gần 8.000km sông, kênh, rạch với tổng diện tích mặt nước chiếm khoảng 16% diện tích TP, trải đều trên nhiều địa bàn quận, huyện sẽ là điều kiện tuyệt vời để TP phát triển mạnh mẽ giao thông thủy.
Ở khu vực trung tâm phải kể đến kênh Tàu Hủ-Bến Nghé, từ hàng trăm năm qua đã là một tuyến giao thông thủy quan trọng kết nối TPHCM với các tỉnh miền Tây Nam bộ. Hai bên bờ kênh từng có thời nhộn nhịp “trên bến dưới thuyền” với hàng trăm kho bãi chứa hàng nông sản từ miền Tây Nam bộ đưa lên TP. Hiện nay, tuyến giao thông này vẫn hoạt động, song không khí tấp nập khi xưa không còn nữa. Một phần do đoạn đầu kênh ở phía quận 1, bị lấp tạm thời để thi công hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn. Phần nữa, do kênh đã bị bồi lắng khá nhiều nên không còn hấp dẫn nhiều tàu, thuyền ra vào.
Phó Giám đốc Sở GTVT TP Trần Thế Kỷ cho biết, cuối năm nay, khi công trình đại lộ Đông-Tây hoàn thành, kênh Tàu Hủ-Bến Nghé khai thông trở lại, TP sẽ cho mở lại tuyến giao thông thủy này. Đáng quan tâm hơn, điểm cuối cùng của tuyến không chỉ dừng ở khu vực quận 1 mà kéo dài ra sông Sài Gòn. Để rồi từ sông Sài Gòn, tuyến giao thông sẽ nối đến sông Vàm Thuật, rạch Nước Lên, sông Bến Lức (tỉnh Long An), trở ngược lại kênh Đôi-Tẻ và kết thúc ở sông Sài Gòn, tạo thành tuyến đường thủy vành đai trong của TP. Tuyến đường thủy này sẽ làm giảm đáng kể áp lực giao thông cho một số tuyến đường bộ ở TPHCM như xa lộ Hà Nội, Xuyên Á…
Trong nội thành còn có 3 tuyến giao thông thủy nội đô khác xuất phát từ bến Nhà Rồng đang được nghiên cứu. Tuyến thứ nhất, sẽ hướng theo sông Sài Gòn ra Củ Chi với bến cuối là cầu An Lộc nằm trên đường Nguyễn Oanh (Gò Vấp). Tuyến thứ hai, rẽ theo kênh Tàu Hủ-Bến Nghé đi về phía huyện Bình Chánh. Tuyến thứ ba, hướng theo kênh Tẻ, đi dưới cầu Tân Thuận để ra ngã ba Chợ Đệm.
Theo kế hoạch, đến giữa năm nay, Khu Quản lý đường sông sẽ chọn ra một tuyến khả thi nhất để đề xuất mở luồng. Nếu cả 3 tuyến đường thủy này đều được khai thác, dự kiến hàng loạt tuyến đường bộ theo các hướng này sẽ được chia tải.
Về khả năng hỗ trợ đường biển, có đến 6 tuyến giao thông thủy. 6 tuyến đều kết nối tới sông Soài Rạp ở Hiệp Phước, huyện Nhà Bè-nơi có cụm cảng biển nước sâu hiện đại nhất TPHCM. Tuyến thứ nhất, đi từ Rạch Đỉa ra sông Phú Xuân-sông Nhà Bè tới Soài Rạp. Tuyến thứ hai, từ rạch Ông Lớn 2 qua sông Phước Kiểng-rạch Mương Chuối đến sông Soài Rạp. Tuyến thứ ba, từ rạch Tôm-rạch Mương Chuối đến sông Soài Rạp. Tuyến thứ tư, từ rạch Dơi-sông Kinh đến sông Soài Rạp. Tuyến thứ năm, từ rạch Dừa-sông Giồng-sông Kinh Lộ tới sông Soài Rạp. Tuyến thứ sáu, từ sông Sài Gòn-rạch Tra-kênh Xáng An Hạ-kênh Lý Văn Mạnh-sông Chợ Đệm-sông Cần Giuộc-rạch Dơi-sông Kinh tới sông Soài Rạp.
Đầu tư lớn, thu hồi khó
Tiềm năng là vậy nhưng khi triển khai xây dựng, theo ông Trần Thế Kỷ sẽ gặp thách thức rất lớn. Thách thức đầu tiên là chế độ bán thủy triều tại TPHCM, làm cho nước sông, kênh, rạch TP lên xuống đến hai lần/ngày, rất khó cho tàu, thuyền đi lại. Khó khăn này được nhân lên gấp bội trong điều kiện không ít cầu trên sông, kênh, rạch có tĩnh không rất thấp. Do đó, nhiều tàu lớn muốn lợi dụng nước lớn để đi thì sợ vướng cầu.
Đồ án quy hoạch mạng lưới đường thủy, cảng và bến TPHCM đến 2020 có tính đến khả năng huy động nhiều nguồn vốn bằng nhiều hình thức đầu tư như BOT, BOO hay sử dụng vốn ngân sách, vốn ODA… Tuy nhiên, khả năng thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào đây là không cao vì vốn đầu tư cho đường thủy rất lớn, thường tốn đến hàng trăm triệu USD. Đó là chưa kể đến hàng loạt công việc liên quan khác cần phải làm như đánh giá tác động môi trường, khả năng sạt lở bờ sông khi nạo vét luồng… vốn rất phức tạp nên nhiều doanh nghiệp không mặn mà.
Trên thực tế đã có nhiều doanh nghiệp mua tàu, thuyền đưa khách đi từ TPHCM xuống các tỉnh miền Tây Nam bộ nhưng phải bỏ ngang vì…lỗ. Chi phí nhiên liệu tàu, thuyền thường cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với chi phí nhiên liệu ô tô. Chính vì vậy, giá vé đi tàu, thuyền thường cao gấp rưỡi, gấp đôi giá vé đi ô tô, hành khách vì thế không mặn mà với hình thức vận chuyển đường sông. Những cản ngại ấy, cùng với những khó khăn về điều kiện thủy văn đã, đang và sẽ là thách thức rất lớn để triển khai quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông thủy TP.
Nói như vậy không có nghĩa là “bó tay”, nhiều chuyên gia vận tải cho rằng, vấn đề bây giờ là cơ chế thu hút đầu tư. TP nên xem xét ban hành hay đề xuất Chính phủ cho phép ban hành nhiều hình thức ưu đãi trong việc đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông thủy ở TP. Bởi vì giao thông thủy không những chia tải đường bộ, hỗ trợ đường biển mà còn là một loại hình du lịch rất hấp dẫn du khách, giúp TP có thêm nguồn thu.
Theo Quy hoạch mạng lưới giao thông đường thủy, cảng và bến TPHCM đến năm 2020, TP sẽ có 87 tuyến đường giao thông thủy với tổng chiều dài hơn 574km. Trong đó có 3 tuyến cấp 1 dài 23 km, 1 tuyến cấp 2 dài 1,2km, 2 tuyến cấp 3 dài 24,2km, 21 tuyến cấp 4 dài 137,2km, 20 tuyến cấp 5 dài 181,6km và 41 tuyến cấp 6 dài 206,9km. Riêng trong nội thành TPHCM có 3 tuyến. Tuyến vành đai trong từ sông Sài Gòn - sông Vàm Thuật - rạch Bến Cát - sông Trường Đay - kênh Tham Lương - kênh 19/5 - rạch Nước Lên - sông Bến Lức - kênh Đôi - Tẻ - sông Sài Gòn. Tuyến dọc theo trục Đông-Tây. Tuyến rạch Bến Nghé - rạch Tàu Hủ. Số tuyến riêng lẻ như tuyến Lò Gốm - Ông Buông - kênh Ngang số 1 - số 2 - số 3 - kênh Thanh Đa. |
NGUYỄN KHOA