Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam vừa tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề “Tác động của Internet tới sự phát triển của kinh tế Việt Nam”. Tham dự cuộc tọa đàm có lãnh đạo Bộ TT-TT, Hiệp hội Internet Việt Nam, Hội Tin học Việt Nam, các tập đoàn công nghệ lớn của nước ngoài như Google, Intel, các doanh nghiệp trong ngành CNTT và viễn thông Việt Nam. Tại đây, Công ty Tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company đã công bố kết quả khảo sát trong báo cáo “Trực tuyến và xu hướng sắp tới: Tác động của Internet đối với các quốc gia đang lên”.
Internet đóng góp 0,9% GDP của Việt Nam
Theo McKinsey, mức đóng góp 0,9% của Internet trong GDP của Việt Nam đang tương đương với Thổ Nhĩ Kỳ và Marốc, cao hơn tại Nga nhưng lại thấp hơn nhiều so với mức 4,1% ở Malaysia, 3,2% ở Ấn Độ và 2,6% ở Trung Quốc. Tuy nhiên, theo ông Shaowei Ying, Phó Giám đốc Văn phòng Singapore, Công ty McKinsey & Company, mức đóng góp của Internet vào GDP tại VN sẽ sớm tiệm cận mức trung bình của khu vực (2%) và còn có thể đạt tới 2,5% trong tương lai. Ông Shaowei Ying cũng đã công bố rất nhiều con số đáng chú ý về VN, như: các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại VN đã tăng 19,3% hiệu quả kinh doanh nhờ vào Internet (VN là một trong những quốc gia có mức độ tăng cao nhất trong số 30 quốc gia đang lên tham gia cuộc khảo sát của McKinsey); mức độ thặng dư tiêu dùng của VN đạt mức trung bình trong số các quốc gia đang lên (khoảng 14 USD/tháng, tương đương 25 tỷ USD/năm ở 9 quốc gia đang lên); tính hoàn thiện của hệ sinh thái Internet ở VN hơi thấp hơn giá trị trung bình của khu vực (VN đạt 24 điểm trong khi trung bình khu vực đạt 37) nhưng tính hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái lại cao hơn mức trung bình khu vực (VN là 33, trung bình khu vực là 31).
Cũng theo McKinsey, hơn 1/3 số người sử dụng Internet tại VN truy cập các trang bán hàng hoặc đấu giá trực tuyến; hơn 1/2 người dùng Internet tại VN tin rằng mua hàng trực tuyến giúp họ tiếp cận với một danh mục sản phẩm đa dạng và phong phú hơn. Tuy nhiên, dù thương mại điện tử ở VN có tiềm năng lớn để phát triển nhưng thị trường này vẫn chưa được đầu tư khai thác đúng mức.
Ghi nhận những con số khảo sát của McKinsey nhưng ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet VN cũng chia sẻ, Internet đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, tuy nhiên, ý nghĩa giá trị vô hình mà Internet mang lại còn lớn hơn rất nhiều so với những con số định lượng. Chẳng hạn, Internet đã giúp nâng cao dân trí, tạo nền tảng dân chủ lành mạnh cho sự phát triển kinh tế. Hiện nay, tác động của Internet đối với khu vực phi kinh tế, phi thương mại đang lớn hơn khu vực kinh tế, thương mại. Khoảng 5 năm nữa, tác động của Internet vào khu vực kinh tế mới có thể cao hơn khu vực phi kinh tế.
Quản lý để phát triển
Tại cuộc tọa đàm, các tham luận đều khẳng định, liên tục trong những năm qua, Internet đã phát triển nhanh chóng tại VN với hơn 30 triệu người dùng Internet trên tổng số gần 90 triệu người dân. Sự phát triển bùng nổ của lĩnh vực viễn thông và CNTT của VN trong vài năm trở lại đây cũng cho thấy lĩnh vực này là một hướng đi mới, đầy triển vọng tạo nên sự đột phá để đưa nền kinh tế của VN vươn ra thế giới. Bà Anna, Giám đốc Bộ phận chính sách khu vực Đông Nam Á của Google cho rằng, sức mạnh thực sự của Internet trong phát triển kinh tế là dành cho các công ty bình thường. “VN là một thị trường rất hấp dẫn với tinh thần doanh nghiệp luôn cao. Không có lý do gì Google không đưa Chương trình Doanh nghiệp vừa và nhỏ vào VN như Thái Lan. Đây là mô hình đáp ứng thực tế ở nhiều quốc gia. Google sẽ thỏa luận với phía VN xem áp dụng như thế nào để đưa doanh nghiệp vừa và nhỏ VN tham gia thị trường toàn cầu”, bà Anna cho biết.
Ông Vương Quang Khải, Phó Tổng giám đốc Công ty VNG cho biết, trong 10 năm qua, nội dung số trên mạng Internet đã tăng trưởng 50% - 100%/năm. Đây chính là điều kiện thuận lợi phát triển nội dung số VN: chính sách mở cho phát triển nội dung số tại VN; sự phát triển các nhà cung cấp hạ tầng (đường truyền rẻ). Tuy nhiên cùng với sự phát triển mạnh mẽ này cần có chính sách quản lý phù hợp. Ví dụ video trên Internet không chỉ là giải trí đơn thuần mà có thể thay thế đài truyền hình. Các dịch vụ mạng xã hội sẽ thách thức sự tồn tại của các cơ quan truyền thông. Nếu buông lỏng, những hạ tầng quan trọng sẽ rơi vào sự kiểm soát của nước ngoài, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Vì vậy, ông Khải cho rằng, việc phát triển Internet cần có quản lý để đảm bảo lợi ích của quốc gia cũng như doanh nghiệp, nhất là sự hài hòa giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Đại diện FPT Telecom, Viettel Telecom cùng các doanh nghiệp khác tại cuộc tọa đàm đều khẳng định, bên cạnh giá thành, mở rộng các loại hình dịch vụ, yếu tố đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trên mạng Internet cần phải hết sức coi trọng, xem là đó là vấn đề an ninh quốc gia trong quá trình phát triển Internet để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng cho biết, VN đang xây dựng những chính sách mới về Internet trong 5 – 10 năm tới. Đó là việc xây dựng nghị định mới về Internet thay thế Nghị định 97, mở ra giai đoạn phát triển mới. Theo đó, VN có quan điểm xuyên suốt trong quản lý Internet nhưng cũng có những quy định điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn. Trước hết Internet là hạ tầng công cộng, là môi trường mạng mà trên đó cũng có các hoạt động của đời sống xã hội, có cả cái tốt và cái xấu. Các quy định pháp luật được đặt ra nhằm hạn chế cái xấu, phát huy cái tốt. Thứ 2, khoảng 10 năm trước, Internet được coi là công nghệ mới, 5 năm sau coi Internet là công cụ giúp doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả. Mục tiêu phát triển Internet là hợp tác và phát triển. Việc quản lý Internet hiện đang dùng các biện pháp từ kinh tế, hành chính, kể cả biện pháp liên quan tới hình sự… để ngăn cản cái xấu (ví dụ tội phạm, khủng bố, văn hóa đồi trụy...), tất cả những điều đó thực hiện để hướng đến mục tiêu cuối cùng vẫn là Internet phải giúp kinh tế – xã hội đất nước phát triển.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định, hoạt động quản lý, các cơ chế chính sách phải theo kịp sự phát triển chứ không phải đưa ra biện pháp quản lý để hạn chế sự phát triển. Chính phủ và Bộ TT-TT khi làm chính sách luôn xác định mục tiêu cuối cùng là phải làm cho Internet ngày càng phát triển, đem lại lợi ích ngày càng lớn cho đất nước và người dân. Bộ TT-TT hoan nghênh sự hợp tác của các doanh nghiệp Internet nước ngoài, đặc biệt như Google, Facebook, Yahoo... sẵn sàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại VN theo pháp luật VN, sẵn sàng đối thoại để phát triển Internet.
TRẦN LƯU