Phát triển làng nghề: Khắc phục cách làm nhỏ lẻ, ô nhiễm môi trường

Sáng 15-3, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị, ban, ngành tổ chức Hội nghị "Phát triển làng nghề gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới".

(SGGPO)-.Sáng 15-3, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị, ban, ngành tổ chức Hội nghị "Phát triển làng nghề gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới".

Quang cảnh buổi hội nghị. Ảnh: Nguyễn Trang

Theo ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ đặc sắc, tuy nhiên trên thực tế chưa khai thác được hết tiềm năng lợi thế từ làng nghề mang lại cho sự phát triển của tỉnh, hội nghị lần này cần tập trung một số nội dung như tìm giải pháp, định hướng để khắc phục tồn tại, vướng mắc hướng đến phát triển làng nghề bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 44 làng nghề, làng nghề truyền thống, trong đó có 28 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Tổng số cơ sở sản xuất tham gia hoạt động ngành nghề tại các làng nghề là 3.005 cơ sở, tổng số lao động trong làng nghề là 5.981 lao động, chủ yếu là trung niên và lớn tuổi. Có 30 cá nhân được UBND tỉnh công nhận danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi. Hiện tại, tỉnh Quảng Nam đã cấp con dấu xác thực “Craft in Quảng Nam” cho 34 sản phẩm thủ công mỹ nghệ của 12 đơn vị có sản phẩm tham gia.

Nhìn chung, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các đối tượng tham gia ngành nghề tại nhiều làng nghề còn gặp nhiều khó khăn, sản xuất chỉ ở mức độ duy trì làng nghề, không ổn định, hoạt động cầm chừng, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết, sử dụng công nghệ lạc hậu, không gian làng nghề quá chật, nhiều làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một như làng nghề chế biến nước mắm Hà Quảng, làng nghề dệt chiếu An Phước, làng nghề nón lá xã Quế Minh,….Chỉ còn một số ít làng nghề còn duy trì ổn định như làng nghề mộc Kim Bồng, làng nghề gốm Thanh Hà, làng nghề trồng rau Trà Quế,…Các làng nghề duy trì ổn định hầu hết nhờ vào điều kiện mặt bằng, chủ động được nguồn nguyên liệu, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị.

Làng nghề trồng rau Trà Quế là một trong số ít các làng nghề của tỉnh Quảng Nam còn duy trì ổn định. Ảnh: Trung Thu

Vấn đề về mức thu nhập bình quân thấp cũng khiến cho làng nghề gặp nhiều khó khăn trong lao động, dao động từ 0,5 -6 triệu đồng/tháng, trong đó số lượng làng nghề có lao động mức thu nhập bình quân 3 triệu/tháng trở xuống chiếm đến 60% tập trung các nghề dệt vải, chiếu, nón lá, rèn, nước mắm…

Ngoài ra, trong hoạt động sản xuất, các làng nghề đều phát sinh những chất thải gây ô nhiễm môi trường. Hiện chưa có một đánh giá về hiện trạng môi trường cụ thể tại các làng nghề, nhưng theo Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Quảng Nam, các làng nghề có quy mô nhỏ lẻ, tuy nhiên qua khảo sát đã có một số làng nghề gây ô nhiễm môi trường như làng đá Tràng Thạch, gây ô nhiễm không khí; làng nghề Gốm Thanh Hà, gây ô nhiễm khói bụi từ khí đốt, nung gốm,…

Ông Lê Muộn-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Phát triển làng nghề có vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đóng góp xây dựng nông thôn mới”. Do vậy, ông Lê Muộn nhấn mạnh, trong quy hoạch làng nghề, làng nghề truyền thống cần gắn với các điểm, tuyến du lịch, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, chú trọng công tác bảo vệ môi trường. Triển khai xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu, có kế hoạch phục tráng các giống cây nguyên liệu có năng suất cao, quy cách, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ. Tiếp tục triển khai và rà soát lại các làng nghề đã có quy hoạch, thực hiện việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm đến các khu, cụm công nghiệp, cụm làng nghề đã được quy hoạch.

Du khách tham gia làm bánh tráng cùng người dân làng nghề. Ảnh:Nguyễn Trang

Về đào tạo nguồn nhân lực, cần công nhận nghệ nhân và thợ giỏi, khuyến khích nghệ nhân và thợ giỏi trực tiếp mở lớp truyền nghề, đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý các cấp, tổ chức vay vốn phát triển sản xuất.

NGUYỄN TRANG

Tin cùng chuyên mục