Người mẫu thời trang

Phát triển lệch hướng

Thời trang... hướng ngoại
Phát triển lệch hướng

Có lẽ, thời hoàng kim của nghề người mẫu tại Việt Nam đang dần đi qua. Một nghịch lý hiện nay, số lượng người mẫu ngày một đông nhưng sự tỏa sáng với nghề chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Một số người mẫu trong show trình diễn thời trang giấy Emos.

Một số người mẫu trong show trình diễn thời trang giấy Emos.

Thời trang... hướng ngoại

Trước kia, dù còn là một nghề mới mẻ, dù người mẫu không có chiều cao vượt trội, không danh xưng rõ kêu, kiểu “Siêu mẫu, nữ hoàng” nhưng khán giả vẫn thuộc tên, quen mặt và dành nhiều tình cảm cho hầu hết lớp người mẫu thế hệ đầu tiên, như: Trương Ngọc Ánh, Minh Anh, Ngô Mỹ Uyên, Hà Kiều Anh, Ngọc Khánh, Xuân Lan, Thúy Hằng, Thúy Hạnh… Họ chinh phục được tình cảm của khán giả bằng chính lao động nghiêm túc, sự đam mê và yêu nghề.

Thế hệ người mẫu hôm nay trẻ trung, có chiều cao gần đạt chuẩn quốc tế, có nhiều show diễn hơn nhưng tên tuổi họ lại ít được khán giả quan tâm và cũng ít nhận được tình cảm yêu mến từ phía khán giả. Những tên tuổi người mẫu “đình đám”, không phải vì họ tỏa sáng trên sàn diễn thời trang mà họ “nổi” nhờ scandal cùng những phát ngôn gây sốc hoặc chụp ảnh khỏa thân hay cố tình khoe vòng 1 “khủng”...

Chuẩn người mẫu cũng thay đổi theo thời gian. Ngày trước, người mẫu cao vừa phải, được khán giả yêu mến một phần cũng vì họ đều có nhan sắc (đa phần là hoa hậu, người đẹp, á hậu). Ngày nay, theo chuẩn người mẫu của thế giới nên cô nào càng cao càng có nhiều cơ hội trở thành siêu mẫu, bất kể đẹp nhiều hay ít (càng ít đẹp có khi càng ấn tượng). Đáng sợ hơn, chỉ sau một thời gian ngắn khi đã là người mẫu, vòng 1 của hầu hết người mẫu nữ đều được “nâng cấp” để trở thành “hàng khủng”. Cái đẹp, cái hấp dẫn của người mẫu không từ trang phục (thời trang) mang lại mà họ đang cố khoe thân mình trên sàn diễn! Thế nên mới thường xuyên xảy ra tình trạng “sự cố lộ hàng” – cách người mẫu giải thích!

Trào lưu tự phong

Hiện nay có nhiều công ty đào tạo người mẫu cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, như Công ty Runway, Công ty Venus, Công ty Tài Hoa Việt, Công ty BeU models, Công ty JSC, Công ty New Talent, PL, Elite... Số người đăng ký vào học thì nhiều nhưng số có thể hành nghề không nhiều và số trụ lại với nghề lại càng ít hơn. Một số cuộc thi tìm kiếm người mẫu cũng đã cung cấp một vài nhân tố mới cho đội ngũ người mẫu. Những gương mặt đoạt giải cao tại cuộc thi Vietnam’s Next Top Model cũng đã ít nhiều tạo được sự chú ý với công chúng và đã bổ sung thêm vào đội ngũ chân dài chuyên nghiệp. Tuy nhiên, theo nhận định của một số nhân vật giữ vai trò quản lý người mẫu cho biết, hoạt động biểu diễn thời trang thời gian gần đây đang trở nên bão hòa, bởi ai cũng có thể đi làm người mẫu và các danh xưng hết sức tùy tiện.

Chưa bao giờ danh hiệu “siêu mẫu” lại nhiều và dễ dàng như hiện nay; ngay như danh xưng “Nữ hoàng đồ lót” hết sức xa lạ với văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam cũng được “phong” thoải mái.

Theo một quản lý người mẫu có thâm niên trong nghề cho biết, chuyện “tự phong” của các người mẫu nhằm mục đích “nâng giá”, mà “giá” ở đây không hẳn là giá cát-xê biểu diễn. Cát-xê cho người mẫu đã có khung. Những người mẫu tên tuổi, người mẫu hạng A, cát-xê cho một đêm diễn cũng chỉ chừng vài triệu. Các người mẫu hạng B, C có giá thấp hơn nhiều và thấp nhất là 500.000 đồng/show.

Nhưng những show diễn thời trang lớn trong một năm là không nhiều. Để sống được, để có tiền chưng diện, se sua, buộc các người mẫu phải tìm kiếm các khoản thu nhập khác và với những chức danh kiểu như: “Siêu mẫu”, “Nữ hoàng”, họ sẽ “làm giá” được với các đại gia trong những thương vụ làm ăn không dính tới thời trang. Một quản lý người mẫu cho biết: “Giá cát-xê trung bình chỉ vài triệu đồng/show. Một năm có vài show diễn lớn – nhưng không phải người mẫu nào cũng được mời tham gia – thêm vài show sự kiện, chụp hình quảng cáo. Với thu nhập ấy, người mẫu chỉ đủ sống, làm gì có tiền mua túi xách, quần áo hàng hiệu; càng không có khả năng mua xe hơi, tậu nhà ở. Chắc chắn những thứ ấy không từ nghề người mẫu mang lại!”.

Theo tìm hiểu của người viết, đã có tạp chí nước ngoài quyết tẩy chay việc sử dụng người mẫu dưới 16 tuổi. Tại lãnh thổ Đài Loan, người mẫu còn phải cam kết không làm bồ nhí, gái bao, gái gọi cho các đại gia. Tại Việt Nam, chưa có bất cứ một quy định nào, mọi việc khi xảy ra sự cố đều chỉ kêu gọi lòng tự trọng, sự tự giác của người mẫu – một điều rất khó đạt được hiệu quả!

Các show diễn thời trang ngày nay cũng nhuốm màu kinh doanh chứ không còn là các chương trình nghệ thuật thuần túy, nên người mẫu cũng chạy theo quy luật kiếm tiền. Tháng 10-2006, Hiệp hội Người mẫu Việt Nam được thành lập, nhưng từ khi thành lập đến nay không thấy vai trò của hiệp hội trong các hoạt động nghề nghiệp này.

Như Hoa

Tin cùng chuyên mục