Phát triển mảng xanh đô thị: Xã hội hóa là “kênh” chủ lực

Suốt chiều dài 22km của dự án đại lộ Đông Tây, cây xanh đã được trồng nhiều nơi. Đây có thể xem là một thành quả điển hình của công trình phát triển cây xanh thông qua “kênh” xã hội hóa trên địa bàn TPHCM thời gian qua.
Phát triển mảng xanh đô thị: Xã hội hóa là “kênh” chủ lực

Suốt chiều dài 22km của dự án đại lộ Đông Tây, cây xanh đã được trồng nhiều nơi. Đây có thể xem là một thành quả điển hình của công trình phát triển cây xanh thông qua “kênh” xã hội hóa trên địa bàn TPHCM thời gian qua.

Thành quả bước đầu

Năm ngoái, khi được thông xe đưa vào sử dụng, việc thực hiện dự án trồng cây xanh tạo cảnh quan cho suốt chiều dài 22km toàn tuyến đại lộ Đông Tây là vấn đề nan giải do nguồn vốn ngân sách bấy giờ gặp nhiều khó khăn. Không thể để tuyến đường vừa mới, vừa to đẹp này không có bóng mát cây xanh, TPHCM quyết định vận dụng mô hình xã hội hóa. Kết quả là hơn 8.000 cây xanh thuộc 18 chủng loại như giáng hương lá lớn, gõ nước, chuông vàng, phượng vĩ, long não, lim xanh… được trồng mới dọc tuyến đường.

Những đơn vị tiêu biểu và cũng tích cực hưởng ứng nhất việc phủ xanh tuyến đại lộ Đông Tây là Công ty Công viên cây xanh TP; Công ty cổ phần Liên doanh Hoàn Long – Hoàn Vũ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Đoàn Thanh niên Hàn Quốc, Công ty Công ích quận 2; Công ty Bảo vệ Thực vật Sài Gòn; Xí nghiệp Phân bón Đông Thạnh... Hình thức tham gia đóng góp khá đa dạng: cây xanh các loại, tiền mặt, phân bón, máy móc thiết bị thi công, nhân lực… Tổng kinh phí riêng cho việc phủ xanh tuyến đường đã lên tới 4,36 tỷ đồng.

Mảng xanh trên đại lộ Đông Tây. Ảnh: KIM NGÂN

Mảng xanh trên đại lộ Đông Tây. Ảnh: KIM NGÂN

Trong năm ngoái và chỉ tính riêng từ nguồn huy động xã hội hóa, toàn địa bàn TP có thêm xấp xỉ 13.000 cây xanh các loại được trồng mới, đồng thời đưa vào bảo quản thêm hơn 55 ha công viên, mảng xanh. Cũng chính “kênh” xã hội hóa này năm 2011 đã giúp tiết giảm ngân sách TP hơn 40% kinh phí lẽ ra phải dành cho công tác trồng cây. Với những ích lợi nhãn tiền như thế và với xác định phát triển công viên cây xanh giữ vai trò quan trọng tạo nên môi trường bền vững, chính quyền TP cũng đồng thời xác định sẽ tiếp tục chú trọng thí điểm vận động xã hội hóa phát triển mảng xanh trên địa bàn trong thời gian tới. Trước mắt, sẽ có nhiều hình thức xã hội hóa được linh động vận dụng thí điểm.

Tiếp tục kêu gọi

Trước hết là hình thức sử dụng thư ngỏ để vận động trực tiếp đóng góp kinh phí, vật tư, nhân lực… Cách làm tương tự như đã triển khai đối với tuyến đại lộ Đông Tây. Tuy nhiên, do tính chất quá lý tưởng của nó, phương thức này không phải lúc nào cũng được áp dụng thành công. Vì thế TP đã tính đến một phương thức khác đặt trên cơ sở có “bồi hoàn” đúng mức cho nhà đầu tư. Đó là phương thức kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển mảng xanh và sẽ được bù lại bằng việc khai thác kinh doanh ở một số địa điểm với mức độ nào đó. Phương thức này được xác định thích hợp đối với các khu đất dự trữ, đất hành lang an toàn giao thông hoặc đất tại các cây cầu. Chẳng hạn như khi nhà đầu tư bỏ vốn phát triển mảng xanh tại các dạ cầu, họ có thể được khai thác một số dịch vụ như giữ xe, lập nhà kho chứa vật tư ngay bên dưới dạ cầu đó.

Trên thực tế, thời gian qua cách làm này đã được triển khai thành công tại cầu Chữ Y, cầu Ông Lãnh. Vì thế trong thời gian tới, những vị trí “ứng viên” tiếp theo sẽ là các dạ cầu Calmette, Chà Và, Lò Gốm, Nguyễn Tri Phương… Trong khi đó, đối với các khu đất dự trữ, đất hành lang an toàn giao thông do đặc thù tính chất và quy mô thường khá lớn, nên chủ yếu sẽ được thực hiện theo định hướng kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị chuyên ngành cải tạo, sử dụng khu đất làm nơi giãn cây xanh. Qua đó giữ mặt bằng thông thoáng mà vẫn đảm bảo phủ xanh khu đất bằng cách trồng cây, cỏ.

Nếu các vị trí cần phát triển mảng xanh lại đòi hỏi yêu cầu mỹ quan và phải luôn được duy trì tốt, cách tốt nhất là vận động các đơn vị cung ứng dịch vụ bảo quản công viên cây xanh tham gia đầu tư, xây dựng bằng nguồn vốn của đơn vị. Sau đó đơn vị sẽ được ưu tiên xem xét, lựa chọn để đảm nhiệm công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Tiểu đảo nút giao thông Tân Kiên, cầu Kênh Ngang số 2 nằm trên địa bàn quận 8, 2 cầu bộ hành trên đường Võ Văn Kiệt… chính là những ví dụ cụ thể cho sự thành công của phương thức đầu tư xã hội hóa này thời gian qua.

Đối với việc kêu gọi đầu tư phát triển trang thiết bị phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí của du khách tại các công viên, nếu nhà đầu tư có nhu cầu, TP cũng có thể chấp thuận cho họ duy được đặt logo tên nhà tài trợ tại chính công viên ấy. Có thể nhắc tới trường hợp Công ty TNHH Đầu tư thương mại Bình Nam Bắc vừa được phép duy trì logo đơn vị trong suốt 3 năm 2012-2014 trên đồng hồ tại giao lộ Nguyễn Huệ-Mạc Thị Bưởi, quận 1. Đó là do công ty đã chi ra hơn 2 tỷ đồng để lắp đặt và bảo dưỡng 530 bồn hoa xung quanh Công viên 30 Tháng 4. Tương tự, Công ty Unilever cũng sẽ được treo logo tại khu A Công viên Gia Định sau khi doanh nghiệp này chi ra gần 2 tỷ đồng lắp đặt thêm khu trò chơi  thiếu nhi miễn phí tại công viên này.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục