Phát triển nguồn điện gắn với phát triển đồng bộ đường truyền tải đảm bảo giải tỏa công suất

Ngày 17-10, đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm trưởng đoàn cùng lãnh đạo các bộ, ngành có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận về đề xuất triển khai dự án hệ thống hạ tầng truyền tải 500KV trên địa bàn huyện Thuận Nam tỉnh Ninh Thuận.

Nội dung chính của buổi làm việc là sẽ xem xét đề xuất triển khai dự án Nhà máy điện mặt trời kết hợp hệ thống hạ tầng truyền tải 500KV trên địa bàn huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) do Tập đoàn Trung Nam đề xuất nhằm ‘cứu’ hàng loạt nhà máy điện gió, điện mặt trời đang bị cắt giảm công suất do hạn chế của lưới truyền tải hiện có. 

Tại buổi làm việc, báo cáo với đoàn công tác của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh cho biết, trên cơ sở đã được Thủ tướng và Bộ Công Thương phê duyệt, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 30 dự án điện gió, mặt trời với tổng công suất 1.817MW, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng. 


Hiện tại trên địa bàn tỉnh đã có 18 dự án vận hành với tổng công suất 1.180MW gồm 15 dự án điện mặt trời (1.063MW); 3 dự án điện gió (117MW) góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng nguồn thu ngân sách, giải quyết nhiều việc làm và cải thiện đời sông một bộ phận người dân. Tuy nhiên, trong số 18 dự án trên có 10 dự án (359MW) với tổng vốn đầu tư 10.504 tỷ đồng, đang phải thực hiện giảm phát đến 60% công suất (tương ứng 215MW) do quá tải hệ thống đường truyền tải.

Theo  UBND tỉnh Ninh Thuận việc cân đối đầu tư các công trình truyền tải điện 220kV, 500kV trên địa bàn theo kế hoạch đầu tư của EVN thì chưa đáp ứng yêu cầu giải phóng công suất các dự án điện mặt trời theo chủ trương của Chính phủ chấp thuận cho Ninh Thuận phát triển đến công suất 2.000MW đến năm 2020.

Tính đến ngày 30-6, lượng điện thực hiện giảm phát khoảng 23,2 triệu kWh với tổng số tiền thiệt hại khoảng 49,5 tỷ đồng. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục, ước tính 6 tháng cuối năm 2019 sẽ giảm phát lên đến 224 triệu kWh, tương đương con số thiệt hại là 479,4 tỷ đồng. Theo UBND tỉnh Ninh Thuận nếu tình trạng này kéo dài không chỉ gây thiệt cho các nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. 

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mặc, bức xúc trong việc giải tỏa công suất điện năng lượng trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đề nghị Bộ Công Thương bổ sung dự án đầu tư Nhà máy điện mặt trời tại huyện Thuận Nam kết hợp đầu tư hạ tầng truyên tải trạm và đường dây 500kV Ninh Thuận vào quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia. Mục tiêu nhằm giải tỏa công suất các nhà máy năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh. Đây là dự án cấp bách trong việc giải tỏa công suất các dự án điện năng lượng tái tạo. Để giải phóng công suất các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, Tập đoàn Trung Nam đề xuất đầu tư đường dây truyền tải 500kV hoàn thành sẽ bàn giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý vận hành với giá 0 đồng. Việc này đã được các Bộ Ngành chức năng đồng thuận. Trạm biến áp 500kV và các đường dây đấu nổi đã được Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch Điện VII (điều chỉnh).  

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh, đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo phê duyệt dự án để có cơ sở triển khai thực hiện nhằm giải tỏa công suất các dự án năng lượng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư và tạo điều kiện cho tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. 


Kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, tỉnh khai thác tiềm năng lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo, trong vòng hơn 1 năm chúng ta đưa vào vận hành khai thác hơn 1.000MW điện gió và điện mặt trời, trong đó chủ yếu điện mặt trời. Đây là thành công lớn phát triển điện mặt trời, điện gió của Ninh Thuận và một số địa phương thời gian quá góp phần hết sức quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được tỉnh Ninh Thuận còn gặp một số khó khăn. Trong đó, là làm thế nào giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời đã đầu tư và sắp được đầu tư, vì ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư, tăng trưởng kinh tế địa phương.  


Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ rất quan tâm vấn đề phát triển điện năng nơi đây và trực tiếp cho ý kiến giá điện mặt trời tại Ninh Thuận, cho giá cao hơn nơi khác để thu hút đầu tư để tạo ra nguồn điện lớn, doanh nghiệp vào lãi nhiều, đóng góp ngân sách, tạo việc làm cho người lao động. Hiện nay, nhu cầu sử dụng nguồn điện ngày càng tăng và cơ cấu nguồn điện phải thay đổi, điện than thì không được khuyến khích lắm, cho nên phải thay đổi cơ cấu nguồn điện, trong đó năng lượng tái tạo được ưu tiên phát triển, điện gió, điện mặt trời. 

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Ninh Thuận phát triển điện lực phù hợp quy hoạch ngành điện, bám sát Bộ Công thương để hướng dẫn triển khai hải hòa, phù hợp. Phát triển nguồn điện gắn với phát triển đồng bộ đường truyền tải đảm bảo giải tỏa công suất. Làm thế nào phát triển nguồn điện phải giải tỏa được công suất nếu không sẽ gây lãng phí. Phải kiểm soát chặt chẽ phát triển nguồn điện tránh chạy theo phong trào. Không riêng gì các địa phương, EVN cũng vậy, đảm bảo các điều kiện thì mới cho đầu tư. Bộ Công thương sớm trình quy hoạch điều chỉnh điện mặt trời, điện gió và trình quy hoạch điện VIII.

Để tháo gỡ giải tỏa công suất, Phó Thủ tướng đề nghị EVN chủ động thực hiện các dự án, đảm bảo truyền tải và phân phối điện, bán điện, đảm bảo an toàn hệ thống. Nguồn điện thì nhiều người làm nhưng truyền tải điện và phân phối điện, bán điện thì EVN được Nhà nước giao thay vì nhà nước độc quyền quản lý vì liên quan an toàn hệ thống. Nhà nước độc quyền là ở chỗ đó chứ không độc quyền đầu tư, thực tế chúng ta vẫn cho doanh nghiệp làm từ nhà máy đến điểm đấu nối, có chỗ dài, chỗ ngắn. Nhưng hôm nay lại khóa chúng ta lại, Quốc hội không hướng dẫn cái này. 

Phó Thủ tướng đề nghị EVN phối hợp nhà đầu tư đề xuất các dự án đầu tư nguồn điện gắn với đầu tư đường truyền tải điện, tức đường dẫn từ nhà máy đến điểm đấu nối, chẳng hạn như Trung Nam từ nhà máy đến điểm đấu nối thì cho doanh nghiệp làm thì tốt quá. Doanh nghiệp tự bỏ tiền đầu tư để được hưởng giá điện trong 2.000MW được Thủ tướng cho thì ủng hộ.

Tin cùng chuyên mục