Phát triển nguồn thu cho phát thanh: Cửa mở nhưng nhiều thách thức

Trả lời câu hỏi radio còn cơ hội không? Nhà báo Công Vinh (Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM - VOH) khẳng định, cơ hội vẫn đang mở với radio, bởi công chúng ngày càng ít thời gian để xem, thay vào đó là họ nghe. Nhưng, để biến cơ hội thành nguồn thu lại không đơn giản.

Thách thức 

“Phát triển nguồn thu cho các đài phát thanh, truyền hình trong xu hướng chuyển đổi số” là hội thảo quốc tế mở màn cho Liên hoan Phát thanh (LHPT) toàn quốc 2022 diễn ra ngày 4-8, thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. Không phải ngẫu nhiên ban tổ chức lại lựa chọn một chủ đề vừa có tầm vĩ mô đồng thời có ảnh hưởng sống còn đến sự tồn tại của ngành phát thanh, đặc biệt ở Việt Nam. Sở dĩ nói “sống còn” là bởi, như chia sẻ của ông Tim Rowell, đại diện Công ty Piano khu vực châu Á Thái Bình Dương (đơn vị tư vấn chiến lược cho nhiều đài phát thanh, truyền hình): “Người nghe Việt Nam có thói quen nghe miễn phí. Cần có phương pháp để tăng được nguồn thu cho phát thanh, làm sao chuyển họ từ thói quen nghe miễn phí sang thói quen nghe có trách nhiệm, trả phí. Đây là vấn đề của nhiều quốc gia trên thế giới chứ không riêng Việt Nam”. 

Các diễn giả quốc tế tham gia hội thảo sáng 4-8. Ảnh: BTC
Ông Tim Rowell cũng đặt vấn đề, muốn tăng nguồn thu cho phát thanh thì phải xuất phát từ 2 yếu tố: quảng cáo và thuê bao. Thực tế là, trong khi quảng cáo cho báo chí nói chung, trong đó có phát thanh ngày càng sụt giảm, vấn đề tăng nguồn thu từ thuê bao vốn chưa bao giờ là dễ dàng. Rất nhiều đài phát thanh (không chỉ ở Việt Nam) còn ngần ngại, dè dặt và chưa sẵn sàng áp dụng hình thức mới này bởi họ luôn quan niệm, kiếm doanh thu từ quảng cáo dễ hơn. 

Đối với lĩnh vực phát thanh ở Việt Nam, sự tự tin như đề cập của nhà báo Công Vinh dựa trên căn cứ, radio có đủ các thuộc tính cơ bản của mạng xã hội: di động và tức thì, người dùng cùng kiến tạo nội dung và tương tác là thế mạnh, chia sẻ ngang hàng. Tuy nhiên, khi đề cập đến nguồn thu mà ông Vinh khẳng định đến từ các doanh nghiệp, thách thức cũng nằm ở đó. Ông phân tích: “Cứ làm nội dung hay sẽ có tài trợ quảng cáo, là câu cửa miệng của tất cả người làm radio. Nhưng có người nói nội dung hay, giá trị vì sao không mời được tài trợ, quảng cáo. Ngược lại có những nội dung nhàm vẫn thu hút quảng cáo. Chúng ta ngồi tự khen nhau hay nhưng cái hay đó không tạo ra nguồn thu. Nếu thính giả nói, doanh nghiệp gật đầu mới biến hiệu quả thành nguồn thu”. 

Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc VOV, khẳng định trong xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ, sự phát triển của các nền tảng xuyên biên giới, nhu cầu thông tin, thị hiếu của công chúng cũng thay đổi. Doanh số và nguồn thu của báo chí nói chung, phát thanh nói riêng đứng trước những thách thức vô cùng to lớn buộc người làm radio phải xác định tâm thế làm nghề chuyên nghiệp.  

Thay đổi tư duy 

Cũng như hầu hết các lĩnh vực báo chí, nội dung luôn là vua (Content is King). Tuy nhiên, làm nội dung như thế nào, đặc biệt đối với phát thanh là bài toán không đơn giản. Được xem là “cánh tay nối dài” của radio,  podcast đang được xem là mảnh đất màu mỡ góp phần thu hút người nghe và gia tăng nguồn thu. Bà Siobhan McHugh, Phó Giáo sư danh dự về truyền thông tại Đại học Sydney (Australia), dẫn chứng những số liệu thực tế: Ra đời năm 2001, tính đến năm 2019, podcast đã thu hút 275 triệu người nghe trên toàn cầu. Con số này trong năm 2022 có thể vượt hơn 420 triệu. Dù chưa có số liệu thống kê cụ thể tại thị trường Việt Nam, nhưng tại hầu hết thị trường lớn trên thế giới, nó đang mở ra cơ hội rất lớn. Bà cho biết thêm, so với 22% lượng thính giả tập trung khi nghe radio, con số này ở podcast lên đến 60%. 

Tạo và phát triển nguồn thu cho phát thanh chưa bao giờ dễ dàng. Đặc biệt, với hình thức còn khá mới mẻ tại thị trường Việt Nam là thu phí thuê bao người nghe. Ông Tim Rowell cho rằng, bắt buộc những người sáng tạo phải nghiên cứu sở thích, sự quan tâm của thính giả thông qua những câu hỏi rõ ràng, cụ thể để tìm ra câu trả lời xác đáng. “Khi đã xác định được nhóm khách hàng mục tiêu, cần xây dựng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ tốt nhất nhu cầu của họ. Khi đó, từ thói quen nghe radio miễn phí mới có bước chuyển sang chấp nhận trả phí”, ông nhấn mạnh. 

Theo ông Công Vinh, khi doanh nghiệp hướng đến Multi Channel Marketing (chiến lược trên toàn bộ các kênh truyền thông hoặc nền tảng), người làm radio phải hướng đến Radio Multimedia, tức là sản xuất nội dung mang tính tương tác cao, theo module và có thể lan tỏa trên đa nền tảng. 3 mảng nội dung chủ đạo ở lĩnh vực phát thanh gồm: nội dung thông tin, nội dung giải trí và nội dung cảm xúc, trong đó sức mạnh lời nói (voice power) vốn là khác biệt và thế mạnh của phát thanh, phải chạm đến cảm xúc và khơi gợi óc tưởng tượng của khán giả. “Sản xuất nội dung bằng những gì mình có, mình nghĩ, mình muốn chưa chắc tiệm cận nhu cầu xã hội. Phải biến cái mình đang có thành cái doanh nghiệp, xã hội, cộng đồng đang cần”, nhà báo Công Vinh cho hay.

Tin cùng chuyên mục