Thời gian qua, thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ về đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, duy trì hoạt động sản xuất, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, các tỉnh, thành trong cả nước đã và đang triển khai mạnh mẽ, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào các doanh nghiệp, nhà máy, khu - cụm công nghiệp. Tuy nhiên, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh ở Bắc Giang, Bắc Ninh và mới đây là tại TPHCM, việc thực hiện “mục tiêu kép” đang đặt ra nhiều thách thức.
Để đảm bảo an toàn cho sản xuất, kinh doanh, nhiều nhà máy, xí nghiệp đã thu thập khai báo y tế, thực hiện quét thân nhiệt với mọi trường hợp. Các khu vực tập trung đông người như bếp ăn tập thể đã được bố trí vách ngăn và giãn cách tối thiểu 2m/người; công nhân được bố trí ở lại nơi làm việc hoặc được khuyến cáo đi về trên cùng một tuyến đường để tránh lây lan dịch bệnh.
Tại TPHCM, một trong những điểm nóng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, chính quyền TPHCM buộc phải siết chặt các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 10/CT-UBND của UBND TPHCM để kiểm soát sự lây lan trong cộng đồng. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp đang đối mặt với không ít khó khăn nhưng vẫn nỗ lực vừa duy trì sản xuất, vừa thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho tiêu dùng và xuất khẩu. Theo số liệu thống kê, sản xuất công nghiệp vẫn là cứu cánh của nền kinh tế trong làn sóng Covid-19 lần thứ 4 kể từ ngày 27-4 đến nay. Nhờ vậy, sản xuất công nghiệp tháng 5-2021 tăng 1,6% so với tháng 4 và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6%. Kết quả này là sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt từ trung ương đến địa phương.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, với nhiệm vụ trọng tâm là tập trung chăm sóc lúa đông xuân, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng tại các địa phương phía Bắc; chăm sóc, thu hoạch lúa, hoa màu vụ đông xuân và xuống giống lúa hè thu tại các địa phương phía Nam. Sản xuất lâm nghiệp tiếp tục tập trung vào trồng rừng mới vụ xuân hè, đẩy mạnh khai thác gỗ ở nhiều địa phương có diện tích rừng đã đến tuổi khai thác với giá thu mua gỗ ổn định. Sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng khá do nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến thủy sản tăng với mức giá tăng so với cùng kỳ năm 2020, thời tiết của ngư trường thuận lợi cho khai thác xa bờ. Một tín hiệu đáng mừng nữa là 5 tháng đầu năm 2021, sản lượng thủy sản ước tính đạt gần 3,3 triệu tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2020. Nhờ vậy, 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, có nhiều mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh bước đầu đã được kiểm soát, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, nhất là mục tiêu trăng trưởng của năm nay. Trong buổi làm việc tại Đồng Nai mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Trong điều kiện dịch bệnh, cần tổ chức tốt sản xuất vừa chống dịch vừa chiến đấu, không để ngừng trệ sản xuất, thực hiện mục tiêu kép. Sản xuất để chống dịch; chống dịch để sản xuất. Không chủ quan, không thỏa mãn”.
Theo các chuyên gia, để thực hiện được mục tiêu này, ngoài các giải pháp như tiêm vaccine Covid-19 cho công nhân, duy trì nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, các doanh nghiệp cần phải tận dụng lợi thế về mặt thuế quan từ các hiệp định thương mại quốc tế như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang được kiểm soát và các biện pháp hạn chế dần được nới lỏng tại các quốc gia trong khối EU để thúc đẩy xuất khẩu bền vững, duy trì sản xuất, kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.