Từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014
Nhằm đưa hàng hóa bình ổn đến tận tay người tiêu dùng TP, từ nay đến Tết Nguyên đán, các DN tăng cường thực hiện những chuyến bán hàng lưu động tại các quận ven, huyện ngoại thành, các KCX - KCN, khu lưu trú công nhân, các công ty - xí nghiệp đông công nhân, ký túc xá, bệnh viện để phục vụ người lao động có thu nhập thấp, không có điều kiện về quê ăn tết... Ngoài ra, các DN cũng sẽ phát triển thêm nhiều điểm bán hàng bình ổn.
Hơn 7.500 điểm bán hàng
Theo Sở Công thương TPHCM, tính đến tháng 10-2013, tổng số điểm bán của 4 Chương trình bình ổn thị trường (gồm Chương trình bình ổn các mặt hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu; Chương trình bình ổn mặt hàng sữa; Chương trình bình ổn các mặt hàng phục vụ mùa khai trường và Chương trình bình ổn các mặt hàng thuốc tân dược) trên địa bàn TP là 7.535 điểm bán, tăng 7.287 điểm bán so với năm 2008 và tăng 602 điểm bán so với đầu chương trình được triển khai từ ngày 1-4-2013.
Riêng với Chương trình lương thực - thực phẩm, hiện nay đã phát triển được 3.236 điểm bán, tăng 2.988 điểm bán so với năm 2008 và tăng 174 điểm bán so với lúc bắt đầu chương trình. Năm 2013, thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, các DN tập trung củng cố lại các điểm bán hàng bình ổn trong khu vực nội thành, đẩy mạnh phát triển siêu thị và cửa hàng tiện lợi tại các quận ven, huyện ngoại thành, KCX-KCN.
Nếu tính riêng các điểm bán ở các quận ven, huyện ngoại thành (Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, quận 2, quận 9, Bình Tân, Thủ Đức và Tân Phú), hiện nay có 811 điểm bán bình ổn thị trường gồm 21 siêu thị, 96 cửa hàng tiện ích, 83 điểm trong chợ truyền thống và 611 điểm bán trong khu dân cư. Về điểm bán phục vụ công nhân, hiện nay có 11 điểm bán bình ổn thị trường tại 9 KCX-KCN (1 siêu thị Citimart, 7 cửa hàng tiện ích, 3 điểm bán), 3 cửa hàng tiện ích tại xí nghiệp đông công nhân (Công ty May Bình Minh, May Nhà Bè, KCN Bình Chiểu), 2 cửa hàng thanh niên phục vụ khu lưu trú công nhân.
Năm 2013, các DN chủ lực cũng đã tích cực phát triển mạnh và nhanh chuỗi cửa hàng tiện ích, cửa hàng kinh doanh tổng hợp như cửa hàng tiện ích Co.op Food, cửa hàng Co.op, cửa hàng giới thiệu sản phẩm Vissan, cửa hàng Foodcomart, cửa hàng Satra Food… Đồng thời, 2 đơn vị chủ lực là Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Saigon Co.op làm đầu mối phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ TP và Thành đoàn TNCS Hồ Chí Minh tích cực thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển điểm bán, xây dựng mô hình “Cửa hàng Co.op”, “Tiệm tạp hóa Thanh niên”, “Bán hàng bình ổn thị trường thông qua phiếu đặt hàng trước”. Đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP đã phát triển được 754 điểm bán gồm 63 Cửa hàng liên kết Hội Liên hiệp Phụ nữ - Co.op và 691 điểm bán do Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức vận động các tiểu thương kinh doanh trên địa bàn TP tham gia bán hàng bình ổn thị trường. Đối với Cửa hàng liên kết Thanh niên, hiện nay có 5 cửa hàng (4 cửa hàng liên kết Thanh niên - Co.op tại quận ven, huyện ngoại thành và 1 Cửa hàng liên kết Thanh niên - Satra tại khu lưu trú công nhân) được duy trì hoạt động hiệu quả, trong tổng số 11 cửa hàng.
Tính chung trên toàn TPHCM, Chương trình lương thực - thực phẩm đã phát triển điểm bán tại 106 siêu thị, trung tâm thương mại, 408 cửa hàng tiện ích, 819 điểm bán trong 128 chợ truyền thống, 1.903 điểm bán trong khu dân cư.
Thêm 416 điểm bán, 665 chuyến bán hàng lưu động
Bên cạnh việc chuẩn bị hàng hóa, các DN sẽ tăng cường phát triển thêm các điểm bán hàng bình ổn. Dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, DN sẽ phát triển thêm gần 500 điểm bán gồm: 4 siêu thị (2 Co.opMart tại huyện Bình Chánh và quận 12; 1 Maximark, 1 Smart tại quận Gò Vấp), 37 cửa hàng tiện ích, 30 cửa hàng Co.op. Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ phấn đấu phát triển 7 cửa hàng liên kết phụ nữ và 31 điểm bán trong khu dân cư và chợ truyền thống. Ngoài ra, Công ty Ba Huân và Công ty TNHH Phạm Tôn phối hợp phát triển 50 điểm bán. Thành đoàn TNCS Hồ Chí Minh khai trương 2 cửa hàng liên kết thanh niên, đẩy mạnh phát triển mô hình “Bán hàng bình ổn thông qua phiếu đặt hàng trước”, tăng tần suất các chuyến bán hàng lưu động, Phiên chợ hàng Việt, Phiên chợ Thanh niên...
Cùng với việc phát triển điểm bán, các DN chủ động xây dựng kế hoạch và chia thành nhiều nhóm tổ chức thực hiện 665 chuyến bán hàng lưu động trên địa bàn TP, trong đó ưu tiên phục vụ tại các quận ven, huyện ngoại thành, KCN-KCX, xí nghiệp có đông công nhân... Riêng tháng bán hàng cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, các DN sẽ phấn đấu thực hiện tăng từ 180 - 200 chuyến bán hàng lưu động so với chỉ tiêu kế hoạch hàng năm đã được ký kết.
Nhiều ý kiến cho rằng, để đạt được các con số nêu trên, đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, Ban Quản lý các KCX-KCN trên địa bàn TP, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Thành đoàn TNCS Hồ Chí Minh và UBND các quận, huyện, tăng cường thực hiện công tác phát triển điểm bán, chuyến bán hàng lưu động, tổ chức các phiên chợ công nhân, phiên chợ sinh viên để đưa hàng hóa phục vụ người dân mua sắm tết.
BÍCH ĐỒNG