Phát triển vùng nguyên liệu để ổn định giá

Chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn
Phát triển vùng nguyên liệu để ổn định giá

Phát triển vùng nguyên liệu để chủ động nguồn thực phẩm cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng của hơn 8 triệu người dân là một trong những chương trình trọng điểm của TPHCM giai đoạn 2008 - 2010, định hướng đến năm 2015. Đây là cơ sở để TPHCM thực hiện chiến lược bình ổn giá hàng thiết yếu quanh năm.

Nhiều nhà phân phối đã ứng vốn cho các nhà vườn, hợp tác xã nông nghiệp để có nguồn rau quả ổn định. Ảnh: CAO THĂNG

Nhiều nhà phân phối đã ứng vốn cho các nhà vườn, hợp tác xã nông nghiệp để có nguồn rau quả ổn định. Ảnh: CAO THĂNG

Chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn

Ngày 24-10-2008, UBND TPHCM ra Quyết định số 75 về việc phê duyệt đề án phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008 - 2010 và định hướng đến 2015.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, mục đích của dự án là tạo nguồn thực phẩm, chủ động đảm bảo cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn thành phố, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó tập trung cho các mặt hàng thịt heo, thịt bò, trứng, gia cầm. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp (DN) liên kết, khai thác đất đai, vốn, kỹ thuật, lao động, tạo ra sản phẩm với giá thành phù hợp tham gia bình ổn thị trường.

Đồng thời, tăng tỷ trọng chăn nuôi trang trại, nâng cao năng suất, giảm giá thành, giảm ô nhiễm môi trường và kiểm soát được dịch bệnh…

Ý nghĩa của đề án ngay lập tức đã được các DN hưởng ứng. Điển hình như Công ty Chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn đã chủ động hợp tác với lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) đầu tư xây dựng 2 trại heo với quy mô 5.000 con heo thịt và 500 con heo nái.

Công ty TNHH Ba Huân liên kết với Sở Lao động Thương binh - Xã hội và lực lượng TNXP xây dựng trại chăn nuôi gà trong chuồng kín và trại chăn nuôi heo với hơn 44.000 con. Hiện công ty đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 2.

Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ đầu tư nuôi 10.000 con gà ta, xây dựng vùng nguyên liệu nuôi vịt thịt tại tỉnh Tây Ninh, Đồng Tháp và chăn nuôi vịt giống tại tỉnh Bình Dương. Trong tháng 7-2010, công ty này sẽ hoàn thành việc xây dựng đưa vào hoạt động nhà máy giết mổ, chế biến gia cầm tại Đồng Tháp.

Công ty TNHH Phú An Sinh đã đầu tư trại chăn nuôi, quy mô trên 300.000 con gà ta và gà thả vườn; đưa vào hoạt động nhà máy giết mổ và chế biến thực phẩm tại huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Riêng lực lượng TNXP đã liên kết với các DN dưới hình thức góp vốn cùng tổ chức sản xuất và phân chia lợi nhuận: Hợp tác chăn nuôi heo với Công ty Chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn - Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn tại trường 1 và trường 4 với quy mô 10.000 heo thịt và 1.000 heo nái với sản lượng thịt khoảng 1.600 tấn/năm.

Lực lượng này dự kiến sẽ tiếp tục hợp tác với các tổng công ty phát triển đàn heo giống và heo thịt tại trường 3 và trường 5; hợp tác chăn nuôi gia cầm lấy trứng với Công ty TNHH Ba Huân tại trường 4 với quy mô 66.000 con gà đẻ, sản lượng trứng ước đạt 12,5 triệu quả và 60 tấn thịt/năm…

Ổn định giá rau củ quả đến hết năm

Mặc dù không nằm trong đề án này, nhưng Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã chủ động tìm đến với các tỉnh có thế mạnh về nuôi trồng để ứng vốn, đặt hàng cho các nhà vườn, các HTX sản xuất để cung ứng nguồn rau củ quả với mức giá ổn định từ nay đến cuối năm 2010.

Mới đây, ngày 27-5, Saigon Co.op đã ký kết với Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng về việc đầu tư và tạo điều kiện để đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Co.opMart và cửa hàng Co.op Food một cách thường xuyên và ổn định. Tổng số vốn đầu tư cho chương trình này dự kiến khoảng 15 tỷ đồng.

Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc, phụ trách mua Saigon Co.op cho rằng, để có được nguồn hàng đảm bảo chất lượng và số lượng, ngoài việc ứng vốn, Saigon Co.op còn thường xuyên cung cấp thông tin về nhu cầu thị trường, hướng dẫn nông dân sản xuất theo đúng tiêu chuẩn chất lượng VietGap; phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên lấy mẫu ngẫu nhiên kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các sản phẩm.

Theo bà Hạnh Thu, mỗi ngày hệ thống Co.opMart và Co.op Food tiêu thụ khoảng 50 tấn rau củ quả, nếu không ứng vốn để tạo vùng nguyên liệu sẽ rất khó chủ động được giá bán trong tình hình chi phí đầu vào đã và đang tăng rất mạnh. Việc ký kết hợp đồng đầu tư và tiêu thụ nông sản với các tỉnh sẽ góp phần hỗ trợ cho nhà vườn, HTX ổn định sản xuất, nâng cao đời sống.

Với cách làm này, trước đó, Saigon Co.op cũng đã ký hợp đồng tiêu thụ nông sản với Sở NN-PTNT TPHCM và tỉnh Tiền Giang.

Cùng với Saigon Co.op, Xí nghiệp Chế biến kinh doanh rau quả, thuộc Công ty Vissan cũng hợp tác và đầu tư cho các HTX trồng rau của TPHCM để có nguồn hàng ổn định, cung ứng cho 570 trường học và hơn 60 cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Vissan trên toàn quốc.

Ông Phan Thành Tài, Giám đốc Xí nghiệp Chế biến kinh doanh rau quả nhìn nhận, việc cung ứng thực phẩm cho các trường học thường phải ổn định cả về giá và số lượng trong suốt năm học. Do vậy, nếu DN không đủ năng lực cung ứng, đặc biệt phải đảm bảo an toàn vệ sinh ở mức cao nhất, sẽ khó giữ được uy tín thương hiệu.

Ngoài ra, lực lượng TNXP cũng tổ chức sản xuất và cung ứng các loại rau củ quả theo quy trình sản xuất rau an toàn (ớt, cà tím…) phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận, việc các DN chủ động đầu tư, tạo vùng nguyên liệu dù kết quả mang lại chưa cao, nhưng rất đáng ghi nhận. Hy vọng trong thời gian tới, cách làm này sẽ lan tỏa trong cộng đồng DN. Chỉ khi nào chúng ta tổ chức được nguồn hàng thì mới có thể làm chủ về giá bán trong bất kỳ tình huống nào.

Nói cách khác, để bình ổn được giá cả, chúng ta không thể hô hào suông, phải có nguồn hàng đủ sức chi phối thị trường. Đối với các dự án thuộc đề án phát triển chăn nuôi, TP đang thẩm định, xem xét và đưa vào danh mục dự án vay vốn có hỗ trợ lãi suất theo Quyết định số 20 của UBND TPHCM, tạo điều kiện để DN làm ăn ngày càng bài bản, hiện đại.

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục