Phẫu thuật thành công cho bệnh nhân bị nhiều bệnh viện từ chối

Chiều 3-10, Bệnh viện quận 11 thông tin vừa phẫu thuật thành công bệnh nhân bị gãy xương phức tạp, trước đó bệnh nhân bị tứ chứng fallot (một dạng bệnh tim bẩm sinh) nguy hiểm.
Bác sĩ đang thăm khám cho chị D.
Bác sĩ đang thăm khám cho chị D.

Bệnh nhân là chị L.Th.Ng.D., 39 tuổi, ngụ huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, bị gãy xương cẳng chân bên phải, không đi lại được.

Trước đó, chị D. bị tai nạn giao thông nên bị gãy chân.

Bệnh nhân nhập viện Bệnh viện huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, được sơ cứu và chuyển lên một bệnh viện chuyên về xương khớp tại TPHCM. Tại đây, bệnh viện chỉ theo dõi sức khỏe mà không mổ ghép xương vì sợ bệnh tim bẩm sinh của chị (tứ chứng Fallot) có thể nguy hiểm đến tính mạng. Sau đó, bệnh viện này khuyên gia đình đưa chị sang bệnh viện tuyến trung ương, nhưng một lần nữa các bác sĩ cũng giải thích ca mổ sẽ nguy hiểm vì chị mắc tứ chứng Fallot nên cũng không dám mổ.

Vì bệnh nhân có người nhà đang tạm trú tại Quận 11 nên đã đưa chị vào Bệnh viện Quận 11 thăm khám. Qua thăm khám, bác sĩ Phạm Thanh Vũ, phụ trách khoa Ngoại Chấn thương đã tiếp nhận ca này. Sau khi phối hợp với các bác sĩ khoa Tim mạch chuyển hóa, khoa Chẩn đoán hình ảnh, khoa Gây mê hồi sức... và hội chẩn toàn bệnh viện; các bác sĩ ghi nhận, bệnh nhân bị gãy xương cẳng chân bên phải (đoạn ống quyển) thành 2 đoạn phức tạp.

Đặc biệt, bệnh nhân bị thêm Tứ chứng Fallot (dạng tim bẩm sinh lúc nhỏ), chỉ cần đi một bước lên cầu thang đã khó thở, tím tái nên ca mổ được đánh giá nguy hiểm.

“Việc mổ ghép xương cho ca này không khó, nhưng khó là bệnh nhân mắc bệnh tim quá nguy hiểm, cần phải tính toán kỹ lưỡng, nếu không sẽ tử vong trên bàn mổ vì gây tê toàn thân thì máu đổ về tim nhiều, khiến tim quá tải, co giãn quá sức sẽ gây nguy hiểm cho bệnh nhân vốn bị tim bẩm sinh là tứ chứng Fallot”, Bác sĩ Phạm Thanh Vũ nói.

Sau khi đo chỉ số áp suất động mạch phổi trung bình (một loại huyết áp cao mà chỉ ảnh hưởng đến các động mạch trong phổi và phía bên phải của tim) để chuẩn bị cho ca mổ, kết quả ghi nhận là 46 mmHg; trong khi ở người bình thường là 14+/-3,3mmHg.

Cuối cùng, các bác sĩ quyết định không gây mê toàn thân vì nguy hiểm mà chỉ thực hiện phẫu thuật kết hợp xương bằng phương pháp gây tê mỗi vùng cẳng chân dưới sự hướng dẫn của sóng siêu âm, nhằm giúp đưa thuốc tê chính xác vào dây thần kinh cần gây tê. Điều này sẽ không ảnh hưởng đến vấn đề huyết động, có nghĩa ca mổ ghép xương sẽ ít ảnh hưởng do Tứ chứng Fallot gây ra trên bàn mổ.

Ca mổ kéo dài 1 giờ đồng hồ, bệnh nhân được kết hợp xương bằng đinh nội tủy có chốt. Sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo, cử động chân được. Dự kiến chị L.Th.Ng.D. sẽ tập đi lại và xuất viện sau 1 tuần.

Tin cùng chuyên mục