Ngày 21-5, Mỹ và các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bước sang ngày thảo luận thứ hai tại hội nghị thường niên kéo dài 3 ngày ở thủ đô Manila (Phillipines) bàn về vấn đề an ninh, hiện tượng biến đổi khí hậu và hợp tác đầu tư. Tuy nhiên, bối cảnh căng thẳng trên biển Đông xung quanh vụ tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và Philippines - nước chủ nhà và là đồng minh thân cận với Mỹ - thu hút sự chú ý của truyền thông hơn.
Mỹ quan ngại Trung Quốc
Hội nghị diễn ra chỉ hai ngày sau khi Bộ Quốc Phòng Mỹ công bố báo cáo thường niên trước Quốc hội, bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc tăng cường củng cố quân sự.
Theo Washington Post, báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định năm 2011 Trung Quốc đã bí mật chi 180 tỷ USD cho hiện đại hóa quân sự, một con số cao gấp nhiều lần Bắc Kinh công bố và cáo buộc “các gián điệp Trung Quốc là thủ phạm lớn nhất thế giới” khai thác công nghệ thương mại của Mỹ và phương Tây, tiến hành nhiều hoạt động tấn công mạng. Theo AFP, quân đội Mỹ từ lâu đã bày tỏ lo ngại Trung Quốc đang mạnh tay chi tiền cho phòng không hiện đại, tàu ngầm, các vũ khí chống vệ tinh và các tên lửa chống tàu, có khả năng ngăn chặn đối thủ tiếp cận những khu vực chiến lược. Trung Quốc cũng tăng cường số lượng tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) nhằm tăng phạm vi tấn công các mục tiêu trên đất liền và tàu hải quân.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 21-5 đã “phản đối mạnh mẽ” báo cáo của Lầu Năm Góc và cho rằng nó đã mô tả sai lệch việc phát triển quân sự của Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh khẳng định quân đội Trung Quốc đang phát triển vì mục tiêu duy nhất là bảo vệ chủ quyền, an ninh và những lợi ích phát triển quốc gia, phù hợp với nhu cầu của đất nước trong việc đối phó với những mối đe dọa an ninh đa dạng. Trung Quốc đã cam kết kiên định con đường phát triển hòa bình và chọn chính sách quốc phòng về bản chất hoàn toàn mang tính phòng thủ. Ông Cảnh cũng phủ nhận cáo buộc của Mỹ rằng Trung Quốc liên can đến các cuộc tấn công qua mạng nhằm vào Mỹ, cho rằng những nhận định như vậy là không đúng. Theo ông, Mỹ cần tôn trọng thực tế, thay đổi tư duy và chấm dứt việc công bố các báo cáo tương tự hết năm này qua năm khác, Mỹ cần có những hành động cụ thể để thúc đẩy quan hệ quân sự song phương.
Thái độ trung lập về vấn đề biển Đông
Theo giới quan sát, việc Mỹ tham gia đều đặn Hội nghị sau Bộ trưởng (PMC), Diễn đàn khu vực (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM +), cam kết Thỏa thuận khung Thương mại và Đầu tư Mỹ-ASEAN (TIFA) cho thấy Mỹ đã và đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác toàn diện với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, không chỉ về chính trị, an ninh mà còn cả về kinh tế, thương mại và đầu tư. Trong chiến lược này, hợp tác với ASEAN được coi trọng đặc biệt bởi vai trò, vị trí địa lý, chính trị của khối.
Tuy nhiên, trong khi biển Đông đang “nóng” lên do tranh cãi chủ quyền giữa một số nước ASEAN và Trung Quốc buộc Mỹ phải vừa giữ được lập trường trung lập trong cuộc tranh chấp nhưng vẫn bảo đảm được an ninh và an toàn đi lại trên biển Đông cũng như điều mà Mỹ gọi là lợi ích của mình trong khu vực, đồng thời bảo vệ đồng minh. Quan điểm này thể hiện rõ trong tuyên bố chung giữa hai Bộ Quốc phòng Mỹ và Philippines hồi tháng trước, cho rằng Mỹ hỗ trợ Philippines bảo vệ lãnh hải nhưng không can dự vào những tranh chấp chủ quyền giữa nước này với các nước khác về biển Đông. Bên cạnh đó, Mỹ đã xác định mối quan hệ Mỹ-ASEAN-Trung Quốc là then chốt trong chính sách đối ngoại của chính quyền ông Obama hiện nay.
Do vậy, xung đột hiện nay giữa Manila với Bắc Kinh là liều thuốc thử không chỉ đối với Hiệp ước Phòng thủ giữa Mỹ và Phillipines, mà còn là một thách thức đối với việc xây dựng quan hệ “đối tác chiến lược” giữa Mỹ và ASEAN được xác định cách đây hai năm và mối quan hệ đối tác giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Hạnh Chi (Tổng hợp)