Phép vua thua lệ làng?

Hoãn không thời hạn

Từ kiến nghị của Phòng TN-MT, TAND huyện Bình Chánh (TPHCM) đã xử hai bên tranh chấp đều… thua kiện, thu hồi đất đang tranh chấp. Đến phiên phúc thẩm, mọi việc mới được trả lại công bằng. Thế nhưng, dù bản án có hiệu lực, bên thắng kiện vẫn chưa được thi hành án.

Hoãn không thời hạn

Gia đình bà Nguyễn Thị Mà vừa gửi đơn khiếu nại đến Báo SGGP phản ánh việc cơ quan thi hành án cố tình trì hoãn không thi hành bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật. Hơn 3 năm đeo đuổi vụ án (từ năm 2009), cuối cùng gia đình bà Mà thắng kiện, được cơ quan thi hành án huyện Bình Chánh ra quyết định cưỡng chế, buộc ông Hà Hồng Phương (bị đơn) tháo dỡ công trình trên đất để giao lại đất cho bà. Ngày cưỡng chế là 10-9-2013.

Gia đình bà Mà chưa kịp mừng thì trước ngày cưỡng chế, cơ quan thi hành án lại thông báo tạm hoãn thi hành án với lý do để “xin ý kiến của Ban chỉ đạo thi hành án”. Lẽ ra việc tạm hoãn thi hành quyết định cưỡng chế phải được ban hành thành “quyết định tạm hoãn”, phải có căn cứ tạm hoãn, có thời hạn tạm hoãn rõ ràng, đằng này cơ quan thi hành án huyện lại tạm hoãn chỉ bằng hình thức “thông báo”, và cũng không ghi thời hạn tạm hoãn là bao lâu. Sau đó, cơ quan thi hành án gửi công văn cho ban chỉ đạo thi hành án nêu lý do tạm hoãn vì công trình cưỡng chế có tượng Phật nên nhạy cảm, cần phải xin ý kiến. Trong khi đó, bản án phúc thẩm ghi rõ lời khai của ông Phương rằng ông không tham gia giáo hội, chỉ xây miếu thờ theo tín ngưỡng cá nhân, vậy có gì là nhạy cảm?

Thế nhưng, trong Thông báo số 1454/TB-VP ngày 15-10-2013 thông báo kết luận của Trưởng ban chỉ đạo thi hành án đồng thời là Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh không thấy đề cập đến vấn đề tượng Phật mà cơ quan thi hành án xin ý kiến. Thông báo này lại yêu cầu Phòng TN-MT và Thanh tra huyện thẩm tra lại việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho bà Mà có đúng đối tượng không. Trong khi vấn đề này đã bị tòa phúc thẩm bác.

Tòa bác, chính quyền xét lại

Tại mảnh đất do nhà nước cấp đổi cho bà Mà, gia đình bà đã sử dụng ổn định và đã được cấp giấy CNQSDĐ từ năm 1995, đến năm 2000 được xét cấp đổi giấy mới, bà cũng nộp thuế đầy đủ. Sau khi hay ông Phương xây miếu thờ (năm 2008), vụ việc được đưa ra tòa, bà yêu cầu ông Phương tháo dỡ công trình xây dựng để trả lại mảnh đất do bà đứng tên hợp pháp. Ông Phương cũng xác định đất đó không phải của ông. Tòa cũng xác định thủ tục cấp CNQSDĐ cho bà Mà trước đây đúng theo trình tự, có niêm yết công khai ở phường, không có tranh chấp. Thế nhưng đại diện Phòng TN-MT huyện cho rằng nguồn gốc đất cấp cho bà Mà là đất ao, trong giấy cấp lại (năm 2000) ghi là đất nghĩa địa nên việc cấp đất này không đúng đối tượng, đề nghị tòa hủy giấy CNQSDĐ đã cấp cho bà Mà. Phiên tòa sơ thẩm, TAND chấp nhận phần yêu cầu của bà Mà buộc ông Phương tháo dỡ công trình, nhưng lại tuyên hủy giấy CNQSDĐ của bà Mà. Thế là cả nguyên đơn, bị đơn trong vụ kiện đều… trắng tay! Chính quyền địa phương được đất.

Quá bức xúc, bà Mà kháng cáo, TAND cấp phúc thẩm nhận định lại: Việc tòa sơ thẩm xem xét giải quyết kiến nghị của Phòng TN-MT là vượt quá yêu cầu của đương sự. Vì nội dung kiến nghị không phải là yêu cầu phản tố, cũng không phải yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, do vậy, tòa không được tuyên hủy giấy CNQSDĐ của bà Mà. Tòa phúc thẩm đã bác việc đề nghị thu hồi giấy CNQSDĐ do Phòng TN-MT huyện kiến nghị.

Nay bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật, nhưng Ban Chỉ đạo thi hành án huyện lại yêu cầu bên Thanh tra thẩm tra lại hồ sơ cấp đất. Lẽ nào chính quyền muốn xét lại bản án? Gia đình bà Mà bức xúc: Đất này do nhà nước cấp cho chúng tôi (đổi 1ha đất mà trước đó gia đình sử dụng), nên nếu cấp sai thì đó là lỗi của chính quyền. Riêng nội dung bản án chỉ yêu cầu tháo dỡ phần công trình xây dựng vi phạm của ông Phương, bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng vẫn chưa được thi hành. Lẽ nào chính quyền địa phương lại cho mình quyền không tuân thủ pháp luật?

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục