Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ báo cáo bổ sung đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và phí ô tô đi vào trung tâm TP giờ cao điểm với mức thu dự kiến cao nhất 50 triệu đồng/xe/năm. Trước vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng sẽ tạo gánh nặng cho người dân chứ khó giải quyết được tình trạng kẹt xe.
Nên cân nhắc mức thu và phương thức thu
Theo Luật sư Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, việc Bộ GTVT đề xuất Chính phủ thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và phí ô tô đi vào trung tâm TP giờ cao điểm để hạn chế tình trạng kẹt xe và ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn là một việc làm hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, để giảm bớt gánh nặng cho người dân, mức thu phí phải tính toán sao cho hợp lý. Bởi lẽ, hiện nay phương tiện giao thông cá nhân đã chịu quá nhiều loại phí, trong khi đó với mức thu dự kiến mà Bộ GTVT đưa ra quá cao nên tạo gánh nặng cho người dân. Ngoài ra, với mục tiêu thu phí để hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông trên đường, Bộ GTVT không chỉ có hình thức thu phí trên đầu phương tiện cá nhân mà nên thu theo hình thức tăng mức thu phí trước bạ. Bởi lẽ, khi chúng ta tăng mức thu phí trước bạ, người dân sẽ cân nhắc mỗi khi mua sắm phương tiện nên sẽ hạn chế được sự gia tăng của phương tiện cá nhân, cũng như đảm bảo sự công bằng cho xã hội. Nghĩa là ai có nhu cầu sử dụng phương tiện nhiều thì phải trả phí nhiều.
Về vấn đề này, ông Đặng Đức Tiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Vận tải Đặng Tiến cho rằng: “Hiện nay, phương tiện giao thông cá nhân đã chịu quá nhiều loại thuế và phí. Vì vậy, Bộ GTVT triển khai thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và phí ô tô đi vào trung tâm TP giờ cao điểm chỉ tạo thêm gánh nặng cho người dân. Bởi lẽ, mỗi khi các phương tiện cá nhân, chẳng hạn như xe taxi chịu nhiều loại phí sẽ khiến giá thành vận tải tăng lên. Do đó, để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh bắt buộc các doanh nghiệp vận tải taxi phải điều chỉnh giá cước. Như vậy, hậu quả cuối cùng mà phải gánh chịu vẫn là người dân. Do đó, không nên thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân mà nên triển khai thu phí qua xăng dầu để đảm bảo sự công bằng là xe sử dụng đường sá lưu thông nhiều thì đóng phí nhiều”.
Khó hạn chế được xe lưu thông trên đường
Bên cạnh việc đề xuất xem xét lại mức thu và phương thức thu, các ý kiến còn cho rằng, việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và phí ô tô đi vào trung tâm TP giờ cao điểm sẽ không hạn chế được số lượng phương tiện lưu thông trên đường.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam (SVEC) đặt vấn đề: “Mục tiêu của đề án đưa ra là thu phí phương tiện giao thông cá nhân để giảm ùn tắc giao thông và kẹt xe, theo tôi là không có cơ sở thực tế. Bởi lẽ, việc thu phí phương tiện giao thông cá nhân không thể làm cho phương tiện lưu thông trên đường giảm đi. Vì không bao giờ có chuyện người dân đóng phí giao thông rồi bỏ xe ở nhà để đi lại bằng phương tiện khác. Việc thu phí phương tiện giao thông cá nhân sẽ không giảm được phương tiện lưu thông trên đường và như thế, sẽ không giải quyết được mục tiêu giảm ùn tắc giao thông và kẹt xe trên do phương tiện cá nhân gây ra. Chưa kể, khi thực hiện việc thu phí các phương tiện ở các tuyến đường nội đô, người dân sẽ chọn tuyến đường khác lưu thông và như vậy sẽ chuyển tình trạng kẹt xe từ nội đô ra các tuyến đường ven đô”.
Đồng quan điểm này, ông Đặng Đức Tiệp cho rằng: “Mục tiêu thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và phí ô tô đi vào trung tâm TP giờ cao điểm để hạn chế tình trạng kẹt xe và ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn rất khó khả thi. Bởi lẽ, đa số phương tiện mà người dân mua sắm chủ yếu để phục vụ nhu cầu đi lại và sản xuất kinh doanh hàng ngày. Cho nên, khi người ta đã bỏ ra hàng tỷ đồng để mua sắm phương tiện thì không có lý gì với mức thu phí hàng chục triệu đồng/năm người ta lại không dám bỏ ra trả phí giao thông để sử dụng xe đi lại trên đường.
Tóm lại, việc thu phí phương tiện cá nhân vẫn không hạn chế được số lượng phương tiện lưu thông trên đường nên sẽ khó giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông và kẹt xe. Theo tôi, để giải quyết bài toán ùn tắc và kẹt xe hiện nay, chúng ta không chỉ chú trọng vào việc thu phí giao thông mà nên có sự quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông cho đồng bộ”.
|
ĐÌNH LÝ