Phí sang tên, chuyện cũ thành mới

Xử phạt chủ phương tiện điều khiển xe không chính chủ đang được dư luận quan tâm ngay khi lực lượng CSGT cả nước ra quân thực hiện Nghị định 71/CP. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Phòng CSGT Hà Nội, Công an TP đã đăng ký, quản lý 4,8 triệu phương tiện xe cơ giới đường bộ, trong đó có trên 459.000 ô tô và hơn 4,4 triệu mô tô, xe máy. Tuy nhiên, trong 11 tháng của năm 2012, mới chỉ có 560 trường hợp đến làm thủ tục sang tên đổi chủ đăng ký tên mình.

Xử phạt chủ phương tiện điều khiển xe không chính chủ đang được dư luận quan tâm ngay khi lực lượng CSGT cả nước ra quân thực hiện Nghị định 71/CP. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Phòng CSGT Hà Nội, Công an TP đã đăng ký, quản lý 4,8 triệu phương tiện xe cơ giới đường bộ, trong đó có trên 459.000 ô tô và hơn 4,4 triệu mô tô, xe máy. Tuy nhiên, trong 11 tháng của năm 2012, mới chỉ có 560 trường hợp đến làm thủ tục sang tên đổi chủ đăng ký tên mình.

Mặc dù những con số đó chưa nói lên chính xác về số lượng xe không chính chủ đang lưu hành tại Hà Nội nhưng chỉ làm một cuộc khảo sát nhỏ với những người xung quanh, hay ghé qua những diễn đàn đang rất sôi sục vì thông tin xung quanh NĐ71 cũng có thể thấy rằng, tỷ lệ người đi xe chính chủ ở Hà Nội không nhiều. Điều đó đồng nghĩa với việc hiện đang có hàng triệu người vi phạm NĐ71 đang lưu thông trên đường. Hàng triệu người đó không có cách nào khác vẫn ra đường, đi học, đi làm kiếm sống bằng phương tiện duy nhất họ có. Dù chắc rằng, ai cũng nơm nớp nỗi lo bị công an phạt với mức lên tới 1 triệu đồng/xe máy và 10 triệu đồng/ô tô.
 
Trước những phản ứng dữ dội của người dân, cơ quan CSGT Hà Nội đã lên tiếng trấn an dư luận. Theo đó, người điều khiển phương tiện không chính chủ không bị phạt và người dân cũng không có nghĩa vụ phải chứng minh với CSGT rằng xe là chính chủ hay không chính chủ. Cứ có đủ giấy tờ theo quy định là được điều khiển xe. Về những xe mua bán, cho tặng, qua nhiều chủ nhưng chưa làm thủ tục sang tên, người mua cuối cùng lại bán cho người khác, khi sang tên, người cuối cùng phải có giấy tờ mua bán hợp lệ, theo quy định phải đóng thuế. Bạn bè, bố mẹ, anh chị… cho mượn xe thì người tham gia giao thông phải mang đăng ký chiếc xe đó, có giấy phép lái xe hợp lệ. Đối với ô tô còn phải có sổ kiểm định chất lượng. Những trường hợp này không vi phạm luật giao thông thì không xử lý. Thế nhưng dù xử phạt ngay hay không, việc người dân vi phạm NĐ71 và nguy cơ bị xử lý vẫn còn đó.

Ai cũng hiểu, việc chuyển quyền sở hữu về chính chủ là cần thiết, giúp các cơ quan quản lý dễ dàng hơn khi xử lý các lỗi liên quan đến chủ xe, đặc biệt là cơ sở để sau này cơ quan chức năng có thể áp dụng hình thức phạt nguội, sau khi vi phạm được lưu lại bằng máy quay phim, chụp ảnh... Bản thân những người dân được hỏi cũng đều mong muốn được đứng tên tài sản của mình. Nhưng thực tế, việc chuyển quyền sử dụng lâu nay đã bị cả người dân cũng như các cơ quan chức năng bỏ qua.

Người dân có lý khi nói chuyển quyền thủ tục rắc rối, tốn kém còn các cơ quan chức năng lại ngại xử phạt do khó xác định phương tiện đã được sang tên đổi chủ khi mua bán hay chưa. Việc xác minh được lỗi này quả thật rất nhiêu khê trong khi mỗi CSGT còn có vô số việc để làm, vô số lỗi khác có thể phạt ngay. Thêm nữa, mức xử phạt lỗi này trước đây cũng thấp so với mức vừa được đưa ra. Vậy nên, quy định xử phạt điều khiển xe không chính chủ đã có hàng chục năm nay nhưng không làm ai lo sợ, cho đến khi mức phạt mới đột ngột được đưa ra.
 
Vấn đề đặt ra, nếu xác định việc chuyển quyền sở hữu là cần thiết đối với công tác quản lý (chứ không phải để tăng thu) và người dân cũng rất mong muốn được đứng tên chính chủ tài sản của mình thì tại sao các cơ quan chức năng không nghiên cứu phương án hoặc lộ trình để người dân thực hiện chuyển đổi? Khó khăn vướng mắc hiện nay là thủ tục nhiều khê và chi phí quá cao, chính vì vậy, rất nhiều người đã đồng tình với đề xuất của Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng: “Thay vì giải quyết vấn đề ngọn, xử phạt, các cơ quan chức năng nên làm phần gốc, giảm lệ phí trước bạ (hiện mức phí này khoảng 10% - 15%, tùy địa phương) cho người dân khi sang tên, đổi chủ”.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đồng thuận với ý kiến này khi cho rằng: “Tại Hà Nội, 1 chiếc ô tô trị giá 500 triệu đồng hiện phải mất khoảng 60 triệu đồng để sang tên sở hữu. Bộ Tài chính nên tính toán lại mức lệ phí hợp lý khi chuyển quyền sở hữu xe. Thà thu mức phí thấp để người dân chấp hành, giúp việc quản lý phương tiện và xử phạt nguội tốt hơn”. Nếu không, việc linh hoạt trong xử lý sẽ chỉ tạo thêm kẽ hở để người dân phạm luật và người thừa hành công vụ phẩm chất kém lợi dụng.

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục