Phi toàn cầu hóa trỗi dậy?

Theo giới quan sát, đại dịch Covid-19 và xung đột ở Ukraine đã khiến thương mại thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu như những năm 2000, 2001, phi toàn cầu hóa là một giả thuyết thì đến nay, xu hướng này đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng.

Thỏa thuận riêng

Theo đài RFI, năm 2021, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Carmen Reinhart từng nói rằng khủng hoảng Covid-19 là chiếc đinh cuối cùng đóng vào “cỗ quan tài” toàn cầu hóa. Nhà kinh tế học người Pháp Jacques Sapir nhận định phi toàn cầu hóa manh nha bằng một chuỗi các sự kiện, bắt đầu từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Tiếp đến là hàng hoạt chính sách, chiến lược của một số quốc gia, bắt đầu đưa ra lập trường chống toàn cầu hóa, không hoàn toàn chấm dứt giao thương quốc tế mà dần rút khỏi một thị trường toàn cầu khổng lồ và đi tìm kiếm các thỏa thuận riêng.

Đại dịch Covid-19 bùng nổ đã cảnh tỉnh thế giới, khiến giới chính trị nhận thức được rằng mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau của các quốc gia - được phát triển trong giai đoạn toàn cầu hóa, có nhiều bất cập. Ví dụ, vụ tắc nghẽn ở kênh đào Suez, các nước đóng cửa biên giới vì đại dịch, xung đột ở Ukraine đã làm gián đoạn các chuỗi cung ứng quan trọng của thế giới, hạn chế dòng chảy của các mặt hàng thiết yếu như vi mạch điện tử, khí đốt và thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thương quốc tế. 

Việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) phần nào cho thấy xu hướng của phi toàn cầu hóa
Theo ông Sapir, thế giới sẽ phân khúc theo nhóm các nước hợp tác riêng với nhau. Đó là việc quay trở lại giao thương theo các khối. Xu hướng này được tạo ra bởi các lệnh trừng phạt kinh tế hơn là bởi các quyết định chính trị. Sự năng động của các khối này có thể trở thành xu hướng phát triển của thế giới trong những năm tới, tức là một thế giới đa cực.

Nếu như những năm 1990, 2000, giai đoạn “thăng hoa” của toàn cầu hóa, quyền lực của các quốc gia suy giảm và chuyển vào các định chế quốc tế như Liên hiệp quốc thì với đại dịch Covid-19 và xung đột ở Ukraine, có thể thấy một xu hướng đang trỗi dậy đó là nhà nước pháp quyền. Quyền lực quay trở lại vào tay của mỗi nhà nước, các nhân vật trung tâm chủ chốt của nền kinh tế và chính trị quốc tế. Thế giới có thể sẽ chuyển sang một hệ thống liên minh và chiến lược. Các quốc gia kết nối với nhau qua các hiệp ước, thỏa thuận song phương, đa phương. Hay là các quốc gia hợp tác với nhau và không bị áp đặt bởi các quy định quốc tế. 

Giao thương quốc tế vẫn tiếp tục

Nhà kinh tế học Sapir cho rằng toàn cầu hóa “đang hấp hối” không đồng nghĩa là giao thương quốc tế chấm dứt. Lịch sử cho thấy ngay cả trong những giai đoạn cực kỳ bảo thủ, thương mại quốc tế vẫn phát triển. Các quốc gia đóng cửa nhưng không có nghĩa là ngừng giao thương với các nước khác. Chủ nghĩa bảo hộ có nghĩa là một đất nước tự bảo vệ mình, nhưng vẫn tiếp tục giao thương với láng giềng, trong khi một nước tự cung tự cấp hoàn toàn trên thực tế chưa bao giờ tồn tại. Ví dụ, năm 1914, thế giới bị bao trùm bởi chủ nghĩa bảo hộ. Thế nhưng, trên thực tế, Đức và Pháp là 2 khách hàng lớn nhất của nhau. 

Theo ông Sapir, thế giới đang quay trở lại chủ nghĩa bảo hộ, mà ở đó các chuỗi cung ứng đa quốc gia đã tồn tại. Tức là một sản phẩm nào đó được sản xuất ở một nước, nhưng có thể những kết cấu/thành phần của sản phẩm được gia công hay lắp ráp ở một nước thứ ba, thậm chí là nước thứ tư. Do đó, thế giới sẽ quay trở lại thời kỳ mà các sản phẩm được sản xuất tại địa phương, theo cơ cấu sản xuất của mỗi quốc gia. Việc làm ra một sản phẩm sẽ xuất hiện dưới hình thức hỗn hợp, tức là một phần nào đó của sản phẩm được sản xuất ra trong nước, còn phần khác được nhập khẩu từ các nước khác - giữa những nước có quan hệ hợp tác với nhau.

Tin cùng chuyên mục