Phí tổn cho chiến tranh

Khi cuộc tấn công Syria chỉ còn đếm từng ngày thì điều mà Chính phủ Mỹ cần phải suy tính hiện nay là phí tổn cho cuộc chiến. Tờ USA Today ước tính chi phí khoảng 1 tỷ USD cho mỗi tháng nếu cuộc chiến kéo dài một năm. Con số này không hề nhỏ đối với một nền kinh tế chỉ chớm hồi phục sau khủng hoảng kéo dài.

Dự trù chi phí cuộc chiến cho thấy việc thiết lập một vùng cấm bay sẽ tiêu tốn 500 triệu USD khi cần đến hàng trăm đơn vị mặt đất, tình báo và hỗ trợ tác chiến điện tử, các thiết bị để tiếp nhiên liệu và thông tin liên lạc… Bên cạnh đó còn là chi phí thiết lập các vùng đệm bên trong lãnh thổ Syria khi phải huy động hàng ngàn binh sĩ Mỹ dưới mặt đất, tiền để tái khởi động các hoạt động, bao gồm huấn luyện, dịch vụ hậu cần và hỗ trợ tình báo. Chưa kể đến các khoản phí khác như huy động tàu sân bay và các tên lửa có tầm xa hàng ngàn kilômét. Một quả tên lửa Tomahawk có giá 1,5 triệu USD và dĩ nhiên cuộc tấn công không thể sử dụng một quả.

Chỉ riêng tại cuộc chiến Libya, quân đội Mỹ đã phải sử dụng đến 111 quả Tomahawk dù có sự hỗ trợ mạnh mẽ của Anh, Pháp. Để một tàu sân bay Nimitz hoạt động thường nhật, Mỹ phải chi tới 7 triệu USD, bao gồm 80 máy bay chiến đấu các loại và hoạt động của thủy thủ đoàn. 25 triệu USD nếu triển khai tác chiến và sẽ là 40 triệu USD nếu có các biện pháp giải cứu khẩn cấp. USA Today nhận định đây là sự mô tả công khai và chi tiết nhất về những lựa chọn khó khăn mà Washington đang đối mặt. Nếu lực lượng Mỹ can thiệp sâu hơn vào cuộc khủng hoảng Syria thì đương nhiên chi phí và nguy cơ cũng cao hơn.

Không quá khó để nhận thấy sau một thập kỷ “kiệt sức” vì 2 cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, Chính phủ Mỹ phải cân nhắc hơn về cuộc tấn công mới ở Syria. Phí tổn cho 2 cuộc chiến trước đã lên tới hơn 2.400 tỷ USD. Như vậy, với mức chi phí trên, bình quân mỗi người dân nước Mỹ, cả người lớn và trẻ em phải gánh khoảng 8.000 USD. Mức chi phí này vượt hơn so với dự tính ban đầu gấp nhiều lần và người ta đang lo sợ kịch bản này sẽ lặp lại tại Syria. Vì lẽ đó mà các thăm dò đều cho thấy hầu hết người Mỹ phản đối bất kỳ hành động quân sự mới nào ở nước ngoài.

Những cảnh báo tương tự cũng được nêu trong bài viết đăng trên tờ Washington Post. Nhà báo Robert J. Samuelson cho rằng nước Mỹ không nên đóng vai trò “cảnh sát thế giới” để thiết lập trật tự trên toàn cầu. Không thể áp dụng lối sống Mỹ vào một quốc gia có giá trị văn hóa khác biệt. Tác giả bài viết nhấn mạnh, bất cứ điều gì nước Mỹ làm đối với Syria phải bắt nguồn từ một tính toán tỉnh táo cho lợi ích quốc gia để nhận được sự hỗ trợ rộng rãi từ công chúng. Kết quả tồi tệ nhất sẽ là một cuộc rút lui hợp lý sau một cuộc chiến mệt mỏi.

Câu hỏi đặt ra lúc này là việc Mỹ can thiệp quân sự vào Syria có đơn thuần chỉ là đòn đánh cảnh cáo đối với chính phủ đương quyền của Tổng thống Bashar Al Assad hay đây sẽ là một cuộc chiến thảm khốc mà chịu tổn thất lớn nhất không ai khác chính là những người dân vô tội? Nhưng với những cảnh báo trước mắt thì có thể thấy rằng, tổn thất này không chỉ diễn ra Syria mà còn lan rộng đến quốc gia gây chiến là Mỹ.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục