Phía sau bức ảnhđoạt giải của UNICEF

Vượt qua 1.263 bức ảnh từ 33 quốc gia, bức ảnh “Em bé da cam” của nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Mỹ, Ed Kashi vừa được Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) trao giải “Ảnh của năm 2010”. Nhân vật trong bức ảnh là em Nguyễn Thị Ly (9 tuổi), nạn nhân chất độc da cam với bối cảnh là ngôi nhà em đang sống ở tổ Mân Quang, phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng). Bức ảnh được Ed Kashi chụp trong những ngày cùng sống, cùng chơi đùa với em Ly và ngay sau đó được hàng trăm tờ báo trên khắp thế giới đăng tải. Tuy nhiên, cuộc sống của nhân vật trong bức ảnh nổi tiếng này vẫn ít người biết tới.
Phía sau bức ảnhđoạt giải của UNICEF

Vượt qua 1.263 bức ảnh từ 33 quốc gia, bức ảnh “Em bé da cam” của nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Mỹ, Ed Kashi vừa được Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) trao giải “Ảnh của năm 2010”. Nhân vật trong bức ảnh là em Nguyễn Thị Ly (9 tuổi), nạn nhân chất độc da cam với bối cảnh là ngôi nhà em đang sống ở tổ Mân Quang, phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng). Bức ảnh được Ed Kashi chụp trong những ngày cùng sống, cùng chơi đùa với em Ly và ngay sau đó được hàng trăm tờ báo trên khắp thế giới đăng tải. Tuy nhiên, cuộc sống của nhân vật trong bức ảnh nổi tiếng này vẫn ít người biết tới.

Bức ảnh “Em bé da cam” của nhiếp ảnh gia Ed Kashi vừa được UNICEF trao giải “Ảnh của năm 2010”, nhân vật là bé Nguyễn Thị Ly (9 tuổi, ở Đà Nẵng).

Bức ảnh “Em bé da cam” của nhiếp ảnh gia Ed Kashi vừa được UNICEF trao giải “Ảnh của năm 2010”, nhân vật là bé Nguyễn Thị Ly (9 tuổi, ở Đà Nẵng).

Vượt qua số phận

Sợ gia đình bận công việc làm ăn, đi vắng nên chúng tôi tìm đến nhà em Ly lúc giữa trưa ngày 20-12. Thấy khách lạ, gia đình bỏ giữa chừng bữa cơm để tiếp khách. Mang một album ảnh gần 20 tấm của bé Ly được nhiếp ảnh gia Ed Kashi chụp trong những ngày giữa tháng 7-2010, chị Lê Thị Thu (37 tuổi, mẹ em Ly), cho biết: Những tấm hình này được ông người Mỹ (Ad Kashi - PV), chụp trong 4 ngày ở lại nhà tôi. Mọi sinh hoạt, học tập của bé Ly đều được ông chụp lại hết. Album này tui vừa nhận được từ Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng gởi về làm kỷ niệm. Tôi và gia đình vẫn chưa biết gì về bức ảnh chụp bé Ly đoạt giải của UNICEF. Giờ nghe chú nói tôi mới biết”.

Ôm bé Ly vào lòng, chị Thu rơm rớm nước mắt: “Vợ chồng tôi lấy nhau năm 1999. Một năm sau tôi có bầu, nhưng bị sẩy thai, nên không giữ được đứa bé. Tuy nghèo khó, vất vả nhưng mong ước được làm cha, làm mẹ của hai vợ chồng luôn cháy bỏng. Vượt qua nỗi đau mất mát lần đầu sinh nở không thành, vợ chồng vẫn hy vọng có một mụn con cho vui cửa vui nhà”. Rồi tin vui cũng đến. Nhưng thật oái ăm, ngày bé Ly cất tiếng khóc chào đời, vợ chồng chị lại một lần nữa rơi nước mắt. Bé Ly sinh ra chỉ có 1,7kg, hết sức yếu ớt, khuôn mặt lại méo mó và phải sống trong lồng kính đến 2 tháng trời. Bao nhiêu tiền dành dụm của 2 vợ chồng đều đổ hết vào lo cho bé Ly.

Bản thân anh Nguyễn Quang Dương (ba bé Ly) khỏe mạnh, nhưng chị Thu có mang di chứng chất độc da cam từ người cha của mình. Chị cho biết: “Cha tui đi bộ đội, tham gia chiến trường Quảng Trị trong suốt thời kỳ chống Mỹ nên bị nhiễm chất độc da cam rất nặng”. Ngay từ nhỏ, chị đã có biểu hiện của di chứng chất độc da cam. Chị luôn sống trong bệnh tật, đau khổ và mặc cảm với đời và quyết định không lấy chồng mặc dù lúc đó có vài chàng trai đến dạm hỏi. “Tôi biết mình mang bệnh trong người nên không dám lấy ai vì sợ làm khổ người khác. Đến năm 24 tuổi, tôi rời quê ở Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) vào Đà Nẵng phụ bà chị bán cơm với mong muốn sống một cuộc sống bình dị”, chị Thu ngậm ngùi. Thế rồi, tình duyên như có tiền định. Những ngày làm thợ nề ở KCN Hòa Khánh, anh Dương đem lòng thương yêu cô gái bán cơm người Hà Tĩnh chịu thương, chịu khó.

Chị Thu nhớ lại: “Biết tình cảm của anh dành cho tôi rất nhiều, nhưng phận mình như vậy, làm sao dám mơ. Anh Dương là con trai cả trong gia đình 5 anh em, trách nhiệm nặng nề đè nặng lên vai, tôi lại càng không muốn mình là gánh nặng nên quyết từ chối. Nhưng trước tấm chân tình của anh, tôi đã xao lòng và đón nhận tình yêu của anh trong niềm hạnh phúc”.

Bé Nguyễn Thị Ly và tác giả bức ảnh “Em bé da cam” Ed Kashi (bên trái).

Bé Nguyễn Thị Ly và tác giả bức ảnh “Em bé da cam”  Ed Kashi (bên trái).
 

Khát vọng sống

Ngồi co ro trong cái lạnh của thời tiết mùa đông, bà Trần Thị Xuân (73 tuổi, mẹ anh Dương), buồn rầu: “Sau khi mất đứa cháu đầu, gia đình tui đặt đứa thứ hai tên Ly vì nó sinh ra ốm yếu tật nguyền, chả biết lúc nào bỏ chúng tôi ra đi. Rồi năm sau, con dâu sinh được đứa con trai khỏe mạnh, tuấn tú, cha nó mừng quá nên đặt luôn tên Mừng (Nguyễn Quang Mừng)”. Do đau yếu nên bé Ly phải bỏ học giữa chừng năm lớp 1 và nay cả hai chị em cùng học chung lớp 3/1 Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (Hòa Quý - Ngũ Hành Sơn). Bé Ly tuy cơ thể gầy tong, ốm yếu và gương mặt méo mó, nhưng nét hồn nhiên tinh nghịch lại toát lên sự yêu đời, một khát vọng sống mãnh liệt. Trong 3 năm học liền, cả hai chị em Ly đều là học sinh giỏi của trường, được nhiều giấy khen đem trưng bày ở nơi trang trọng nhất trong căn nhà tình thương.

Khi hỏi đến hoàn cảnh kinh tế gia đình thì chị Thu lại bật khóc: “Cả gia đình bây giờ chỉ biết sống dựa vào nghề thợ nề của anh Dương, nhưng anh ấy đang bị đau cột sống, nên bữa làm, bữa nghỉ. Tôi thì bị đau liên miên, bà nội mấy đứa nhỏ cũng thế. Nhiều lúc gia đình không còn gì để ăn, phải đi mượn quanh xóm. Khó khăn quá nên tiền trường, tiền học của thằng Mừng đến giờ vẫn chưa có mà đóng. Cháu về hối thúc mãi nhưng biết làm sao giờ…”.

Nói về bé Ly, bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng, chia sẻ: Tiếp xúc nhiều với trẻ em nhiễm chất độc da cam, tôi nhận ra, bé Ly là một trong những em có khát vọng sống mãnh liệt. Dường như trong em không hề tồn tại bệnh tật, không buồn phiền, em còn truyền cảm hứng, ước mơ sống đến các bạn cùng hoàn cảnh. Có lẽ, khát khao của bé Ly thể hiện trên bức ảnh cũng một phần giúp tác giả Ed Kashi đoạt giải”.

Còn Ly, khi hỏi về ước mơ của mình, em nhỏ nhẹ: “Con chỉ mong được đi học. Đừng bị đau phải nghỉ học ở nhà buồn lắm. Sau này con muốn làm cô giáo như cô giáo của con bây giờ”. Ước mơ thật bình dị nhưng rất cháy bỏng trong tâm khảm của cô bé tật nguyền.

NGUYỄN HÙNG

Tin cùng chuyên mục