Phía sau “hiện tượng Nobel 2010”

Mùa giải Nobel 2010 đã khép lại với chiến thắng dành cho bộ 3 nhà khoa học người Mỹ-Anh. Trong khi Hội đồng Nobel của Thụy Điển nhận định đây là mùa giải thành công thì truyền thông quốc tế đã có những nhận định thú vị về những yếu tố làm nên hiện tượng Nobel 2010.
Phía sau “hiện tượng Nobel 2010”

Mùa giải Nobel 2010 đã khép lại với chiến thắng dành cho bộ 3 nhà khoa học người Mỹ-Anh. Trong khi Hội đồng Nobel của Thụy Điển nhận định đây là mùa giải thành công thì truyền thông quốc tế đã có những nhận định thú vị về những yếu tố làm nên hiện tượng Nobel 2010.

Mỹ độc tôn

Từ năm 1943 đến nay, ngoại trừ 2 lần vào các năm 1957 và 1991, chưa bao giờ người Mỹ vắng mặt ở các mùa Nobel. Kể từ khi nhận được giải Nobel đầu tiên vào năm 1907 ở lĩnh vực Vật lý, đến nay, người Mỹ đang thống trị giải thưởng cao quý này với 316 giải được trao cho 315 cá nhân. Như vậy, trung bình mỗi năm, Mỹ góp vào bộ sưu tập giải thưởng Nobel của mình 3 giải.

Gần đây nhất là Nobel năm 2009, có đến 4 giải Nobel được trao cho 6 nhà khoa học Mỹ gồm các giải Nobel Vật lý, Hóa học, Hòa bình, Kinh tế. Một trong những nguyên nhân chính của thành công này trong suốt nhiều thập niên qua là nước Mỹ ngày càng thu hút được nhiều nhân tài. Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, dòng chất xám từ khắp thế giới vẫn tiếp tục đổ về nước Mỹ. Người ta ước tính, khoảng 40% các nhà khoa học Mỹ hiện nay được sinh ra ở châu Âu. Rất ít người trong số đó có ý định trở về.

Trong những năm gần đây, người ta chứng kiến sự xuất hiện thường xuyên hơn của một số gương mặt mới tại giải Nobel đến từ các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc. Các nước EU thì triển khai kế hoạch tăng ngân sách dành cho nghiên cứu từ 1,9% GDP lên 3% vào năm 2010 để đuổi kịp Mỹ. Tuy nhiên, cần một quá trình dài để những nước này thay thế vị trí của Mỹ, vì một nghiên cứu nghiêm túc thường phải mất nhiều năm để thực hiện và sau đó, theo như thông lệ ở giải Nobel, phải mất thêm chừng 10-15 năm trở lên để được tôn vinh.

Ngậm ngùi vì chảy máu chất xám

Ngày nay, chảy máu chất xám không còn là nỗi lo riêng của những nước đang phát triển mà nó đã trở thành mối quan tâm của những nhà lãnh đạo, giới khoa học của chính những nước phát triển. Giải Nobel Vật lý năm nay là một ví dụ điển hình.

Ngay sau khi Hội đồng Nobel Thụy Điển công bố chiến thắng thuộc về 2 nhà khoa học gốc Nga là Giáo sư Andre Geim (quốc tịch Hà Lan) và Tiến sĩ Kostantin Novoselov (quốc tịch Anh) đến từ Trường vật lý và thiên văn (The School of Physics and Astronomy) thuộc Đại học Manchester của Anh, đích thân Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã lên tiếng để tỏ rõ những lo ngại đối với nền giáo dục và chính sách hỗ trợ người tài của nước nhà.

Ông Medvedev nói rằng: “Hệ thống giáo dục của chúng ta đã để lộ một lỗ hổng quá lớn. Chính lỗ hổng này đã ngăn không cho những người tài năng, trẻ tuổi thỏa lòng đam mê nghiên cứu. Và đó là lý do khiến họ rời bỏ đất nước”.

Cả 2 nhà khoa học này đều tốt nghiệp từ Đại học Công nghệ - Vật lý Mátxcơva (MFTI), sau đó làm việc ở Viện Vật lý chất rắn Chernogolovka. Khi được phỏng vấn, Giáo sư Andre Geim nói rằng: “Ở bậc đại học, khó mà tìm được trường nào vượt qua MFTI trong lĩnh vực nghiên cứu về vật lý, ngay cả trường đại học danh tiếng Harvard hay Cambridge”.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Khoa Vật lý Tổng hợp của trường MFTI cho biết: “Giai đoạn được đào tạo tại trường MFTI và Chernogolovka đã đóng vai trò rất lớn, tạo nền tảng tư duy vững chắc cho hoạt động nghiên cứu khoa học của họ. Và không thể phủ nhận việc họ chính là một trong những thành công của hệ thống giáo dục của nước Nga”.

Thế nhưng, một thực tế mà bất cứ nhà khoa học nào ở Nga cũng hiểu, và cũng là điều khiến người dân nước này ngậm ngùi, đó là những thí nghiệm đắt tiền luôn ngoài tầm tay của các nhà nghiên cứu sau đại học.

Đây là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu mà Nga cần lưu ý nếu muốn tiếp tục cuộc đua trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Đặc biệt là lĩnh vực Vật lý, với 7 nhà khoa học gốc Nga đạt được giải Nobel, nhiều hơn bất cứ lĩnh vực nào của giải Nobel mà người Nga đạt được.

Trao vũ khí chống lại nỗ lực hòa bình?

Giải Nobel Hòa bình luôn được kỳ vọng là giải thưởng dành cho người xứng đáng. Thế nhưng, một lần nữa, giải Nobel Hòa bình đã gây tranh cãi gay gắt. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, việc trao danh hiệu này cho Lưu Hiểu Ba là sai với tiêu chí của giải thưởng này.

Trong bài viết có tựa đề “Vũ khí chống lại nỗ lực vì hòa bình” đăng trên RIA Novosti, nhà bình luận chính trị Nikolai Troitsky đã nhắc đến 2 trường hợp trao giải Nobel cũng gây nhiều tranh luận, đó chính là giải Nobel Hòa bình năm 1975 trao cho Andrei Sakharov và năm 1990 trao cho Mikhail Gorbachev.

Trong bài phân tích của mình, nhà bình luận Nikolai Troitsky cũng khẳng định, các giải Nobel hòa bình trong 5 năm gần đây phản ánh các khía cạnh khác nhau của định nghĩa “hòa bình”. Năm 2009, giải này trao cho Tổng thống Mỹ B.Obama. Năm 2008, cựu tổng thống Phần Lan, đặc sứ của LHQ Martti Ahtisaari, được nhận giải vì vai trò làm trung gian hòa giải cho các cuộc xung đột Namibia, Aceh, Kosovo và Iraq. Còn cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore được vinh danh cho các thành tích trong việc chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu năm 2007.

Dư luận thế giới đánh giá cao giải Nobel Hòa bình năm 2006 của ông Muhammad Yunus.

Dư luận thế giới đánh giá cao giải Nobel Hòa bình năm 2006 của ông Muhammad Yunus.

Năm 2006, nhà kinh tế học Muhammad Yunus, người Bangladesh và ngân hàng Grameen do ông sáng lập đã nhận giải Nobel Hòa bình vì nỗ lực phát triển kinh tế xã hội cho người nghèo thông qua hình thức quỹ tín dụng nhỏ. Năm 2005, giải thưởng này được trao cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA và người đứng đầu cơ quan này.

Còn với giải Nobel Hòa bình năm nay và sự liên kết 2 giải Nobel hòa bình được trao năm 1975 và 1990, nhà bình luận Nikolai Troitsky cho rằng đây không khác nào là hành động trao một thứ vũ khí nguy hiểm chống lại nỗ lực bảo vệ hòa bình. 

NHƯ QUỲNH

Thông tin liên quan

>> Nobel kinh tế 2010 thuộc về nhóm 3 nhà khoa học Mỹ - Anh

>> Trung Quốc phản đối việc Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa bình

>> Nhà văn Mario Vargas Llosa (Peru) nhận giải Nobel Văn chương 2010

>> Nobel Hóa học 2010: Nghiên cứu về carbon lại lên ngôi

>> Giải Nobel Vật lý 2010: Chiến thắng thuộc về những nhà khoa học tạo ra “vật liệu thần kỳ”

>> Công bố Giải Nobel 2010: Cha đẻ của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đoạt giải Nobel Y học

Tin cùng chuyên mục