Dù đã mấy chục năm xông pha trận mạc, vị tướng mái đầu đã bạc trắng - GS.TSKH Lê Thế Trung, đồng Chủ tịch Hội đồng ghép gan (Học viện Quân y) – vẫn không bao giờ quên được dấu mốc đáng ghi nhớ, đó là ngày 30-1-2004, ngày diễn ra ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam.
Một năm trôi qua, trong tâm khảm ông vẫn nguyên cảm xúc khi bước ra khỏi phòng phẫu thuật đặc biệt, trước hàng chục phóng viên còn cố nán lại trong phòng đợi, dù đã gần 23 giờ đêm, để thông báo: “Ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam đã thành công tốt đẹp sau hơn 15 giờ phẫu thuật”. Được biết, để có được giờ phút hạnh phúc ấy, ông và đồng sự đã phải chuẩn bị suốt 12 năm trời!
- Trong những vòng tay nhân ái
![]() |
Nụ cười của bé Diệp.Ảnh: T.L |
Gần một năm sau ca ghép gan đáng ghi vào lịch sử y học Việt Nam, chúng tôi có mặt ở nhà anh Nguyễn Quốc Phòng ở xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Thật khó hình dung được cô bé Nguyễn Thị Diệp đang ngồi trước mắt chúng tôi, lanh lợi, luôn nhoẻn miệng cười đó, cách đây hơn một năm từng được xem là vô phương cứu chữa.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Được – ông nội của cháu Diệp và anh Nguyễn Quốc Phòng – bố của cháu Diệp cho biết: sức khoẻ của Diệp đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, không như nhiều đứa trẻ nông thôn khác, Diệp vẫn hay ốm vặt. Hàng ngày, cháu đều phải uống rất nhiều loại thuốc và mỗi tháng lại lên Hà Nội kiểm tra sức khoẻ định kỳ một lần.
Diệp ăn uống, ngủ, chơi đùa, học hành bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng trong nhà, mọi người đều luôn trông chừng Diệp, không để cho cháu chơi nhiều hay làm việc nặng. Công việc duy nhất mà Diệp làm hàng ngày giúp mẹ là rửa ấm chén, cốc tách uống nước của gia đình vào buổi sáng. Chị Phạm Thị Thoa, mẹ của cháu Diệp, kể rằng: “Cháu nó cứ muốn quét nhà giúp mẹ, nhưng tôi không cho. Chỉ mong nó khỏe, chơi được, học hành tốt là mừng lắm rồi…”.
- Vẫn luôn canh cánh trong lòng
![]() |
Bé Diệp cùng bố. |
Một năm đi qua và thành công đã được khẳng định, thế nhưng GS. TSKH Lê Thế Trung vẫn luôn canh cánh trong lòng về tương lai của bé Diệp. Thường xuyên gọi điện thăm hỏi, gửi quà về cho bé Diệp và điều ông lo nhất là tìm nguồn tài trợ thuốc men cho Diệp.
Hiện nay, ngoài loại thuốc đặc trị chống thải ghép do hãng Novatis tài trợ suốt đời (khoảng 3 triệu đồng/tháng), mỗi tháng cháu Diệp và bố (anh Phòng) còn phải dùng thêm các loại thuốc bổ khác với chi phí trung bình vào khoảng 500.000 đồng, một khoản tiền quá lớn so với hoàn cảnh eo hẹp của một gia đình thuần nông.
Trong câu chuyện với chúng tôi, vị giáo sư già vẫn không khỏi tâm tư: khoa học đã cứu sống cháu Diệp, nhưng để giữ thành quả đó cho cháu lại chính là tấm lòng nhân ái của cộng đồng. Không chỉ họ hàng, bà con lối xóm, mà chính quyền địa phương, tập thể các thầy cô giáo, bạn bè ở Trường Tiểu học A Hải Minh, hội đồng hương Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định… cũng đã quyên góp tiền, giúp đỡ cháu Diệp.
Về cá nhân, nhiều nhất là Lương y Lương Thị Khiển ở Hòa Bình, trợ giúp 100 triệu đồng trong thời hạn 10 năm. Mỗi năm sẽ trao 10 triệu đồng. Mới đây, về thăm cháu Diệp, thấy gia đình vất vả trong việc đưa đón cháu Diệp đi học, bà Khiển đã mua tặng gia đình một chiếc xe máy để anh Phòng tiện đưa đón cháu Diệp…
Sau cháu Diệp, sẽ còn rất nhiều đứa trẻ cần đến bàn tay kỳ diệu của y học. Từ thành công của ca ghép gan đầu tiên này, các thầy thuốc Việt Nam đã có thể hoàn toàn tự tin vào bàn tay, khối óc của chính mình, để giành giật cuộc sống cho những bệnh nhân tưởng như đã tuyệt vọng vì bệnh nan y.
Không chỉ đối với bé Diệp, mà nhiều, rất nhiều bệnh nhân khác đang trông chờ điều đó. Và họ cũng hy vọng sẽ luôn luôn được đón nhận những tấm lòng nhân ái từ cộng đồng để cuộc sống vẫn mỉm cười, vẫn đem sắc xuân đến cho những người chẳng may rơi vào bất hạnh…
LƯU - LAN
Các tin, bài viết khác
-
Cứu sống 2 bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp
-
Xứng đáng là đội hậu bị tin cậy của Đảng
-
TPHCM phấn đấu trở thành trung tâm y tế chuyên sâu khu vực phía Nam và Đông Nam Á
-
Điểm sáng về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân
-
Bóc tách thành công khối u tuyến tụy “khổng lồ” hiếm gặp
-
Cả xóm nhập viện vì tiêm ''silicon Thái xách tay''
-
WHO đánh giá cao công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam
-
Ung thư buồng trứng giai đoạn muộn vì chủ quan
-
Phát động chiến dịch hiến máu tình nguyện “Lễ hội Xuân hồng” năm 2021
-
Xoa dịu nỗi đau bằng chăm sóc giảm nhẹ