Phiên họp thứ 35 UBTVQH: Quản lý vốn nhà nước còn bất cập

* Tình hình tội phạm càng phức tạp

* Tình hình tội phạm càng phức tạp

(SGGP).- Ngày 30-9, trong khuôn khổ phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và cho ý kiến về các báo cáo của Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2010, nhiều biện pháp quan trọng nhằm phòng ngừa tệ tham nhũng đã được Chính phủ chỉ đạo triển khai đồng bộ, bao gồm cải cách hành chính, công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; đổi mới công nghệ quản lý; minh bạch tài sản, thu nhập; thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng… Tuy nhiên, báo cáo cũng thẳng thắn nêu rõ, tình hình tham nhũng năm 2010 tuy có giảm nhưng trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp và trở nên tinh vi hơn.

Thống nhất với nhiều nhận định trong báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng chỉ ra, năm 2010 kết quả đạt được về thực hành tiết kiệm có khá hơn, ý thức tiết kiệm của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và trong nhân dân có bước chuyển biến hơn so với năm 2009.

Tại các doanh nghiệp nhà nước, theo số liệu báo cáo của 6 tập đoàn, tổng công ty, kết quả tiết kiệm chi phí kinh doanh và đầu tư xây dựng ước khoảng 1.291 tỷ đồng. Tuy nhiên, người đứng đầu UB Tài chính – Ngân sách của QH nhấn mạnh nhiều cơ chế, chính sách quản lý vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty, DNNN bộc lộ bất cập nhưng chậm được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung. Việc thực hiện chức năng quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp của các cơ quan chức năng còn buông lỏng, hoạt động của nhiều doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng các quy định của Nhà nước về quản lý vốn, làm thất thoát tiền, tài sản của nhà nước.

Ngày 30-9, tại Hà Nội, đã diễn ra hội nghị tổng kết 12 năm thực hiện Nghị quyết số 09/CP của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm giai đoạn 1998-2010.

Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138) nhấn mạnh, sau 12 năm thực hiện Nghị quyết số 09/CP, Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm đã phát huy được sức mạnh của các ngành, các cấp, đoàn thể xã hội và đặc biệt là quần chúng nhân dân trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Số vụ tội phạm về trật tự xã hội tuy có giảm so với trước nhưng số loại tội phạm nghiêm trọng tăng.

Từ năm 1998 đến tháng 6-2010, cả nước đã phát hiện được 953.135 vụ phạm tội các loại, giảm 102.830 vụ (10,07%) so với giai đoạn 1986-1997. Cùng với đó, giảm được 25% số đối tượng truy nã ngoài xã hội.

Mặc dù kết quả đạt được của Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm đã góp phần không nhỏ vào việc giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội nhưng trong giai đoạn tới, tình hình tội phạm tiếp tục tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nguy hiểm, nhất là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm kinh tế, tội phạm công nghệ cao.

Trước tình hình này, tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng yêu cầu, các cấp, các ngành xác định công tác phòng chống tội phạm là nhiệm vụ quan trọng phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, các thành phố, thị xã lớn, địa bàn biên giới. 

ANH THƯ - QUỐC KHÁNH

Tin cùng chuyên mục