Philippines cáo buộc Trung Quốc vi phạm thô bạo thỏa thuận trên biển Đông

  • Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tọa đàm về vấn đề biển Đông     
  • Tuyên bố của Hội Dầu khí Việt Nam về việc tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp của tàu Bình Minh 02 

Từ ngày 7-6, tại TP Surabaya thuộc tỉnh Đông Java của Indonesia, các quan chức cấp cao 10 nước ASEAN và các đối tác đối thoại lần lượt tiến hành hàng loạt cuộc họp nhằm chuẩn bị nội dung và chương trình làm việc cho Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 44 và Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 18 (ARF-18).

Ông Derry Aman, quan chức cấp cao phụ trách quan hệ chính trị Bộ Ngoại giao Indonesia, cho biết bên cạnh việc thảo luận khái niệm về khu vực Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân, các quan chức sẽ trao đổi ý kiến về tranh chấp trên biển Đông, tình hình chính trị tại Myanmar và Campuchia, diễn biến trên bán đảo Triều Tiên cũng như các vấn đề an ninh và chính trị tại mỗi quốc gia thành viên ASEAN.

Ông Derry cho biết các nước ASEAN đã nhất trí khu vực ASEAN không có vũ khí hạt nhân. Một số nước hiện vẫn chưa đồng ý cho phương tiện chuyên chở vũ khí hạt nhân từ Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc chạy qua khu vực ASEAN. Theo lịch trình, trong thời gian trên sẽ diễn ra cuộc họp lần thứ hai Nhóm làm việc của Ủy ban Điều hành về khu vực ASEAN phi vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) và các cuộc họp về đối thoại quan chức quốc phòng 10 nước ASEAN…

Ngày 7-6 tại Hà Nội, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tổ chức tọa đàm với các thành viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, Hội đồng tư vấn về Đối ngoại và Kiều bào và một số ban, ngành liên quan về các sự kiện diễn ra trên biển Đông trong thời gian gần đây.     

Các đại biểu đã cùng trao đổi và phê phán việc làm sai trái của các tàu hải giám Trung Quốc trong việc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào ngày 26-5. Trung Quốc cần tôn trọng Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 và Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở biển Đông (DOC) ký năm 2002...     

Hội Dầu khí Việt Nam vừa ra Tuyên bố: Ngày 26-5, 3 tàu hải giám của Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Petrovietnam - Hội viên tập thể của Hội Dầu khí Việt Nam, khi đang khảo sát địa chấn trong lô 146-148 cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) 116 hải lý về phía Đông, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chủ quyền của Việt Nam. Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng UNCLOS 1982; vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình và gây thiệt hại về kinh tế đối với Petrovietnam. Hành động này cũng đã đi ngược lại cam kết của Trung Quốc tại DOC ký năm 2002, cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Hội Dầu khí Việt Nam kêu gọi phía Trung Quốc tuân thủ nghiêm UNCLOS mà Trung Quốc là nước thành viên, cũng như luật pháp quốc tế liên quan; thực hiện nghiêm túc các cam kết nêu trong DOC; không để tái diễn những hành động tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; bồi thường những tổn thất mà các tàu hải giám của Trung Quốc gây ra cho Petrovietnam.

Ngày 7-6, Philippines cáo buộc Bắc Kinh vi phạm thô bạo một thỏa thuận ký năm 2002 giữa Trung Quốc và ASEAN nhằm ngăn chặn các vụ xung đột tại quần đảo Trường Sa có tranh chấp trên biển Đông. Đây là động thái mới nhất trong hàng loạt phản đối việc Trung Quốc xâm nhập khu vực mà nhiều nước cùng tuyên bố chủ quyền này.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, vụ đối đầu mới nhất tại quần đảo Trường Sa trên biển Đông gần bờ biển của Philippines là thách thức nghiêm trọng nhất đối với những nỗ lực nhằm giải quyết tranh chấp một cách hòa bình kể từ năm 1995, thời điểm Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng đảo

Mischief mà Manila tuyên bố chủ quyền. Chính phủ Philippines có tài liệu chứng tỏ từ tháng 2 tới nay, Trung Quốc đã 6 lần thâm nhập các khu vực mà Manila tuyên bố chủ quyền bên trong và gần quần đảo Trường Sa. Trong số này, vụ thâm nhập nghiêm trọng nhất vào ngày 25-2, khi tàu hải quân Trung Quốc nổ súng vào ngư dân Philippines tại cồn san hô Jackson.

TTXVN


ASEM: Cầu nối quan trọng trong quan hệ Á - Âu

Hội nghị Ngoại trưởng Á - Âu (ASEM) lần thứ 10 (FMM-10) đã khai mạc ngày 6-6 tại TP Godollo của Hunggary. Ngay sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng nước chủ nhà Viktor Orban, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm đã có bài phát biểu nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của hội nghị đối với cục diện quốc tế và hợp tác ASEM.  Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, ASEM đã có những bước trưởng thành vượt bậc, thực sự trở thành cầu nối quan trọng và không thể thay thế trong quan hệ đối tác Á - Âu, ngày càng chứng tỏ tính hấp dẫn và sức sống mạnh mẽ.

Chủ đề “Hợp tác cùng ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống” và các nội dung thảo luận của hội nghị lần này có ý nghĩa hết sức thiết thực, đáp ứng những quan tâm hàng đầu hiện nay của mỗi thành viên ASEM cũng như của 2 châu lục. Theo Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, trong một thế giới toàn cầu hóa và ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, những thách thức trên không còn là thách thức của từng quốc gia đơn lẻ mà ngày càng có tính xuyên quốc gia và toàn cầu, tác động mạnh tới an ninh và phát triển ở 2 châu lục với cường độ và quy mô ngày càng gia tăng.

Để kinh tế thế giới phục hồi và tăng trưởng bền vững, 2 bên cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để giải quyết thỏa đáng không chỉ các vấn đề kinh tế, xã hội mà cả các thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên.

P.Nam

Tin cùng chuyên mục