Philippines tìm cơ hội ở thị trường bán lẻ Việt Nam

Đoàn doanh nghiệp Philippines vừa có chuyến tìm hiểu cơ hội đầu tư và hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Philippines cho biết, trong thời gian tới họ sẽ tập trung đầu tư mạnh vào hệ thống bán lẻ và ngành chế biến lương thực, thực phẩm tại Việt Nam.
Philippines tìm cơ hội ở thị trường bán lẻ Việt Nam

Đoàn doanh nghiệp Philippines vừa có chuyến tìm hiểu cơ hội đầu tư và hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Philippines cho biết, trong thời gian tới họ sẽ tập trung đầu tư mạnh vào hệ thống bán lẻ và ngành chế biến lương thực, thực phẩm tại Việt Nam.

Dự án đầu tư khiêm tốn

Tại cuộc họp, đại diện Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho biết, dựa trên cơ cấu dân số Việt Nam là 30% sống tại thành thị và 70% sống tại nông thôn nên từ năm 2014 đến nay, trên cả nước nở rộ nhiều loại hình bán lẻ, phục vụ đa dạng nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng. Dẫn đầu vẫn là bán hàng trực tiếp tại hệ thống siêu thị, chợ truyền thống. Kế đến là hệ thống cửa hàng nhỏ tiện dụng nằm xen lẫn trong hệ thống khu dân cư. Hệ thống này tích hợp hình thức bán trực tuyến lẫn bán hàng trực tiếp, phù hợp đa dạng nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng. Cuối cùng là hình thức bán hàng qua mạng. Rất nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới về dịch vụ bán lẻ đã có mặt tại Việt Nam mở ra các trang web bán hàng trực tuyến như Zalora, Lazada, Lottemart…

Đầu tư vào hệ thống bán lẻ và nông sản thực phẩm là hai lĩnh vực doanh nghiệp Philippines tập trung tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới

Riêng tại Việt Nam dịch vụ bán lẻ cũng ngày càng phát triển mạnh. Điển hình như hệ thống bán lẻ Co.opMart với hơn 300 chuỗi cửa hàng, siêu thị; Thế Giới Di Động với 300 cửa hàng, Nguyễn Kim với hơn 20 cửa hàng… Riêng về ngành chế biến nông sản thực phẩm, Việt Nam được đánh giá là nước có nguồn nguyên liệu phong phú. Đơn cử như mặt hàng gạo, trung bình mỗi năm Việt Nam xuất sang Philippines gần 600 triệu USD, tăng 169% về giá và 167% về lượng nhưng chủ yếu là xuất khẩu thô, giá trị gia tăng trong xuất khẩu những mặt hàng này còn thấp. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thời gian tới, Việt Nam là thị trường tiềm năng trong hoạt động đầu tư chế biến nông sản thực phẩm. Đồng thời, thị trường bán lẻ tại Việt Nam còn nở rộ với hàng loạt thương hiệu bán lẻ nổi tiếng khác đang dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam.

Theo bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, số lượng doanh nghiệp Philippines đầu tư vào Việt Nam hiện còn khá khiêm tốn. Kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam - Philippines mới đạt 3 tỷ USD vào năm 2014, tăng 3% so với năm trước đó. Trong đó, xuất khẩu Việt Nam sang Philippines hơn 2,3 triệu USD tập trung chủ yếu là các mặt hàng thủy sản, nông phẩm, máy móc thiết bị, điện thoại, sản phẩm cơ khí… Còn về dự án đầu tư của doanh nghiệp Philippines tại Việt Nam, tính đến tháng 6-2015, chỉ có 74 dự án với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam. Cụ thể, các dự án chế biến và chế tạo chiếm 71%, nông thủy hải sản chiếm 22%, dịch vụ bán lẻ chiếm hơn 2%…

Mở rộng cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư ngoại

Theo bà Lê Thị Phụng, Tổng lãnh sự Danh dự Philippines tại TPHCM, trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN sẽ hình thành vào cuối năm 2015, cơ hội hợp tác giao thương giữa các doanh nghiệp 2 nước nói riêng và các nước trong khu vực là rất lớn. Hiện doanh nghiệp Philippines đang có thế mạnh đầu tư sản xuất các ngành chế biến thực phẩm và hệ thống bán lẻ nhưng tại thị trường Việt Nam, doanh nghiệp Philippines chưa khẳng định được thế mạnh của mình. Do vậy, trong thời gian tới, cùng với sự hỗ trợ đầu tư từ Chính phủ 2 nước, doanh nghiệp Philippines sẽ đẩy mạnh đầu tư hoạt động những ngành này tại Việt Nam. Chia sẻ cơ hội đầu tư tại Việt Nam, đại diện Trung tâm xúc tiến đầu tư Bộ Kế hoạch và Đầu tư phía Nam cho biết, hiện nay chính sách thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được xem là hấp dẫn nhất trong khu vực. Doanh nghiệp đầu tư tùy theo loại hình hoạt động và địa điểm lựa chọn đầu tư mà doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ miễn hoặc giảm thuế nhập thiết bị phụ tùng, linh kiện, phụ kiện, dây chuyền sản xuất; ưu đãi chi phí thuê đất và thuế sử dụng đất; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp… Đặc biệt, mức ưu đãi sẽ còn cao hơn nếu doanh nghiệp lựa chọn đầu tư những ngành mà Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích như nhà máy sản xuất thiết bị công nghệ cao, sản xuất ngành công nghiệp phụ trợ, nguyên liệu cho các ngành dệt may, da giày, ô tô, linh kiện điện tử…; ngành chế biến nông sản, thủy sản. Hoặc doanh nghiệp chọn đầu tư tại các khu vực tỉnh thành còn khó khăn…

Không dừng lại đó, đại diện Bộ Y tế cho biết thêm, hiện 2 nước đã hoàn tất việc thương thảo mở rộng hợp tác quốc tế, thừa nhận lẫn nhau chứng nhận tiêu chuẩn kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này sẽ tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp 2 nước xúc tiến hợp tác và giao thương hàng hóa với nhau, nhất là tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp Philippines tham gia đầu tư vào lĩnh vực đang được Chính phủ Việt Nam khuyến khích là chế biến nông sản, thực phẩm.

Có thể nói, kể từ năm 2007 khi Việt Nam chính thức gia nhập hiệp định thương mại WTO và hiện nay là hàng loạt hiệp định thương mại mới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại Á - Âu, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc…, lượng vốn đầu tư nước ngoài không ngừng đổ mạnh vào Việt Nam. Ước tính hiện tổng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã đạt 71 tỷ USD. Trong đó, Hàn Quốc đang là quốc gia dẫn đầu với 39 tỷ USD, kế đến là Nhật Bản với 37 tỷ USD.

Ái Vân

Tin cùng chuyên mục