Phim tài liệu: Khó khăn ra rạp

Sau “hiện tượng” Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Lửa Thiện Nhân là bộ phim tài liệu thứ hai trong vòng 2 năm trở lại đây của điện ảnh Việt được công chiếu khá rộng rãi trên màn ảnh rộng. Niềm vui ấy không hề nhỏ nhưng để đến được với khán giả là cả hành trình gian truân.
Phim tài liệu: Khó khăn ra rạp

Sau “hiện tượng” Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Lửa Thiện Nhân là bộ phim tài liệu thứ hai trong vòng 2 năm trở lại đây của điện ảnh Việt được công chiếu khá rộng rãi trên màn ảnh rộng. Niềm vui ấy không hề nhỏ nhưng để đến được với khán giả là cả hành trình gian truân.

Sức hút từ Lửa Thiện Nhân

Phim tài liệu Lửa Thiện Nhân được công chiếu từ ngày 15-10 vừa qua đồng thời ở Hà Nội (rạp Ngọc Khánh) và TPHCM (Nhà văn hóa Điện ảnh Tân Sơn Nhất). Câu chuyện về cậu bé từng bị súc vật cắn mất chân và bộ phận sinh dục vào năm 2006 khi được tái hiện lại trên màn ảnh rộng khiến nhiều khán giả không kìm được nước mắt.   

Một cảnh trong phim Lửa Thiện Nhân

Tại TPHCM, theo một số nhân viên bán vé của Oriental Pictures (đơn vị sản xuất, phát hành bộ phim), trung bình mỗi ngày phim có từ 5 đến 7 suất chiếu, đặc biệt thứ bảy và chủ nhật luôn kín rạp dù giá vé ở mức 70.000 đồng, cao hơn giá trung bình 40.000 - 55.000 đồng/vé của cụm rạp này. “Các suất chiếu dù không kín ghế ngồi nhưng khán giả vẫn đến xem phim khá đều đặn. Phản ứng của khán giả sau mỗi buổi công chiếu rất tốt”, một nhân viên bán vé ở đây cho biết. Theo ghi nhận, đối tượng khán giả đến xem Lửa Thiện Nhân khá đa dạng, từ học sinh, sinh viên cho đến những người đi làm, đặc biệt là các gia đình gồm cả con nhỏ. 

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt sau khi theo dõi bộ phim đã có những dòng chia sẻ xúc động trên trang cá nhân: Có lẽ cũng lâu lắm rồi, tôi mới rơi nước mắt một cách rất tự nhiên khi ngồi xem một bộ phim ở trong rạp - mà lại là phim tài liệu. Lòng chùng xuống khi nghe câu đầu tiên Thiện Nhân nói với mẹ Mai Anh: “Lớn lên con sẽ chăm sóc mẹ!”.

Vũ Yến, phóng viên mảng thị trường của một tờ báo tại TPHCM có chung cảm xúc: “Đây là phim tài liệu đầu tiên khiến tôi gần như khóc từ đầu đến cuối. Cảm ơn đạo diễn Đặng Hồng Giang vì sự cẩn trọng, kỳ công trong từng chi tiết, hình ảnh để lan truyền sức sống, sự nhân hậu đến với mọi người”. 

Muôn vàn khó khăn

Mỗi năm, điện ảnh Việt vẫn sản xuất hàng chục bộ phim tài liệu nhưng chủ yếu để đi thi, còn việc ra rạp cạnh tranh với phim ngoại hay chính phim Việt rất khó khăn. Cuối năm 2014, các nhà làm phim tài liệu hân hoan khi Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng kể về hành trình của một đoàn hát đa phần là những người chuyển giới được chào đón nồng nhiệt. Phim tạo nên hiện tượng của phim Việt khi liên tục cháy vé trong thời gian ra mắt tại TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Theo thống kê, có 10.000 vé được tiêu thụ trong vòng 11 ngày trình chiếu tại TPHCM, cao điểm có đến 30 suất chiếu/ngày tại cụm rạp CGV Art House.  

Theo đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, tháng 6-2014 cô có mời diễn viên Hồng Ánh đến xem bộ phim hoàn chỉnh của mình tại Trường Đại học Hoa Sen (TPHCM). Chính diễn viên Hồng Ánh cùng hãng phim của mình quyết định hỗ trợ Thắm phát hành phim tại Việt Nam dù biết đó là việc làm “khó nhằn”. Tuy nhiên, quá trình thương thuyết với nhà phát hành CGV cũng thành công bởi ít nhất bộ phim cũng gây tiếng vang nhất định khi tham gia và có một số giải thưởng quốc tế.

Trong khi đó, đạo diễn Đặng Hồng Giang cho biết, sau 3 năm thực hiện Lửa Thiện Nhân, con đường ra rạp cũng không hề dễ dàng, thậm chí gặp nhiều thất bại. “Cách đây khoảng 3-4 tháng, có một bóng dáng gầy nhom đeo ba lô, lúc đi bộ, lúc đi xe ôm đến chỗ này, chỗ kia để mời người ta chiếu phim của mình. Rồi cả bạn bè cũng xúm vào giúp, hỏi han, nhờ vả giúp chỗ nọ, chỗ kia. Nhưng... chẳng một hồi âm. Chẳng cần xem phim, mặc dù tôi khát khao được người ta xem phim để lấy nội dung phim của mình mà làm bảo bối thuyết phục, nhưng có người nói thẳng với tôi rằng phim tài liệu phát vé mời người ta còn chẳng xem, huống gì bán vé, chiếu rạp. Tôi chỉ biết âm thầm tự nhủ - họ sai rồi”, đạo diễn Hồng Giang nói. Cuối cùng đạo diễn Đặng Hồng Giang đã mời được ông Đào Quốc Hùng, Viện trưởng Viện phim Việt Nam, xem và quyết định đưa phim về với 2 rạp chiếu của viện trình chiếu. Đạo diễn Đặng Hồng Giang cho biết sau 2 cụm rạp đầu tiên, phim được hệ thống rạp Platinum với 4 cụm rạp hiện đại ở Hà Nội và một ở Nha Trang hợp tác phát hành. Cụm rạp BHD tại TPHCM cũng đồng ý đưa phim đến với 3 rạp chiếu từ ngày 2-11 với trung bình 3-5 suất chiếu/ngày trong giai đoạn mở màn.  

Dù còn muôn vàn khó khăn nhưng những người tâm huyết như Nguyễn Thị Thắm hay Đặng Hồng Giang đều cho biết, họ vẫn quyết tâm bám trụ với phim tài liệu với niềm tin “cứ làm phim đàng hoàng tử tế, khán giả sẽ chấm công xứng đáng cho mình thôi”.

VĂN TUẤN

Tin cùng chuyên mục