“Bóng ma học đường” là bộ phim tết thứ 2 ra mắt báo giới và khách mời của Hãng LBT Entertainment, Galaxy, Digital Magic sau “Thiên sứ… 99” của Hãng phim Phước Sang. Một bộ phim gây bất ngờ sau hàng loạt phim tết thất bại của đạo diễn Lê Bảo Trung. Tại buổi chiếu ra mắt, bộ phim đã chiếm được cảm tình của khá đông người xem…
Dù được khoác lên mình “mác” phim về vấn nạn học đường, song thực chất đây vẫn là một bộ phim ma. Từ đầu đến cuối phim nói về những oan hồn chết do tự tử nên không thể siêu thoát. Một tên ma cổ trang (Hoàng Sơn) muốn xây dựng một đế chế riêng để tạo nên quyền lực và sức mạnh nên đã tự nhận mình là trùm ma và đi lôi kéo, dụ dỗ những con người đang trong tâm trạng thất vọng, chán đời tự tử để trở thành đệ tử của hắn.
Nhân vật nổi bật nhất trong câu chuyện này là một nhà văn nghèo với khát vọng sáng tác nên những tác phẩm văn học chân chính, sâu sắc. Tuy nhiên, những sáng tác ấy của ông không được các nhà xuất bản chú ý, họ muốn ông viết những câu chuyện rẻ tiền, câu khách, những truyện tình dục, truyện ma… Để mưu sinh, có tiền lo cho vợ con, nhà văn Nam Linh đã phải thỏa hiệp.
Thế nhưng, ngày ông cầm tiền về là ngày ông chứng kiến vợ mang theo con đến sống chung với một gã đàn ông giàu có, bán thân cho hắn để được cưu mang. Bất đắc chí, Nam Linh tìm đến cái chết và vô tình gia nhập đội quân của trùm ma…
Nhiệm vụ mà trùm ma giao cho các đệ tử của mình là đi “giết người”. Phát hiện đối tượng nào gặp bất hạnh trong cuộc sống, thấy bế tắc, không lối thoát, các con ma liền dùng năng lực của mình điều khiển đối tượng tiến nhanh hơn đến cái chết. Nam Linh cảm thấy đây là một công việc độc ác nên kiên quyết không làm. Thế nhưng, ông bị cảnh cáo và nhiệm vụ cụ thể mà trùm ma giao cho Nam Linh là đi giết cậu con trai của chính ông…
Điều khéo léo mà kịch bản phim ma này làm được đó là dẫn dắt câu chuyện đến một vấn đề đang gây bức xúc trong toàn xã hội: vấn đề bạo lực học đường.
Có nhiều nguyên nhân dẫn con người ta tìm đến với cái chết và một trong những nguyên nhân đó hoàn toàn có thể do những vấn nạn học đường như học sinh hành hung nhau dã man, sử dụng hung khí để sát thương bạn học, sỉ nhục bạn bè giữa chốn công cộng, xé quần, xé áo, quay clip tung lên mạng… Những nạn nhân là học sinh còn rất trẻ, cảm thấy nhục nhã, không thể kiềm chế mình và tự tìm đến cái chết.
Những con ma được đưa vào bối cảnh trường học với những vấn nạn như thế để thực hiện nhiệm vụ của mình. Đó chính là nguyên nhân mà câu chuyện được đi theo hướng mang đầy tính xã hội nóng bỏng.
Bên cạnh bạo lực học đường, yêu đương ở lứa tuổi học trò, những vấn đề liên quan như bi kịch gia đình, bạo hành trong gia đình… cũng được các nhà làm phim gửi gắm qua bộ phim. Các nhân vật như Thiên Kim (Trương Quỳnh Anh), Minh Quân (Wanbi Tuấn Anh) trước khi nghĩ đến cái chết đều là nạn nhân của một gia đình thiếu hạnh phúc, cha mẹ đổ vỡ, bị bạo hành bởi những người lớn như cha đẻ, cha dượng…
Phim còn tạo nên sự bức xúc bởi một thực tế, đó là suốt trong những bi kịch này không hề có sự xuất hiện của nhà trường, gia đình, của những người lớn (sự tác động duy nhất cũng chỉ là một hồn ma). Điều tưởng chừng phi lý lại là có lý trong đời sống thực, do đó nhận được sự đồng cảm của người xem.
Ngoài nội dung phim, với “Bóng ma học đường” không thể không nhắc đến kỹ thuật 3D. Hiệu ứng 3D trong phim dù chưa thể so sánh được với phim Mỹ song cũng khá thành công. Người xem cảm nhận và ấn tượng với những hình ảnh mà lần đầu tiên phim truyện Việt có thể làm được. Những hình ảnh ma quái rõ ràng tác động đến tâm lý người xem với công nghệ 3D.
Linh hồn của bộ phim là diễn viên Hoài Linh (vai nhà văn Nam Linh) đã mang đến xúc cảm bởi các tình huống hài hước có duyên cũng như những giây phút lắng đọng của tình phụ tử, trách nhiệm của một người lớn trong xã hội với vấn nạn mà con em mình đang trải qua.
Diễn viên Hoàng Sơn cũng thể hiện sự chuyên nghiệp trong diễn xuất. Các diễn viên trẻ trong phim cũng diễn xuất khá tròn vai, mặc dù không phải không có những hình ảnh trình diễn sự gợi cảm một cách cố ý của nhà làm phim để bộ phim hấp dẫn hơn…
Hà Giang