Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội: "Nếu tăng lương mà để tăng giá thì không có ý nghĩa"

Muốn cải cách chính sách tiền lương, Chính phủ phải tích cực tinh giản biên chế, cải cách bộ máy hành chính, đặc biệt là sắp xếp lại các đơn vị hành chính sự nghiệp theo hướng mau chóng chuyển sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Bên hành lang Quốc hội sáng 22-10, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi chia sẻ với phóng viên quan điểm cho rằng, đồng thời với cải cách chính sách tiền lương, Chính phủ phải tích cực tinh giản biên chế, cải cách bộ máy hành chính, đặc biệt là sắp xếp lại các đơn vị hành chính sự nghiệp theo hướng mau chóng chuyển sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm. 

Ngay trước đó, báo cáo trước Quốc hội về tình hình ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2020 sẽ dành 61.500 tỷ để cải cách tiền lương. Điều này có nghĩa là nếu được Quốc hội cho phép, từ ngày 1-7-2020, mức lương cơ sở sẽ được điều chỉnh tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng.

PHÓNG VIÊN: Ông nhìn nhận như thế nào về đề xuất tăng lương cơ bản lên 1,6 triệu đồng/tháng của Chính phủ?
ÔNG BÙI SỸ LỢI: Đề xuất tăng lương năm 2020 của Chính phủ rất phù hợp, trước hết là với nghị quyết của Quốc hội tới năm 2020. Năm ngoái chúng ta đã tăng lương 7%, năm nay, nếu mức tăng là 110.000 đồng thì tức là tăng 7,33%, đúng với tinh thần nghị quyết. Vấn đề là Chính phủ cân đối nguồn lực để tăng lương ở đâu, đó mới là vấn đề quan trọng.
Nếu ta tập trung để nâng được mức lương cơ sở vào năm 2020 thì chúng ta sẽ có cơ hội để cải cách tiền lương vào năm 2021 theo Nghị quyết của Trung ương.
Ông có thể nói cụ thể hơn về đổi mới hệ thống chính trị và đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập?
Như báo cáo của Chính phủ đã nêu, tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính sự nghiệp và các tổ chức chính trị xã hội rất chậm và hiệu quả chưa cao. Việc này tác động rất lớn đến chính sách cải cách tiền lương, nhất là năm 2021, theo Nghị quyết 27, bởi bộ máy quá cồng kềnh thì ngân sách không chịu nổi. Bộ máy lớn mà ta cứ cố cải cách tiền lương thì dẫn đến chuyện lạm phát tiền lương, vì tiền lương là giá trị chi trả sức lao động trên thị trường. Nếu anh tăng lương mà để cho giá tăng lên thì không có ý nghĩa.

Cho nên, tôi nghĩ nếu chúng ta muốn cải cách chính sách tiền lương, thì chỉ còn hơn 1 năm nữa thôi, Chính phủ phải tích cực tinh giản biên chế, cải cách bộ máy hành chính, đặc biệt là sắp xếp lại các đơn vị hành chính sự nghiệp theo hướng mau chóng chuyển sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Và phải hiểu đúng tự chủ ở đây là tự chủ cả tài chính, bộ máy, biên chế, lao động để cho người ta tự chủ lo lấy tiền lương. Còn nhà nước giao cho các đơn vị hành chính công lập nhiệm vụ gì thì nhà nước trả chi phí cho phần đó.

Ông đánh giá thế nào về khuyến cáo của Ủy ban Tài chính – Ngân sách rằng, tăng lương sẽ ảnh hưởng tới việc tăng chi thường xuyên, trong khi Nhà nước đang nỗ lực để giảm tỷ lệ chi này?
Đương nhiên tăng lương sẽ dẫn tới tăng chi thường xuyên. Tuy nhiên, việc tăng lương cũng là theo nghị quyết của trung ương, của Quốc hội để đảm bảo đời sống của người lao động.

Vấn đề cơ bản là Chính phủ phải điều hành kinh tế vĩ mô ra sao để không làm tăng chỉ số giá sinh hoạt CPI và tiếp tục tích cực cải cách bộ máy để giảm nhẹ biên chế và chuyển mạnh các đơn vị sự nghiệp công lập sang mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì mới có nguồn để cải cách tiền lương và mới giảm được chi hành chính, trong đó có chi ngân sách cho tiền lương.

Thẳng thắn mà nói, cho đến giờ phút này, theo báo cáo của Bộ Nội vụ và báo cáo của Chính phủ thì rõ ràng việc sắp xếp bộ máy hành chính nhà nước, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển đổi mô hình đang rất chậm so với yêu cầu.

Đáng ra đến năm 2020 ta phải giảm được mức trung bình 10%. Yếu tố quyết định là ta phải sớm sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập và mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì điều đó mới có tác dụng. Còn bộ máy nhà nước của ta có hơn 300.000 công chức, trong tổ chức đảng, tổ chức chính trị, như vậy là chiếm tỷ trọng không lớn trong dân số. Vấn đề là phải xử lý khu vực viên chức, vì đây là khu vực có đến 2,2 triệu người.

Như ngành y tế 2 năm giảm 25.000 biên chế, lập tức giúp tiết kiệm 2.100 tỷ tiền chi lương từ ngân sách. Làm như vậy rất hiệu quả. Vấn đề là phải quyết liệt lựa chọn, thực hiện việc này.

Vẫn theo tính toán của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, nếu thực hiện việc tăng lương sẽ phải dùng đến 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương, 40% nguồn tăng thu ngân sách trung ương của năm nay. Điều đó liệu có ảnh hưởng lớn tới phần chi cho đầu tư phát triển?
Điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đầu tư cho xây dựng cơ bản, hạ tầng cơ sở. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn nâng năng suất lao động, để việc sử dụng nguồn lao động cho hiệu quả thì nhất thiết phải tăng lương. Theo tôi trong giai đoạn hiện nay, đầu tư cho người lao động thông qua việc cải thiện tiền lương chính là đầu tư cho phát triển, thậm chí có ý nghĩa vô cùng quan trọng để tạo ra hiệu suất, hiệu quả công việc.  

Tuy nhiên, tôi nhắc lại, khi cải cách tiền lương chúng ta vẫn cần lưu ý, tiền lương của nhiều cơ quan, đơn vị đã đạt đến đỉnh cao của kế hoạch cải cách tiền lương vào năm 2021, chúng ta nói “tiền lương thấp” thì mới chỉ nói lương cơ sở và các loại phụ cấp rất cơ bản. Còn tổng thu nhập của người lao động, rất nhiều ngành nghề lĩnh vực và khu vực công chức đã cao hơn rồi. Có thể khi cải cách chính sách tiền lương, tất cả các nguồn ngoài lương đưa vào tiền cứng thì ta có thể thấy rằng có một số ngành lĩnh vực sẽ không thay đổi so với thực tế tiền lương thu nhập hiện nay.

Nếu không làm tốt công tác tư tưởng thì người ta cảm thấy có vẻ như cải cách tiền lương cũng không có thay đổi gì lớn. Dù sao thì mặt bằng chung về lương cán bộ, công chức, viên chức sẽ công khai và minh bạch hơn

Tin cùng chuyên mục