Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận: Bắt buộc nhà đầu tư xây dựng trường mầm non

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận: Bắt buộc nhà đầu tư xây dựng trường mầm non

“Thời gian qua, TPHCM đã dành nhiều sự quan tâm đến giáo dục nhất là đối với giáo dục mầm non, cụ thể là đã chỉ đạo kiên quyết để xây dựng 15 trường mầm non ở những phường, xã chưa có trường công lập. TP cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước giải quyết chế độ phụ trội cho giáo viên mầm non. Tuy nhiên, do áp lực dân số nên tốc độ xây dựng trường lớp không đáp ứng kịp nhu cầu” - đó là tâm sự của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận (ảnh) trong cuộc trao đổi với PV Báo SGGP về cách thức TPHCM giải quyết vấn đề nhức nhối: Thiếu chỗ học cho trẻ.

PV: Thưa ông, việc thiếu trường lớp chủ yếu tập trung ở nhiều khu dân cư mới và các KCX, KCN. Vậy làm sao để giải quyết vấn đề này?

* Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận: UBND TPHCM đã chỉ đạo các ngành tập trung đầu tư xây dựng các trường mầm non công lập tại các địa phương thực sự khó khăn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân công trình, để sớm giải quyết chỗ học cho học sinh ở những phường, xã chưa có trường mầm non công lập. Tuy nhiên, không thể cùng một lúc giải quyết được vấn đề trường lớp ở những khu vực dân cư mới, KCX, KCN vì ngoài trách nhiệm của nhà nước còn có trách nhiệm của những đơn vị đang sử dụng lao động mà có nơi lên đến hàng chục ngàn công nhân.
 
Trước đây, khi quy hoạch các KCX-KCN, TP luôn yêu cầu bố trí cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, trong đó có xây dựng các cơ sở giáo dục, y tế... Nhưng quá trình thực hiện có lúc buông lỏng kiểm tra, quản lý quy hoạch. Mặt khác, còn có trách nhiệm của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và xã hội. Điều 116 Bộ luật Lao động quy định: “Ở những nơi sử dụng nhiều lao động nữ, người sử dụng lao động có trách nhiệm giúp đỡ tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí cho lao động nữ có con ở lứa tuổi gửi trẻ, mẫu giáo”. Song tôi được biết ít có đơn vị doanh nghiệp thực hiện.

* Xin ông cho biết rõ hơn về kế hoạch cụ thể trong thời gian tới?

* Tôi đã đi thực tế ở các KCX, KCN và không thể nói là không còn đất để xây dựng trường lớp. Hiện nay mảng cây xanh và khoảng trống trong các khu này có nơi chiếm hơn chục ngàn mét vuông mà chỉ cần dành một phần diện tích dôi dư là giải quyết được hàng trăm chỗ học cho con em lao động. Tôi đã chỉ đạo Sở GD-ĐT phối hợp với Ban quản lý các KCX, KCN khảo sát và làm việc cụ thể với từng khu và doanh nghiệp để dành bớt diện tích này xây dựng nhà trẻ, trường mầm non. Chủ trương này sẽ thực hiện trong năm 2011.

* Thưa ông, phải làm gì trong bối cảnh Nhà nước chưa thể lo hết được cho giáo dục mầm non, trong khi doanh nghiệp không mặn mà đối với việc xây dựng trường vì thu hồi vốn chậm?

* Trong thực tế, số lượng các trường mầm non ngoài công lập chiếm gần 50% và việc đầu tư cho giáo dục không chỉ vì lợi nhuận mà còn là tâm huyết và tấm lòng của các nhà đầu tư. Ở các KCX, KCN thì đây còn là trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động. TP sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng trường học cho trẻ ngay tại chỗ để giảm bớt áp lực cho các khu vực dân cư vì tình trạng thiếu trường hiện nay tập trung chủ yếu ở các khu vực này. Đối với các dự án sắp xây dựng, UBND TP chỉ đạo kiên quyết và buộc các nhà đầu tư khi xây dựng các khu dân cư mới, KCX-KCN phải đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, trong đó không chỉ chú trọng xây dựng các cơ sở giáo dục mà còn phải có nhà văn hóa, y tế.

* TP vẫn còn hơn 100 trường có nhiều điểm nhỏ lẻ xuống cấp, gây nhiều khó khăn trong hoạt động giáo dục trẻ, nhiều quận huyện muốn thanh lý những điểm này để tái đầu tư xây dựng. Ông nghĩ sao về phương án này?
 
* Sau giải phóng, TP phải lấy nơi ở để làm chỗ học cho con em, do đó bên cạnh những ngôi trường đạt chuẩn, vẫn còn những ngôi trường có nhiều điểm lẻ nhỏ không đúng quy cách trường học. Lâu nay, TP đã có chủ trương bán điểm lẻ, hoặc hoán đổi vị trí để tăng chỗ học cho trẻ mầm non, tiến tới xây dựng hệ thống trường học đạt chuẩn. Tuy nhiên khi tiến hành làm không phải quận, huyện nào cũng có thể làm được vì có những nơi quỹ đất sạch không còn, điểm lẻ nhỏ hẹp không thể mở rộng thì rất khó làm.

Chính vì vậy, những nơi có thể thanh lý được thì tiến hành làm với điều kiện phải đảm bảo tăng chỗ học cho trẻ, còn nơi không thể áp dụng phương án này thì UBND các quận, huyện phải có những giải pháp tối ưu hơn.Biết rằng việc xây dựng mới trường học còn gặp không ít khó khăn, nhưng các sở - ngành chức năng cần phối hợp với các quận - huyện tập trung giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, bồi thường giải phóng mặt bằng, giải ngân… để đảm bảo đủ trường lớp và chỗ học tập cho con em nhân dân TP, kể cả con em người lao động nhập cư đang làm việc tại TP.

Tôi mong rằng các nhà đầu tư, phụ huynh học sinh cùng chia sẻ và góp phần với chính quyền TP giải quyết những khó khăn nhất thời hiện nay của ngành giáo dục không chỉ hướng đến mục tiêu phổ cập trẻ 5 tuổi mà còn phải giải quyết chỗ học tốt hơn, khang trang hơn cho mọi cấp học.

Tại các KCX-KCN, cần có những trường mầm non cho con em công nhân. Ảnh: L.LINH

Tại các KCX-KCN, cần có những trường mầm non cho con em công nhân. Ảnh: L.LINH

Học sinh Trường mầm non Khánh Hội (quận 4) trong giờ học làm quen với tiếng Anh. Ảnh: L.LINH

Học sinh Trường mầm non Khánh Hội (quận 4) trong giờ học làm quen với tiếng Anh. Ảnh: L.LINH

LÊ LINH

Tin cùng chuyên mục