Phố đi bộ Hà Nội - Chấn chỉnh các mặt tồn tại

Sau gần 10 ngày UBND TP Hà Nội thực hiện triển khai 16 tuyến phố đi bộ xung quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm, nhiều hộ kinh doanh trên các tuyến phố đi bộ lo lắng vì doanh số buôn bán giảm.

Sau gần 10 ngày UBND TP Hà Nội thực hiện triển khai 16 tuyến phố đi bộ xung quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm, nhiều hộ kinh doanh trên các tuyến phố đi bộ lo lắng vì doanh số buôn bán giảm.

Thưởng ngoạn hơn là mua sắm, ăn uống

Việc phố đi bộ đi vào hoạt động đã đem lại mặt tích cực như làm sống lại một số loại hình văn hóa dân gian; nhân dân phấn khởi vì có không gian đi bộ rộng, thoáng; hàng ngàn người đến với phố đi bộ, thu hút doanh thu “khủng” cho ngành du lịch.

Tuy lượng khách du lịch đến với phố cổ Hà Nội tăng lên nhưng khách mua hàng giảm mạnh. Chị Nguyễn Thu Hà, chủ cửa hiệu bán quần áo trên phố Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm, cho biết: “Việc cấm đường để thiết lập phố đi bộ khiến doanh thu cửa hàng của tôi giảm. Trước khi cấm mỗi ngày tôi bán được 30 sản phẩm, bây giờ số đó giảm một nửa”.

Bác Trần Thị Tâm, chủ cửa hàng bán bánh kẹo phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, chia sẻ: “Ban đầu tôi rất mừng khi có phố đi bộ, lượng khách đổ về nhiều hơn, tăng thêm cơ hội kinh doanh cho cửa hàng. Tuy nhiên, trái với điều tôi đã nghĩ trước đây, mỗi ngày tôi bán được 2-3 triệu đồng, nay chỉ còn 1 triệu đồng/ngày, thậm chí dưới 1 triệu đồng. Sắp tới Trung thu là thời điểm tốt để khách đến. Tôi rất lo, buổi tối khách có thời gian đi mua hàng, nhưng việc cấm đường, xe không vào tận nơi họ ngại đi bộ vào mua đồ”.

Phố Tạ Hiện, một con phố xưa nay nổi tiếng đông đúc bởi các dịch vụ ăn uống, thương hiệu “bia phố cổ”, nay các chủ cửa hàng cũng lắc đầu ngán ngẩm bởi lượng khách giảm. Chia sẻ với chúng tôi, chị Quỳnh Anh, quản lý một cửa hàng bia trên phố Tạ Hiện, nói: “Lượng khách không những không tăng mà còn giảm nặng nề. Trước đây, cuối tuần cửa hàng tôi đông nườm nượp khách vào uống bia, ngồi tràn ra vỉa hè. Nhưng 3 ngày cuối tuần vừa rồi lượng khách đã sụt giảm”.

Hàng rong, bãi xe tự phát

Lý giải tại sao có nghịch lý trên, chị Quỳnh Anh cho biết: “Do khu vực quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, Hàng Khay, Tràng Tiền, quảng trường Lương Văn Can có nhiều hoạt động văn hóa dân gian như múa lân, chơi cờ… thú vị, mới lạ nên thu hút du khách tham gia, họ ngại đi vào bên trong phố cổ. Ngoài ra, khách đến thưởng thức bia hơi phố cổ, họ thích ngồi vỉa hè, nay chính quyền giới hạn chiều dài vỉa hè cho mỗi cửa hàng để không ảnh hưởng đến việc tản bộ của người dân, nên hạn chế khách ngồi uống bia. Đó là nguyên nhân khiến lượng khách giảm”.

Bên cạnh đó, lượng khách đổ về phố đi bộ đông, nên các bãi gửi xe do nhà nước quản lý không đáp ứng đủ, các bãi xe tự phát mọc lên, giữ xe với giá cao từ 20.000 - 50.000 đồng/xe, nhiều người ngại gửi với giá vé cao để vào mua hàng. Rồi các hàng bán đồ ăn dạo, tự phát quanh bờ hồ Hoàn Kiếm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hộ kinh doanh bên trong. Kéo theo đó là tình trạng xả rác bừa bãi.

Chiều 8-9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, Trưởng ban Chỉ đạo không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, đã ký văn bản nêu rõ: Để thực hiện Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 24-8-2016 của UBND TP về tổ chức triển khai thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, sau tuần đầu tiên thực hiện, ban đầu đạt một số kết quả khả quan, tuy nhiên tồn tại một số hạn chế.

UBND TP Hà Nội yêu cầu Công an TP Hà Nội, phối hợp với Sở GTVT cho Đoàn Thanh niên Bộ Tư lệnh Thủ đô, Đoàn thanh niên Công an TP Hà Nội tổ chức trông giữ xe trước 14 giờ ngày 9-9. Đồng thời, UBND TP Hà Nội giao cho UBND quận Hoàn Kiếm kiểm soát từ bên ngoài ngăn chặn bán hàng rong. Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội tăng cường thêm các lực lượng thu gom rác.

MINH TUYẾT

Tin cùng chuyên mục