Đây là một con phố cổ, lòng đường rất hẹp, hè phố cũng vậy. Tất cả những “ngôi nhà có tuổi” - Hạnh gọi như vậy - đều đã được xây dựng trên nửa thế kỷ, chúng không được phép sửa sang gì nhiều, mặc dù một số nhà cũng thức đêm thức hôm tranh thủ cơi nới tí ban công, hay lắp mấy tấm kính vào cửa sổ cho đỡ bụi. Có một khoảng không gian rất hẹp, cao hơn mặt phố ba mét, đó là nơi mà Hạnh, chồng Hạnh, hai đứa con dùng làm nơi ngủ và Hạnh cũng làm việc ở đây. Cuộc sống của hai vợ chồng, hai đứa con trong thời buổi mọi thứ đều đắt đỏ, đồng tiền vào túi thì khó, ra khỏi túi thì níu không kịp, thực sự là không đơn giản. Nhìn hai mắt trũng sâu của chồng Hạnh thấy đứt từng khúc ruột. Ngược lại, chồng Hạnh mỗi lúc nhìn cô đi làm về chưa kịp thay quần áo đã tất bật việc nhà lại thở dài: “Giá mà có điều kiện anh thuê cho em một đứa ô sin, nó đỡ cho”.
Đôi khi chồng đi làm về muộn, các con ăn xong, nô đùa chán cũng lăn ra ngủ, còn lại một mình, Hạnh lại ra ban công. Hình dung đến cảnh chồng đang cặm cụi bên máy ở cơ quan, hai mắt trũng sâu, bụng réo ù ù mà ứa nước mắt. Giá mà mình giàu có hơn một chút, giá mà mình được ở một căn nhà rộng hơn thế này chút nữa, giá mà mấy đứa em cô em chú không thất nghiệp chạy quanh, giá mà... Cảm giác nghẹn tức ứ lên trong ngực, phải thở ra một hơi dài thật dài mới đỡ. Dưới đường tắc xi vẫn chạy đến rồi chạy đi, cửa quán karaoke mở ra rồi đóng lại, mấy cô gái rất trẻ thỉnh thoảng ló ra lại thụt vào...
Có tiếng đập vào cửa sắt dưới nhà, Hạnh lắng nghe, không ai mở cửa. Chắc lũ em lại kéo nhau đi chơi hết rồi. Hạnh xuống cầu thang. Cầu thang vừa hẹp vừa tối, nhưng nó chỉ có đúng mười tám bậc nên Hạnh đi theo thói quen rất dễ dàng. Người gõ cửa là Phương. “Có chuyện gì thế cô Phương?”. “Em chả ngủ được, định sang chơi với thằng Tí một lúc”. “Cháu nó ngủ rồi, nhưng cô cứ vào đây, nhà tôi đi làm vẫn chưa về”. “Thôi, thế thì em về”. “Mai chủ nhật tôi bảo cháu sang cô chơi”. “Thật chị nhé”. Phương vui vẻ hẳn lên, cẩn thận kéo cửa cho Hạnh rồi mới quay lưng, còn vẳng lại giọng hát như hụt hơi, một bài hát về tình yêu, hát hò gì mà cứ ôi tình yêu, ôi tình yêu.
Phương chưa chồng, ba hai rồi, làm ở công ty công viên cây xanh, quanh năm mặc một thứ quần áo xanh không ra xanh, trắng không ra trắng, ở nhà thì quần soóc thật ngắn, áo hai dây màu cháo lòng. Thỉnh thoảng Hạnh bảo nhỏ: “Con gái chưa chồng thì phải chịu khó ăn diện một tí, son phấn một tí, đàn ông người ta nhìn đỡ chán mắt”. “Ôi dào, em chả cần, đàn ông bây giờ nhìn vào thu nhập hàng tháng chứ nhìn gì vào quần áo. Em thì mỗi tháng vài trăm ngàn, không ai lấy đâu chị ạ”. Thằng em Phương thì bảo: “Hâm rồi, càng ngày càng hâm, ở vậy thôi chứ lấy ai, ai lấy?”.
Phương rất quý thằng Tí, hễ rỗi rãi là gọi thằng Tí sang nhà, cho ăn đủ thứ làm Hạnh phát sốt ruột. Nhưng không nỡ dứt thằng Tí ra, hình như Phương thèm một đứa trẻ, mà thôi, Hạnh cũng chẳng dám suy diễn. Mỗi lúc đưa thằng Tí về, Phương lại bảo Hạnh: “Như chị thật là sướng, hai đứa con vừa xinh đẹp vừa thông minh, lại ngoan ngoãn, chồng thì chăm chỉ, yêu thương vợ con. Nhất chị đấy, làm đàn bà chỉ cần thế thôi là quá đủ rồi”. Hạnh chỉ cười.
Khuya lắm chồng Hạnh mới về, Hạnh lọ mọ hâm lại thức ăn cho chồng. Cả hai vợ chồng đều rón rén, cái bát đôi đũa cũng không để chạm mạnh vào mâm. Lát nữa, ăn xong chồng Hạnh sẽ lăn ra ngủ lấy sức, Hạnh lại ngồi xuống trước máy. Nhưng vừa rửa bát Hạnh lại vừa nghĩ, đêm nay, có thể Hạnh sẽ nghỉ viết, để đấm lưng cho chồng.
Chồng Hạnh đứng phía sau từ bao giờ, vòng tay ôm lấy bụng vợ, lại nắn nắn mấy cái xương sườn hơi nhô lên:
– Em phải tính xem ăn uống bồi bổ thế nào chứ, gầy quá!
– Ối cô chưa chồng mong được gầy thế này đấy, anh không biết à. Ở cơ quan em ấy, mấy bà béo còn tốn tiền đi hút mỡ kia.
– Lại AQ rồi. Anh thì chỉ lo cho sức khỏe của em thôi.
Hạnh làm động tác khuỳnh tay như vận động viên thể hình làm chồng phì cười.
Sau một hồi im lặng, chồng Hạnh nói nhỏ như muốn Hạnh không nghe thấy thì càng tốt:
– Có khi mai anh đi đăng báo rao bán nhà em ạ.
Chiếc bát trên tay Hạnh rơi tõm xuống chậu rửa bát, nước lẫn bọt bắn tung tóe. Bất giác Hạnh nhìn ra phía cái thùng các tông, trong đó vẫn còn mấy mảnh vỡ từ con khỉ vàng đựng tiền mừng tuổi của thằng Tí.
Hạnh gục đầu vào vai chồng.
Trời đã về sáng rồi. Chỉ một chốc nữa thôi, xe cộ sẽ nườm nượp qua lại, hàng cơm bụi bên phía đối diện sẽ mở cửa, rồi mấy đứa choai choai sẽ mang hết xô chậu rổ rá ra vỉa hè để nhặt rau, mổ cá, thịt gà… chuẩn bị cho một ngày phục vụ thực khách. Chưa bao giờ Hạnh muốn kéo dài một đêm như đêm này. Chồng Hạnh lần tìm tay vợ, nắm chặt lấy, như sợ đột nhiên Hạnh chạy ra khỏi cái tổ chim này trước khi anh bán mất nó. Hạnh níu lấy tay chồng. Cái níu tay trong bóng tối ấy dường như đã khiến cho nỗi sợ hãi nãy giờ vẫn khiến Hạnh bải hoải đang tan dần đi. Dưới nhà có tiếng kẹt cửa, tiếng thằng út khe khẽ, chắc nói với cô người yêu ngày nào cũng đưa nó về tận nhà bằng xe đạp:
– Về đi. Cẩn thận nhé! Mai anh qua.
Ừ, mai nó sẽ qua, Hạnh biết nhất định thế. Cho dù cái nhà này còn hay không, cho dù mấy anh chị em tiếp tục sống bằng cách nào, thì nó cũng sẽ qua cái nhà trọ ngoài bãi Phúc Xá của con bé. Cả mấy anh em trai của chồng Hạnh đều giống nhau ở chỗ lụy tình đến lạ, có thể không chết vì đói, nhưng rất dễ chết vì tình.
Hạnh lần xuống cầu thang, hỏi:
– Có đói không, chị nấu mì tôm nhé!
Thằng bé cười khì khì:
– Chỉ có chị là hiểu em nhất. Chị cho nhiều nước nhé, em trộn thêm cơm nguội.
Thằng bé vòng tay ôm lấy eo Hạnh, dụi dụi đầu vào vai chị như ngày xưa nó vẫn làm thế với mẹ. Hạnh cốc vào đầu nó. Tự dưng thấy nhẹ nhõm như vừa vứt đi được một gánh nặng ghê gớm.
ĐỖ BÍCH THÚY