Sau mô hình đường sách cố định đã được triển khai bước đầu thành công tại TPHCM, đề án phố sách cố định ở Hà Nội cũng được Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Hà Nội đề xuất và nhận được sự nhất trí về chủ trương của lãnh đạo TP Hà Nội. Theo đó, nếu đề án triển khai đúng tiến độ thì tháng 12 tới sẽ có riêng một con phố với không gian đặc biệt của sách ở giữa thủ đô Hà Nội.
Dấu ấn riêng
Theo lãnh đạo Sở TT-TT Hà Nội, đơn vị xây dựng đề án này, sau nhiều lần khảo sát, cân nhắc, Phố 19 Tháng 12 (trước đây còn có tên gọi dân dã là chợ Âm phủ) đã được chọn để xây dựng phố sách. Phố này dài khoảng 200m, nằm cạnh Tòa án Nhân dân TP Hà Nội, nối giữa hai phố Hai Bà Trưng và Lý Thường Kiệt. Sau khi chợ Âm phủ được giải tỏa, địa điểm này được tận dụng làm bãi giữ ô tô của thành phố. Việc biến nơi này thành một phố sách cố định được đánh giá cao bởi những giá trị lịch sử sẵn có ở nơi đây. Phố sách có thể kết hợp với việc xây khu tưởng niệm những người đã ngã xuống khi bảo vệ thủ đô để tạo thành một quần thể văn hóa - lịch sử giàu ý nghĩa.
Theo đề án đã được phê duyệt, khi xây dựng phố sách sẽ cân nhắc thiết kế các hộp sách gắn tường, đáp ứng các tiêu chí: Phù hợp với cảnh quan đô thị, có không gian văn hóa, diện tích dành cho độc giả; có các gian hàng sách gắn với các hoạt động giao lưu, tọa đàm, giới thiệu sách và phục vụ các nhu cầu của nhân dân khi đến với phố sách.
Cần có không gian dành riêng cho văn hóa đọc ở thủ đô
Phố sách - một không gian dành riêng cho sách hiện đang nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân Hà Nội. Chị Nguyễn Thị Thanh, giáo viên ở Long Biên, cho biết Hà Nội cũng có một số địa điểm bán sách lâu năm, nhiều nhà cùng tụ lại với nhau tạo thành phố sách, nhưng đó chỉ là hoạt động mang tính tự phát nên việc tổ chức, quản lý chưa khoa học; chưa được sắp xếp, thiết kế cảnh quan riêng theo phong cách văn hóa. Thêm nữa, do không có sự quản lý bài bản nên chính địa điểm này đôi lúc đã bị lợi dụng để trở thành điểm tiêu thụ sách in lậu khiến không chỉ các nhà xuất bản (NXB) mà người yêu sách cũng cảm thấy bất bình. Vì thế, khi có thông tin Hà Nội sẽ có xây dựng một phố sách quy củ, bài bản, mang dấu ấn riêng của văn hóa thủ đô đã được người dân háo hức chờ đợi.
Cần quảng bá và kết nối
Ông Nguyễn Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội, chia sẻ: Quan trọng nhất là phải chọn đúng địa điểm, phố sách - một không gian văn hóa phải đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân và du khách. Kế đến cần huy động kinh phí xây dựng phố sách từ nguồn vốn xã hội hóa của chính các NXB, phát hành. Đẩy mạnh các nội dung để thu hút bạn đọc đến với phố sách, đặc biệt là xây dựng được những chương trình hoạt động riêng, có tính tương tác để thu hút độc giả bởi đây không chỉ là nơi bán sách mà còn là không gian tôn vinh văn hóa đọc. Ngoài việc tăng cường sự phát triển của ngành xuất bản, phố sách cũng mở ra không gian thư giãn, văn hóa, còn góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, hình thành thêm một điểm sáng văn hóa - du lịch nâng cao dân trí, phục vụ cộng đồng.
Chia sẻ về phố sách ở Hà Nội, ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc - Tổng biên tập NXB Văn học, cũng bày tỏ nhiều kỳ vọng vào một sân chơi mới cho những người yêu sách, cho các đơn vị xuất bản và phát hành sách. Tuy nhiên, theo ông Vũ, để “sân chơi” tồn tại bài bản, chuyên nghiệp thì cần nhiều giải pháp để vừa thỏa mãn nhu cầu giao lưu, quảng bá về văn hóa đọc nhưng vẫn đem lại doanh thu cho những người tham gia.
Ông Nguyễn Anh Vũ phân tích, sở dĩ phố sách Đinh Lễ mặc dù có nhiều mặt chưa tích cực nhưng đây thực sự là một hiện tượng, một điểm nhấn đối với sách bởi không gian ấy thỏa mãn tâm lý thích sự gần gũi, dân dã... kiểu như văn hóa chợ cóc, hàng rong của người Việt. Không chỉ người Hà Nội mà những người làm sách, yêu sách ở các tỉnh khi có nhu cầu về trao đổi, mua bán sách thường tìm đến phố Đinh Lễ. Vì thế, ông Vũ mong muốn phố sách cố định dự kiến xây dựng ở phố 19 Tháng 12 tại thủ đô cũng sẽ được xây dựng trên nền tảng của sự văn hóa, văn minh và thân thiện ấy.
Cũng như nhiều đơn vị làm xuất bản khác, đại diện NXB Kim Đồng cho rằng, phố sách thực sự là một địa chỉ văn hóa, một nét đẹp trong đời sống tinh thần của người dân thủ đô. Tuy nhiên, cần phải có sự giao lưu, kết nối và quảng bá chuyên nghiệp của riêng phố sách để có thể lan tỏa tình yêu với sách, đưa văn hóa đọc đến gần gũi với đông đảo độc giả.
MAI AN