Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Quản lý chặt quy trình xả lũ hồ thủy điện

Sáng 19-11, đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đã có chuyến kiểm tra chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả tại Quảng Nam. Cùng đi có Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Quản lý chặt quy trình xả lũ hồ thủy điện
  • TPHCM chia sẻ với người dân vùng lũ Quảng Ngãi
  • Nam Trung bộ: Lũ lại bao vây

(SGGP).- Sáng 19-11, đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đã có chuyến kiểm tra chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả tại Quảng Nam. Cùng đi có Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương.

Chia sẻ những thiệt hại mà tỉnh gánh chịu trong cơn lũ vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu tỉnh Quảng Nam tiếp tục hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại, tuyệt đối không để người dân thiếu đói, bị bệnh sau lũ. Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Quảng Nam lưu ý quản lý chặt chẽ quy trình xả lũ các hồ thủy điện trên địa bàn. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý hỗ trợ trước mắt cho tỉnh Quảng Nam 30 tấn gạo và 30 tỷ đồng để khắc phục hậu quả lũ lụt.

Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác Chính phủ đã kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Ông Trương Ngọc Nhi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, các đợt mưa lũ trong tháng 11-2010 toàn tỉnh đã có 11 chết, 1 người mất tích, 32 người bị thương. Tổng thiệt hại ước tính lên đến trên 440 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân chết trong đợt mưa lũ, đồng thời yêu cầu tiếp tục làm tốt công tác khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân sau lũ, hỗ trợ các gia đình có người thiệt mạng, bị thương, tái định cư ổn định tại chỗ ở cho các hộ dân ở 2 làng chài bị sạt lở thôn Phước Thiện (xã Bình Hải) và Sơn Trà (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn)... Trung ương sẽ sớm hỗ trợ tỉnh gạo, cùng giống cây trồng phục hồi sản xuất, đồng thời tổng hợp cùng các tỉnh, thành khác ở miền Trung để có hỗ trợ về kinh phí khắc phục hậu quả hạ tầng giao thông, công trình thủy lợi.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà (đứng giữa) ân cần hỏi thăm bà con vùng lũ Bình Đông. Ảnh: HÀ MINH

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà (đứng giữa) ân cần hỏi thăm bà con vùng lũ Bình Đông. Ảnh: HÀ MINH

Ngày 19-11, thay mặt Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN TPHCM, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà đã đến xã Bình Đông, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) trao 200 suất quà cho 200 hộ dân bị thiệt hại về nhà cửa, hoa màu do đợt lũ từ ngày 15 đến 17-11, mỗi suất gồm 500.000 đồng tiền mặt và hàng hóa trị giá 200.000 đồng.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ: “Hơn một tháng qua, miền Trung chịu nhiều mất mát, đau thương. Người và tài sản bị nước lũ cuốn trôi, nhấn chìm. Thành ủy, HĐND, UBND, MTTQVN TPHCM xin chia sẻ những khó khăn, vất vả mà người dân vùng lũ miền Trung nói chung, Quảng Ngãi và xã Bình Đông nói riêng đang phải gánh chịu. Với tinh thần tương thân tương ái, Đảng bộ và nhân dân TPHCM luôn hướng về những người dân vùng lũ miền Trung, Quảng Ngãi với sự cảm thông sâu sắc.

Ngoài tặng bà con 200 phần quà, Thành ủy TPHCM đã tặng Quảng Ngãi 1 tỷ đồng, với mục đích chung tay cùng lãnh đạo địa phương hỗ trợ, giúp đỡ người dân vùng lũ sớm dựng lại nhà cửa, mua sắm vật dụng bị nước lũ cuốn trôi… để bà con sớm ổn định cuộc sống”.

Ngày 19-11, Báo SGGP phối hợp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) Chi nhánh Nghệ An tổ chức trao quà hỗ trợ cho đồng bào vùng lũ tỉnh Nghệ An. Đoàn đã trực tiếp tới thăm hỏi và trao 400 suất quà (mỗi suất trị giá 500.000 đồng) cho đồng bào vùng lũ 2 xã Hưng Thắng và Hưng Mỹ (huyện Hưng Nguyên).

Theo di nguyện của bà Lê Thị Hương (ngụ 81 Trần Tuấn Khải, phường 5, quận 5, mất ngày 31-10, thọ 70 tuổi), ngày 19-11, đại diện gia đình đã đến Báo SGGP tặng số tiền 30 triệu đồng (được trích từ tiền phúng điếu đám tang của bà Lê Thị Hương) giúp đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt.

Được biết, cũng từ tiền phúng điếu, gia đình bà đã tặng 100 phần quà trị giá 35 triệu đồng cho 100 hộ nghèo ở xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang - quê hương của bà Hương. Cũng theo nguyện vọng của bà, gia đình đã liên hệ với chính quyền địa phương xã Bình Thạnh Đông tiến hành xây dựng bệnh xá với kinh phí khoảng 1 tỷ đồng - đây là tiền tiết kiệm của bà Hương để lại.

Nam Trung bộ: Lũ lại bao vây

(SGGP).- Theo tin từ Đài khí tượng - thủy văn khu vực Trung Trung bộ, đến chiều 19-11, trong khi lũ rút ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định thì lại dâng cao ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Tây Nguyên. Nước lũ đang ở mức rất cao, có nơi trên báo động 3 đến 1m (Khánh Hòa). Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng, các tỉnh Nam Trung bộ phải hứng chịu 2 đợt lũ lớn, làm cho hàng chục ngàn nhà dân tiếp tục bị nhấn chìm.

Chiều 19-11, hầu hết các xã phía Đông các huyện Tuy Phước, Phù Cát, An Nhơn, Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) vẫn còn ngập trong lũ, có nơi ngập sâu 0,5 - 1m. Đặc biệt, xã miền núi Canh Liên (huyện Vân Canh) đã bị cô lập từ ngày 11-11 đến nay, cuộc sống của đồng bào địa phương gặp nhiều khó khăn.

Chủ tịch UBND xã Canh Liên Đinh Văn Bưởi cho biết, do tuyến đường độc đạo nối xã Canh Liên với các xã còn lại của huyện Vân Canh đã sạt lở hơn 3 km tại khu vực dốc Dài nên giao thông ách tắc hoàn toàn. Do bị cô lập nên thực phẩm tại Canh Liên đang khan hiếm, giá cả tăng và người dân hoàn toàn phải tự cung tự cấp. Hiện toàn xã có 297 hộ/1.182 nhân khẩu đang cần cứu trợ lương thực khẩn cấp. Riêng 4 làng KBưng, KBông, Cát, Chồn mưa lũ làm tắc đường, cô lập với phần còn lại của xã Canh Liên gần một tháng nay.

Ngày 19-11, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã có công điện khẩn yêu cầu các ban, ngành, địa phương… triển khai khẩn cấp các phương án phòng chống lũ. Các tuyến đường ở các xã phía Đông huyện Tuy An vẫn tiếp tục bị ngập sâu trong lũ. Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện Tuy An bố trí người theo dõi hai điểm sạt lở trên và điểm sạt lở tại xã An Lĩnh, đồng thời sẵn sàng sơ tán người dân tại những điểm sạt lở này đến nơi an toàn nếu có mưa lớn xảy ra.

Trưa 19-11, trên địa bàn xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) xảy ra một trường hợp chết người do bị nước lũ cuốn trôi. Nạn nhân là anh Huỳnh Kim Anh (sinh năm 1963, ở phường 1, TP Tuy Hòa), giáo viên Trường THCS Trần Phú. Vào thời điểm trên, thầy Huỳnh Kim Anh đang trên đường từ nhà đến trường để dạy tiết đầu tiên, khi qua cầu Quan Quang (thôn Xuân Hòa, xã Hòa Kiến) đã bị nước lũ cuốn trôi. Đến 14 giờ cùng ngày đã tìm thấy thi thể của nạn nhân.

Cùng ngày, một lượng đất đá lớn tiếp tục ập xuống nhà một số hộ dân ở xã Trà Mai, huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, làm hư hỏng nhà cửa, vùi lấp nhiều tài sản của người dân. Trước đó, sạt lở núi cũng vùi lấp 10 ngôi nhà ở khu vực này. Hiện nay vẫn còn hơn 25 hộ gia đình cùng hàng ngàn học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện và trường trung học phổ thông có nguy cơ bị đất đá vùi lấp. Ngọn núi nằm phía taluy dương khu dân cư đã nứt và đang sạt lở dần, trong đó có nhiều vết nứt rộng hơn 20cm, dài hàng chục mét. Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Nam Trà My vẫn còn 10 xã bị cô lập hoàn toàn.

Từ tối 18 và 19-11, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có mưa khá lớn kéo dài. Lượng mưa đo được tại huyện Ninh Hòa gần 100mm, do đó mực nước tại sông Dinh của huyện Ninh Hòa đang lên dưới mức báo động 2. Theo Trung tâm Khí tượng - thủy văn Trung ương, nếu tối nay và sáng mai (20-11) trời tiếp tục có mưa, nước trên các sông tại Khánh Hòa sẽ dâng nhanh: sông Dinh – Ninh Hòa đạt 5,7m (trên báo động 3 0,2m), sông Cái – Nha Trang tại trạm Đồng Trăng đạt 9m (dưới báo động 2 0,5m).

Nhóm PV

- Thông tin liên quan:

>> Trung Nam bộ: Lũ tiếp tục lên, căng thẳng với sạt lở đất

>> Miền Trung: Tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt

>> Miền Trung: Lũ còn cao ở một số huyện thuộc Bình Định và Phú Yên

Tin cùng chuyên mục