(SGGP).- Ngày 2-4, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức hội nghị toàn quốc về việc xử lý doanh nghiệp (DN) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ. Tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải khẳng định: 8 năm là khoảng thời gian mà các tỉnh thành thực hiện xử lý triệt để DN gây ô nhiễm nghiêm trọng theo Quyết định 64. Thế nhưng, cho đến nay vẫn còn 101/423 DN gây ô nhiễm nghiêm trọng chưa xử xong, chiếm 23%. Trong đó, đặc biệt có 4 địa phương, số lượng DN gây ô nhiễm nghiêm trọng tồn đọng trên 50%.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến khẳng định, giai đoạn 1 (2003 - 2011), trên cả nước thống kê có 439 DN gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải xử lý triệt để hoặc di dời khu vực sản xuất tập trung. Con số này sau đó được bổ sung thêm thành 528 DN. Các DN này đều có mức độ gây hại cho môi trường rất nghiêm trọng nhưng việc di dời cho đến nay vẫn chưa thể hoàn tất. Đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện tại trên địa bàn tỉnh còn 2 đơn vị gây ô nhiễm nặng, nước thải ô nhiễm đang chảy ra sông suối. Còn chất thải phát sinh từ hoạt động khai thác than cũng tồn đọng rất nhiều mà chưa có biện pháp nào xử lý triệt để. Tương tự, tại TPHCM, có 37 DN nằm trong Quyết định 64 của Thủ tướng nhưng hiện còn 6 DN chưa khắc phục tình trạng này. Tỉnh Bình Dương cũng còn 8/112 DN đã có đầu tư khắc phục nhưng chưa đạt yêu cầu.
Lý giải cho những tồn tại trên, hầu hết các tỉnh thành đều cho rằng việc xử lý những DN gây ô nhiễm trên gặp rất nhiều khó khăn. Nổi cộm nhất là vốn tái đầu tư, địa điểm di dời.
Với những DN không di dời thì lại gặp khó khăn trong việc thiếu diện tích đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nhất là những DN nhà nước, công ích. Không chỉ vậy, công nghệ xử lý chất thải cũng là một trong những rào cản lớn khiến nhiều DN không thể khắc phục ô nhiễm. Tuy nhiên, theo ông Bùi Cách Tuyến, ngoài những nguyên nhân khách quan trên thì tồn tại không ít nguyên nhân chủ quan như chủ DN trốn tránh trách nhiệm bảo vệ môi trường nhằm giảm chi phí sản xuất; chỉ đầu tư hệ thống xử lý chất thải nhưng ở mức tối thiểu nhằm đối phó với cơ quan chức năng nên chất lượng sau xử lý không đạt…
Kết thúc giai đoạn 1 chỉ còn hơn 101 DN chưa khắc phục triệt để. Tuy nhiên, danh sách DN gây ô nhiễm cần xử lý triệt để thống kê giai đoạn 2 lại là 3.600 DN.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, cho đến nay sau hơn 8 năm triển khai mà vẫn tồn đọng những DN chưa thể giải quyết là quá chậm. Ngoài ra, danh sách mới thống kê cho thấy có 3.600 DN gây ô nhiễm phát sinh cần xử lý giai đoạn 2 là quá nhiều. Điều này chứng tỏ công tác quản lý bảo vệ môi trường của các địa phương vẫn còn nhiều bất cập.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 không còn DN gây ô nhiễm nghiêm trọng, Phó thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải kiểm điểm đánh giá lại công tác quản lý môi trường của mình. Việc xử lý DN vi phạm không dừng ở nhắc nhở mà cần phải xử lý thật nghiêm. Đồng thời, công khai thông tin lên phương tiện truyền thông, tạo áp lực từ phía cộng đồng, huy động cộng đồng giám sát để DN không thể trốn tránh nghĩa vụ bảo vệ môi trường của mình. Tránh tình trạng sau kiểm tra, DN lại tiếp tục gây ô nhiễm.
Ngoài ra, yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với cơ quan chức năng liên quan thực hiện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường các DN, xử lý chủ DN vi phạm cần mở rộng thêm trách nhiệm đơn vị chủ quản; tăng cường đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng lực quản lý đội ngũ cán bộ môi trường; xây dựng chương trình chiến lược quốc gia về quản lý môi trường. Về phía địa phương, cần nhanh chóng thành lập quỹ bảo vệ môi trường để tạo điều kiện về vốn cho DN cần khắc phục ô nhiễm, nhất là DN thuộc nhà nước.
Ái Vân