Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: “Không để thiệt hại kép, hết chống bão lại lo chống dịch”

Chiều 23-9, áp thấp nhiệt đới ở Biển Đông đã bất ngờ mạnh lên thành cơn bão số 6. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã chủ trì cuộc họp trực tuyến để triển khai nhiệm vụ khẩn cấp ứng phó bão số 6. 
Áp thấp nhiệt đới đã mạnh thành bão số 6 và vị trí bão số 6 lúc 16 giờ chiều 23-9

Do áp thấp nhiệt đới bất ngờ mạnh lên thành bão, di chuyển với tốc độ nhanh, chiều 23-9, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các thành viên, bộ ngành liên quan và lãnh đạo UBND các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… để triển khai nhiệm vụ khẩn cấp ứng phó bão số 6. 

Chiều 23-9, áp thấp nhiệt đới ở Biển Đông đã bất ngờ mạnh lên thành cơn bão số 6. Cập nhật đến chiều tối 23-9 từ Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia cho biết, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm cơn bão này đạt cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10 với bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão. 

Dự báo nửa đêm về sáng 24-9, bão số 6 sẽ đi vào đất liền thuộc khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi, rồi suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến chiều 24-9, vùng áp thấp sẽ nằm trên khu vực Nam Lào. 

Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia Mai Văn Khiêm báo cáo tại cuộc họp chiều 23-9

Tại cuộc họp, TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia báo cáo, chiều 23-9, do ảnh hưởng của bão số 6, tại trạm đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; ở khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định đã có mưa to đến rất to với lưu lượng 50-100mm, có nơi trên 150mm.

Ảnh vệ tinh của bão số 6 vào tối 23-9 với đĩa mây rộng cho thấy nguy cơ mưa to

Dự báo ngày 24 và 25-9, bão số 6 sẽ tiếp tục gây mưa vừa đến mưa to (có nơi trên 250mm) tại khu vực từ Nghệ An, Hà Tĩnh đến Tây Nguyên; khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng có nguy cơ ngập lụt; nhiều nơi lũ lên trên sông, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, nhất là ở khu vực phía Tây của Trung Trung bộ do những ngày qua những nơi này đã có mưa to với lưu lượng 100-500mm.  

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhận xét, đây là cơn bão được hình thành ngay trên Biển Đông, chuyển trạng thái nhanh từ áp thấp sang bão, di chuyển nhanh vào đất liền, nên phải triển khai ứng phó kịp thời tới các địa phương. 

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì và phát biểu chỉ đạo ứng phó với bão số 6 tại cuộc họp chiều 23-9

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, yêu cầu các địa phương phải kết hợp công tác phòng chống bão với phòng chống dịch, đảm bảo an toàn, không để vì bão mà không kiểm soát được dịch. 

Đánh giá cao các địa phương đã tổ chức test nhanh với ngư dân, thuyền viên của các tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão để kịp thời phát hiện các ca dương tính; đồng thời bố trí, sắp xếp phù hợp cho thuyền viên, ngư dân tránh bão an toàn, song Phó Thủ tướng yêu cầu đối với 149 tàu thuyền vẫn còn ở khu vực nguy hiểm, yêu cầu các địa phương phải phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng khẩn trương hướng dẫn, đưa các tàu này về bờ an toàn trước bão đổ bộ. Cơ quan dự báo cũng cần xác định chính xác khu vực an toàn để tàu thuyền vào trú tránh, không để lặp lại tình trạng như cơn bão năm 2017, do dự báo không chính xác khu vực an toàn, nên bão đuổi theo, nhiều tàu thuyền gặp nạn.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải đưa tàu thuyền về bờ an toàn trước 12 giờ đêm nay 23-9 để tránh bão số 6
“Trước 12 giờ đêm nay, các đồng chí phải gọi các tàu thuyền về hết và do cơn bão này được dự báo rất bất thường, nên các đồng chí cần trực 24/24 giờ ở các địa bàn, báo cáo kịp thời nếu có bất cứ tình huống gì để ứng phó nhanh nhất, hạn chế thấp nhất thiệt hại”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu. 

Các địa phương cũng cần thực hiện tốt việc bố trí chỗ ở cho ngư dân, thuyền viên về tránh bão với việc tổ chức xét nghiệm nhanh, tránh để lây dịch. Mặc dù cơ quan khí tượng dự báo bão số 6 không lớn, nhưng Phó Thủ tướng cho rằng, vẫn cần chuẩn bị phương án di dân ở nơi nguy hiểm (nhà cấp 3, cấp 4) tới nơi an toàn. 

Theo kinh nghiệm từng chống bão ở địa phương, Phó Thủ tướng cho rằng, có thể tạm sơ tán bà con về các nhà kho, nhà văn hóa trong vài tiếng đồng hồ, bão đi qua thì lại đưa bà con trở về nhà, nhưng cũng cần phải thực hiện việc xét nghiệm cho các trường hợp cần sơ tán, tránh để dịch (nếu có) lây lan thành ổ dịch, hết chống bão lại phải lo chống dịch. 

Với cơ quan khí tượng, do mưa bão tập trung dồn dập trong thời gian ngắn, chỉ đêm nay và ngày mai, nên Phó Thủ tướng chỉ đạo: “Các đồng chí phải bám sát từng giờ, dự báo chính xác”.

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, ngày 23-9, tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận có 2.353 tàu hoạt động ven bờ và ngoài khơi. Còn theo Tổng cục Thủy sản, trưa 23-9, vẫn còn 80 tàu đang hoạt động trong vùng nguy hiểm. Đến chiều 23-9, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã liên hệ qua điện thoại với các địa phương cho biết, có 28 tàu trong vùng nguy hiểm của bão số 6, gồm Đà Nẵng: 9 tàu; Bình Định: 8 tàu; Quảng Ngãi: 11 tàu. Tuy nhiên, các tàu này đều nắm được thông tin về bão và tiếp tục di chuyển khỏi vùng nguy hiểm. 

Trên đất liền cũng như khu vực ven bờ, có 6.113 lồng bè của các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế đến Bình Định (các tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng phương án di chuyển theo thực tế diễn biến của bão); tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên có 251.309ha lúa hè thu chưa thu hoạch (trong đó Tây Nguyên có 143.346ha).

Tin cùng chuyên mục