Phối hợp chống biến đổi khí hậu tránh làm manh mún

Không chờ kế hoạch
Phối hợp chống biến đổi khí hậu tránh làm manh mún

Liên quan đến chương trình chống biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn yêu cầu các tỉnh thành, đặc biệt là các TP lớn phải gấp rút lập kế hoạch triển khai. Tại TPHCM, Ban chỉ đạo chương trình chống biến đổi khí hậu đã được thành lập. Tuy nhiên, do vướng mắc cơ chế phối hợp nên nhiều chương trình có nguy cơ khó thực hiện.

Một số địa phương trong nước có thể khai thác hiệu quả năng lượng gió để sản xuất điện, nhất là các tỉnh ven biển miền Trung. Ảnh: N.CHIẾN

Một số địa phương trong nước có thể khai thác hiệu quả năng lượng gió để sản xuất điện, nhất là các tỉnh ven biển miền Trung. Ảnh: N.CHIẾN

Không chờ kế hoạch

Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý Chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, chương trình chống biến đổi khí hậu liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực. Trước mắt, sở đề xuất chương trình khung, đối với lĩnh vực quy hoạch đô thị, vấn đề quy hoạch hạ tầng, giao thông, cấp thoát nước; tăng cường vành đai xanh cho TP…

Còn lĩnh vực năng lượng, phải sử dụng năng lượng hiệu quả; hạn chế và thay thế sử dụng nhiên liệu hóa thạch bằng các dạng nhiên liệu sạch; tăng cường xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp và tòa nhà sinh thái. Đặc biệt là tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo sử dụng nguồn năng lượng mặt trời, gió…

Riêng lĩnh vực nông nghiệp – một trong những lĩnh vực nhạy cảm nhất với những biến đổi khí hậu sẽ triển khai chương trình dự báo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến hệ thống tưới tiêu, ngăn mặn, cấp thoát nước, đê sông, đê biển…

Ông Việt cũng khẳng định, đây là chương trình quan trọng và cấp thiết. Do đó, không phải chờ xong kế hoạch chi tiết mới triển khai thực hiện mà những chương trình nào đã có đủ cơ sở dữ liệu là triển khai ngay.

Chưa có cơ chế phối hợp

Ông Lý Khánh Tâm Thảo, Sở Quy hoạch-Kiến trúc TPHCM cho biết, việc xây dựng quy hoạch ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu là phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Thế nhưng, làm thế nào để đưa ý tưởng này vào thực tế là việc không dễ. Đơn cử, năm 2005, Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn về xây dựng tòa nhà sử dụng hiệu quả năng lượng. Theo đó, các tòa nhà xây mới cao tầng, chung cư, tòa nhà cải tạo lại phải tính đến yếu tố sử dụng năng lượng hiệu quả.

Mặc dù, văn bản đã có tính pháp lý nhưng qua 5 năm, quy chuẩn trên gần như bị lãng quên. Các chủ đầu tư xây dựng đã không áp dụng, thậm chí chưa biết đến quy chuẩn này. Hiện Ban chỉ đạo chương trình đã có, nhưng cơ chế phối hợp thực hiện giữa các ban ngành liên quan chưa rõ ràng. Liệu việc triển khai chương trình, nhất là chương trình liên quan đến nhiều ban ngành có khả thi?

Theo ông Nguyễn Kim Lợi, Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, để chương trình triển khai hiệu quả, cần thiết phải xây dựng cơ chế hoạt động. Theo đó, cần xác định rõ trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của các sở, ban ngành liên quan, các trường, viện… Hiện có một thuận lợi là các đơn vị chức năng đã nhận thức rõ về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Thế nhưng, do chưa có sự đồng thuận chung trong hành động nên mỗi đơn vị làm theo một kiểu. Kết quả là nhà nhà, người người cùng triển khai biện pháp chống biến đổi khí hậu nhưng manh mún, tự phát hiệu quả không cao.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, kinh phí hỗ trợ hoạt động chống biến đổi khí hậu đến năm 2012 là gần 2.000 tỷ đồng. Trong đó, 50% kinh phí huy động tài trợ từ các nước phát triển, tổ chức quốc tế, 10% trích từ ngân sách địa phương, 10% huy động từ doanh nghiệp và 30% kinh phí trích từ ngân sách của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ái Vân

Tin cùng chuyên mục