Phòng chống bệnh dại từ gia súc lây sang người

Ngày 26-9, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức mít tinh, diễu hành hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại (28-9).

(SGGP).- Ngày 26-9, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức mít tinh, diễu hành hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại (28-9).

Tại lễ mít tinh, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục y tế dự phòng, Bộ Y tế nêu rõ để tăng cường công tác phòng chống bệnh dại trong cộng đồng, lực lượng y tế  cần phối hợp chặt chẽ với thú y thường xuyên theo dõi tình hình bệnh dại trên đàn gia súc, nhất là những nơi có ổ dịch cũ để triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dại. Từ đó, hạn chế thấp nhất lây bệnh dại từ gia súc lây lan sang người. Hơn nữa, mỗi người dân cần chủ động tiêm vaccine phòng chống bệnh dại cho cả người và động vật vì tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh dại.

TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong năm 2104, Hà Nội ghi nhận 5 trường hợp tử vong do bệnh dại chủ yếu ở huyện ngoại thành.

° Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) xác nhận hiện đã có thêm tỉnh Hà Tĩnh xuất hiện dịch cúm gia cầm mới qua 5 ngày. Hiện cả nước có 2 tỉnh gồm Hà Tĩnh và Vĩnh Long có gia cầm bị mắc virus H5N1.

Đồng thời, dịch lở mồm long móng trên heo và trâu bò cũng đang có nguy cơ lây lan ra nhiều nơi. Báo cáo mới nhất của Cục Thú y cho biết, dịch lở mồm long móng type O đã phát hiện trên đàn gia súc của 10 hộ chăn nuôi ở 2 xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương và xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An;  một ổ dịch xảy ra tại 2 hộ chăn nuôi ở xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; ổ dịch xảy ra tại 22 hộ chăn nuôi thuộc phường Thành Nhất và xã Cư Ebur, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; ổ dịch xảy ra tại xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng và ổ dịch gần đây nhất xảy ra ở 1 hộ chăn nuôi ở thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.

QUỐC LẬP - VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục