Dù dịch bệnh đang bùng phát mạnh, nhất là dịch bệnh tay-chân-miệng, nhưng hầu hết các quận huyện của TPHCM đều phòng chống chưa đúng mức. Không chỉ hệ thống y tế dự phòng yếu, mà các ban, ngành đoàn thể cũng chưa vào cuộc, dù UBND TP đã yêu cầu các nơi thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh.
Không được tư vấn
Gia đình đang nuôi tới 6 đứa trẻ, trong đó có 3 cháu dưới 5 tuổi nhưng chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (ngụ đường số 1, khu dân cư Hương Lộ 5, phường An Lạc quận Bình Tân) cho biết chưa hề nghe nói dịch bệnh tay-chân-miệng như thế nào cả. “Tôi chưa nghe y tế phường hay ai thông báo về dịch bệnh và cách phòng chống thế nào cả. Thuốc sát trùng diệt khuẩn cũng chưa được phát”, chị Tuyết nói.
Kiểm tra công tác phòng ngừa dịch bệnh tại một số hộ gia đình ở khu dân cư nói trên đều cho thấy chưa có ý thức phòng bệnh. Có hộ dân thẳng thắn cho biết do bận bịu công việc suốt ngày nên không hề để ý tới phải vệ sinh, phòng ngừa cho con trẻ.
“Khi nào phường nhắc nhở gì mới biết chứ bình thường có biết gì đâu. Nhà ai có con mắc bệnh thì cứ đưa đi bệnh viện”, một người dân cho biết.
Qua kiểm tra, Sở Y tế TPHCM ghi nhận phần lớn người dân chưa được tuyên truyền, phổ biến về cách thức phòng bệnh. Tại các địa bàn quận Bình Tân, quận 2 là những nơi bùng phát mạnh dịch bệnh tay-chân-miệng trong tháng qua nhưng khảo sát cho thấy nhiều hộ gia đình có con nhỏ dưới 5 tuổi không biết cách phòng ngừa.
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết người dân cứ nghĩ lau nhà mỗi ngày là được nhưng thực ra chỉ là làm sạch nhà chứ chưa diệt được vi khuẩn, virus gây bệnh. Còn đồ chơi cho trẻ thì không mấy nhà thường xuyên chùi rửa. Nhiều khi một con búp bê, gấu bông chơi cả năm mới giặt một lần. Hay như trong xóm có trẻ mắc bệnh nhưng vẫn cho các cháu chơi chung với nhau mà không nghi ngờ về việc lây lan dịch bệnh.
Thậm chí một số gia đình cán bộ có ý thức phòng ngừa nhưng cũng làm không đúng cách. Chẳng hạn thuốc diệt khuẩn Chloramin B xin về rồi nhưng pha chế không đúng liều lượng nên không đạt được hiệu quả phòng bệnh.
Qua đó, bác sĩ Thọ đánh giá việc tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân của chính quyền, y tế các địa phương chưa được như mong muốn.
Về mặt chuyên môn, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1 TPHCM khẳng định công tác tuyên truyền, tư vấn của địa phương kém nên nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa nhận biết được dấu hiệu bệnh của con em mình. Ngay như dịch bệnh tay-chân-miệng hay sốt xuất huyết, nhiều gia đình cứ ngộ nhận là sốt phát ban hay rôm sẩy thông thường nên đến khi bệnh trở nặng đưa đi bệnh viện thì quá muộn.
Nguy cơ bùng phát dịch
Từ đầu năm đến nay, quận Bình Tân ghi nhận tới 203 ca mắc dịch bệnh tay-chân-miệng, trong đó có 2 ca tử vong xảy ra tại phường Bình Hưng Hòa A. Riêng trong tháng 5, dịch bệnh trên đã tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2010.
Ông Ngô Văn Lượm, Trưởng phòng y tế quận kiêm Phó Trưởng ban phòng chống dịch bệnh cho biết quận có 10 phường với 10 trạm y tế và đã triển khai hầu hết các biện pháp phòng chống như tuyên truyền, phát tờ rơi, phát hóa chất sát khuẩn Chloramin B…
Tuy nhiên, khi được Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Lê Trường Giang chất vấn về việc đã thống kê được số hộ có trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn quận và được bao nhiêu phần trăm hộ dân có sử dụng thuốc sát khuẩn Chloramin B thì lãnh đạo phòng y tế quận không biết. “Nói chung có làm nhưng làm chưa đúng, chưa có sự giám sát nên không đạt hiệu quả”.
Không chỉ lãnh đạo phòng Y tế quận Bình Tân mà qua kiểm tra tại nhiều địa phương khác cũng tương tự. Thậm chí Phó Chủ tịch UBND nhiều phường, xã cũng không nắm được số lượng trẻ dưới 5 tuổi đang sinh sống trên địa bàn và đã tuyên truyền, giám sát được bao nhiêu phần trăm số hộ có sử dụng thuốc sát khuẩn theo khuyến cáo của ngành y tế.
Khi được hỏi về việc có sự tham gia của các ban ngành đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… cùng tham gia phòng chống dịch bệnh, hầu hết các địa phương đều lấy cớ do phục vụ công tác bầu cử hội đồng nhân dân các cấp, tuyển sinh này nọ nên chưa chú trọng tham gia phòng chống dịch bệnh.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Lê Trường Giang từ đầu năm đến nay đã có trên 2.000 trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng phải nhập viện, tăng hơn 64% so với cùng kỳ của năm 2010, trong đó 11 trường hợp đã tử vong (cả năm 2010 chỉ một trường hợp tử vong).
Riêng trong tháng 5-2011, TPHCM đã có 6 trường hợp tử vong vì bệnh dịch trên, tập trung ở các quận, huyện ngoại thành và chủ yếu ở trẻ từ 0 đến 3 tuổi.
“Hiện tháng sau có số ca nhập viện tăng gấp 2,5 lần tháng trước”. Ngoài dịch bệnh tay-chân-miệng, dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác cũng đang vào mùa. Nếu nhiều dịch bệnh “tấn công” cùng lúc thì khó đối phó nổi”, TS Lê Trường Giang lo ngại.
TƯỜNG LÂM
Kiên quyết xử lý địa phương lơ là phòng chống dịch bệnh Tin từ Sở Y tế TPHCM ngày 6-6 cho biết sẽ triệu tập cuộc họp giao ban y tế dự phòng các quận huyện vào ngày 8-6 tới. Cuộc họp sẽ kiểm điểm công tác phòng chống dịch bệnh thời gian qua và kiên quyết đề nghị xử lý những địa phương để cho dịch bệnh bùng phát… Trước đó, UBND TPHCM đã có văn bản khẩn gửi các sở Y tế, Giáo dục - đào tạo, Thông tin - Truyền thông và UBND các quận huyện đề nghị triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về hạ thấp ca mắc bệnh tay chân miệng, hạn chế tử vong đến mức thấp nhất và tránh lây lan thành dịch. UBND các quận huyện phải chỉ đạo UBND các phường xã tăng cường truyền thông ba thông điệp phòng bệnh là: thường xuyên rửa sạch tay của trẻ, người giữ trẻ, vật dụng và đồ chơi của trẻ; lau chùi sạch khu vực sinh hoạt của trẻ bằng dung dịch sát khuẩn hằng tuần vào thứ bảy, chủ nhật; phát hiện sớm các dấu hiệu để đưa trẻ đi bệnh viện.