Phòng chống “giặc lửa” mùa khô

Những ngày gần đây, đợt nắng nóng gay gắt, kéo dài ở TPHCM không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, gây khó khăn trong sinh hoạt của người dân, mà còn cảnh báo mùa khô năm nay rất khốc liệt, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Thảm họa do “giặc lửa” gây ra thật khôn lường, không chỉ về tài sản mà cả sinh mạng con người. Chỉ tính 3 tháng đầu năm 2012, trên địa bàn TPHCM xảy ra 45 vụ cháy, tăng 11 vụ so với thời gian cùng kỳ.

Vụ cháy được coi là thảm họa lớn nhất ở TPHCM là vụ cháy Trung tâm Thương mại Quốc tế năm 2002 làm chết 60 người, làm bị thương 70 người, giờ vẫn là bài học nhắc nhở mọi người luôn đề cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa tai họa từ lửa, nhất là vào thời điểm mùa khô.

Ngoài tai nạn cháy, nổ mang yếu tố khách quan, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ cháy, nổ là do sự chủ quan, thiếu ý thức của con người.

Qua kiểm tra của cơ quan chức năng TP, còn nhiều xí nghiệp, đơn vị, chợ, trung tâm thương mại chưa chú ý đến hệ thống điện; nhiều hộ kinh doanh tự ý câu móc điện, sử dụng các thiết bị điện không an toàn.

Theo Sở Cảnh sát PCCC TPHCM, gần 70% các vụ cháy là do sự cố về điện. Từ các vụ cháy mùa khô những năm trước, cho thấy, do thời tiết nắng nóng kết hợp với cường độ làm việc của máy móc quá nhiều nên dẫn đến quá tải về áp suất, quá tải về cường độ... từ đó gây chập cháy. Nhiều doanh nghiệp không chú ý đến sự an toàn của hệ thống điện trong các kho hàng và cơ sở sản xuất, sử dụng dây quá cũ, dây điện bị hở và đường dây chạy sát vật liệu dễ cháy. Thêm vào đó, khoảng cách an toàn giữa các phân xưởng quá chật hẹp, làm khó dập lửa, dễ cháy lan.

TPHCM hiện có 15 khu công nghiệp - khu chế xuất và một khu công nghệ cao, trong đó có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất hàng hóa đa số thuộc loại dễ cháy như hóa chất, cao su, nhựa, giày da, bao bì, giấy, dệt may… Do vậy, công tác PCCC ở những nơi này càng phải được quan tâm hơn bao giờ hết.

Ở nhiều chung cư, nhất là những chung cư cũ, hầu hết lối thoát hiểm, hành lang an toàn bị chiếm dụng làm nơi giữ xe, chứa hàng, buôn bán. Việc chữa cháy ở nhiều khu dân cư gặp khó khăn do hẻm nhỏ, xe chữa cháy không thể vào được hiện trường; nguồn nước phục vụ chữa cháy không đảm bảo; lực lượng chữa cháy tại chỗ chưa chuyên sâu, chỉ được trang bị vài dụng cụ thô sơ, mang tính hình thức. Qua con số thống kê, nhiều vụ cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng thường xảy ra vào ban đêm, nên việc phát hiện chậm và lực lượng tại chỗ hoạt động kém hiệu quả, làm cho đám cháy lan rộng.

Tình hình này đòi hỏi các địa phương, đơn vị tăng cường kiểm tra công tác PCCC nhất là những khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao như chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, hội chợ, các công trình xăng dầu, khí đốt, rừng phòng hộ, các kho tàng, bến bãi, các cơ sở trong khu công nghiệp, các làng nghề… Song quan trọng nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về công tác PCCC; trang bị kiến thức cơ bản cho mọi người về PCCC trong sử dụng điện, xăng dầu, khí gas, hóa chất; thường xuyên huấn luyện lực lượng PCCC cơ sở sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy tại chỗ theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ).

Để công tác PCCC hiệu quả, yêu cầu đặt ra đối với mỗi nơi, mỗi người phải xác định công tác PCCC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị và của chính mình, mà trước hết là cần sự quan tâm đúng mức của các cấp lãnh đạo, người đứng đầu ở địa phương, đơn vị và chủ doanh nghiệp. Thực tế chỉ ra rằng, nơi nào người đứng đầu quan tâm đến công tác PCCC thì nơi đó cháy, nổ không xảy ra, mà nếu xảy ra cháy thì được tổ chức dập tắt kịp thời, tài sản thiệt hại không đáng kể.

Tuấn Sơn

Tin cùng chuyên mục