Phòng chống tham nhũng, tiêu cực - nhiệm vụ cấp bách và cần kíp - Bài 3: Để nội dung, tư tưởng tác phẩm của Tổng Bí thư đi vào đời sống

Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách vừa khó khăn, phức tạp và lâu dài trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập, luận giải một cách khoa học, đầy đủ trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ban Tuyên giáo Trung ương đã có Hướng dẫn 47-HD/BTGTW triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung của tác phẩm. Thành ủy TPHCM cũng ban hành Kế hoạch 120-KH/TU về triển khai đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng về nội dung tác phẩm trên. Để nội dung tác phẩm đến được với đông đảo quần chúng nhân dân và được vận dụng thành công trong thực tiễn cuộc sống cũng như sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, nhất là tại TPHCM, cần chú trọng các định hướng, giải pháp sau đây.

1. Diễn đạt nội hàm cơ bản của tác phẩm, cũng chính là nội dung cơ bản của lý luận về CNXH của Việt Nam, một cách giản dị, trong sáng, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm theo nhất có thể. Về điều này, cần thực hành phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chẳng hạn, với câu hỏi “Mục đích của chủ nghĩa xã hội là gì?”(1), Bác trả lời ngắn gọn, đáp ứng “trúng” nhu cầu, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân: “Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”(2).

Do đó, đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là những người trực tiếp làm công tác tuyên giáo, cần có cách trình bày, diễn giải về nội dung tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngắn gọn, dễ hiểu. CNXH là mong muốn, khát vọng của cả nhân loại từ hàng ngàn năm trước đến nay. Đó là tư tưởng về thế giới đại đồng, con người được bình đẳng về tài sản của Khổng Tử; là “Hòn đảo không tưởng” với việc không tồn tại phân hóa giàu nghèo, áp bức, bất công giữa người với người trong tác phẩm Utopia của Thomas More; là mô hình CNXH không tưởng của các nhà tư tưởng khai sáng Pháp…

2. Cụ thể hóa nội dung con đường đi lên CNXH trên từng lĩnh vực, gắn với những nhu cầu sản xuất, kinh doanh, sinh sống hàng ngày của người dân. Chẳng hạn, CNXH thể hiện trên lĩnh vực chính trị là quyền làm chủ rộng rãi và ngày càng hoàn thiện của nhân dân, thông qua cơ chế “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, từ những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống đến những chủ trương, công trình, dự án, vấn đề kinh tế - chính trị - xã hội khác của cộng đồng dân cư, của đất nước.

Về kinh tế, CNXH là xây dựng “kinh tế thị trường định hướng XHCN”, tức là mọi người dân đều có quyền tự do, bình đẳng trong sản xuất, kinh doanh, có quyền tham gia, đầu tư, phát triển trong mọi thành phần kinh tế theo quy định của pháp luật. Về văn hóa, đó là việc giữ gìn những nét đẹp, quý giá của văn hóa dân tộc, đồng thời tiếp thu cái hay, cái đẹp của các nền văn hóa trên thế giới…

3. Chỉ ra những điểm đúng đắn, sáng tạo trong nội dung tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng là trong lý luận của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh, để minh chứng cho giá trị, ý nghĩa của tác phẩm đối với quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam hiện nay và định hướng cho tương lai. Từ quá trình đúc kết kinh nghiệm thực hành dân chủ, đặc biệt là dân chủ cơ sở, tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát triển cơ chế thực thi dân chủ thành: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Hoặc khi phân tích đặc trưng của “kinh tế thị trường định hướng XHCN”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh thế nào là “tính XHCN” trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay theo hướng vừa kế thừa có chọn lọc lý luận Mác - Lênin, kinh nghiệm vận hành kinh tế thị trường của các nước trên thế giới, vừa phát huy các giá trị nhân văn cao đẹp của văn hóa, con người Việt Nam.

4. Toàn bộ hệ thống chính trị cơ sở bằng mọi nỗ lực, hành động thiết thực, cụ thể, thường xuyên, liên tục để hiện thực hóa nội dung, giá trị của tác phẩm, hiện thực hóa lý luận về mô hình và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam nói chung, lý luận về vấn đề này trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói riêng, trước hết trong phạm vi địa bàn, địa phương mình. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đất nước chưa bao giờ có “cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế” như hiện nay. Đó là minh chứng sinh động, thuyết phục nhất cho lý luận về CNXH của Việt Nam. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(3). Vì vậy, để tiếp tục lan tỏa, củng cố niềm tin của nhân dân về điều này, cần phát huy hiệu quả thực tiễn của đường lối, quan điểm về CNXH đến từng địa bàn, nhóm dân cư, ở mọi địa phương trên toàn thành phố và cả nước.

5. Phát huy cao độ tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên, cán bộ thuộc hệ thống chính trị cơ sở. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc nhở luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tầm quan trọng của công tác cán bộ và phẩm chất nêu gương của cán bộ, đảng viên: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, chớ để xảy ra hiện tượng “Chân mình thì lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người”…

Đặc biệt, trong tác phẩm, khi bàn về việc nhận xét, đánh giá, sử dụng cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần phòng ngừa cách nhìn nhận, đánh giá kiểu “thấy đỏ tưởng chín”, “trông gà hóa cuốc”, “để cái vẻ đẹp đẽ bên ngoài che đậy cái sơ sài bên trong”… Những luận điểm này cần được quán triệt, vận dụng đầy đủ, sâu sắc trong công tác cán bộ, đặc biệt đề cao phẩm chất “nói đi đôi với làm”, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên, cán bộ; chức vụ càng cao càng phải gương mẫu; gương mẫu trong mọi lĩnh vực hoạt động thực tiễn - trong nhận thức, hành động, công tác, sinh hoạt, lối sống.

Giải pháp này có ý nghĩa thiết thực, cốt lõi nhất đối với quá trình đưa nội dung tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến với nhân dân, bởi lẽ, hơn ai hết, đội ngũ đảng viên, cán bộ thuộc hệ thống chính trị cơ sở là biểu hiện sinh động, cụ thể nhất của đường lối và quá trình thực hành đường lối của Đảng, nói như Bác Hồ: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(4).

"Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. 
Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!"
Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG
(Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng ngày 15-9-2021)

6. Các cấp, các ngành trên địa bàn TPHCM cần lấy Không gian văn hóa Hồ Chí Minh làm hệ sinh thái nuôi dưỡng tính cách mạng và khoa học của CNXH. Việc lan tỏa giá trị của sách cần gắn liền với tính thực tiễn của Cuộc vận động “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Có thể tổ chức các hoạt động văn hóa (tọa đàm, văn nghệ, hùng biện, giao lưu với nhân vật lịch sử và đương đại, diễn đàn đọc sách…) tại các Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, tại các mô hình không gian văn hóa Hồ Chí Minh, tổ chức các đội/nhóm/câu lạc bộ, nhất là người trẻ có đam mê tìm hiểu lịch sử, văn hóa. Nếu được hướng dẫn cụ thể, sách sẽ được khuyến khích để đưa vào nội dung sinh hoạt thường kỳ theo các chương trình thích hợp. Lúc này, những luận bàn của người trẻ không còn dừng lại ở những câu chữ lý thuyết mà biến thành các phong trào thực tế. Chính người trẻ mới là hạt nhân giữ vững và giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH mà Đảng và nhân dân ta đã dày công gây dựng.

Phòng chống tham nhũng, tiêu cực đòi hỏi nhiều nhiệm vụ và giải pháp cấp bách, trong đó sự tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ đứng đầu và sự tu dưỡng đạo đức cách mạng của từng cán bộ, đảng viên có ý nghĩa quyết định, như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tôi đã nhiều lần nói rồi, nay xin nhắc lại: Những ai có tư tưởng này thì hãy dẹp sang một bên cho người khác làm!”. Đó là sự kết tinh ý chí chính trị, tầm nhìn, sự kiên định và cả tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là tiếng lòng của toàn thể nhân dân Việt Nam.


(1) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 13, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.30.
(2) Tài liệu đã dẫn, tập 13, tr.30.
(3) Tài liệu đã dẫn, tập 4, tr.175.
(4) Tài liệu đã dẫn, tập 1, tr.284.

Tin cùng chuyên mục