Phòng dịch tại các khu chợ: Nơi nghiêm túc, chỗ lơ là

Mặc dù TPHCM đang thực hiện Chỉ thị 15 của Chính phủ, Chỉ thị 16 trên địa bàn quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) để phòng chống dịch Covid-19 nhưng nhiều khu chợ truyền thống cũng như chợ tự phát tại TP vẫn tụ tập hoạt động đông đúc vượt quy định. Ghi nhận cho thấy tại một số khu chợ đang có tình trạng nới lỏng kiểm soát, tập trung đông người, nguy cơ lây nhiễm Covid-19. 

Chủ quan phòng ngừa 

Những ngày qua, khu vực bán thực phẩm tươi sống tại chợ truyền thống Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) vẫn thuờng xuyên trong tình trạng đông người. Con đường Vũ Tùng bên hông chợ liên tục kẹt xe vào khung giờ cao điểm vì có quá nhiều người đi chợ cùng lúc.

“Biết là dịch bệnh nhưng hàng ngày vẫn phải ăn, phải đi chợ mua rau mua cá nên đi thôi. Mà người đông thế giữ khoảng cách cũng khó”, chị Thu Hằng, cư dân quận Bình Thạnh thổ lộ.

Cùng với đó, các tuyến đường xung quanh chợ Bà Chiểu cũng bắt đầu nhộn nhịp trở lại với nhiều xe hàng rong lấn chiếm lòng lề đường. Và để tranh nhau rao bán, nhiều người đeo khẩu trang nhưng để tụt xuống cằm, có khi trao đổi bán hàng quên kéo lên che miệng. 

Còn tại chợ Tân Định (quận 1), các cổng ra vào đều không thấy bóng dáng người của Ban Quản lý (BQL) bố trí để kiểm soát, người mua kẻ bán ra vào chợ thoải mái. Đáp ứng thói quen khách mua sắm tranh thủ, không muốn gửi xe mất thời gian nên các quầy sạp cũng kéo ra ngoài khu vực lồng chợ để chào mời, dẫn đến rất đông người tụ tập. Trong khi đó, tại chợ Tân Mỹ (quận 7), hoạt động mua bán bát nháo trên các tuyến đường bên hông chợ diễn ra rầm rộ.

Ngay trên đường số 1, hàng loạt quầy rau quả, thủy hải sản, giết mổ gia cầm bày la liệt dưới lòng đường khiến nhiều người dân chen chúc, túm tụm bán mua. Không chỉ nguy cơ lây lan dịch bệnh do tập trung đông người, không giữ khoảng cách, mà việc ý thức đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn của người dân cũng còn chủ quan, lơ là. Chưa hết, dù tụ tập nhiều khách mua nhưng một số người bán hàng vẫn đeo khẩu trang dưới cằm và liên tục chào mời. 

Có một thực tế, để đáp ứng nhu cầu mua sắm tiện lợi trong mùa dịch, các chợ cóc mọc lên như nấm sau mưa tại nhiều khu dân cư, nhất là tại các khu chung cư cao tầng. Từng tốp 7-8 tiểu thương tụ lại bán rau, cá, thịt… làm thành chợ cóc và thu hút khá nhiều cư dân mua bán bát nháo, không tuân thủ khoảng cách an toàn.

Phòng dịch tại các khu chợ: Nơi nghiêm túc, chỗ lơ là ảnh 1 Chợ tự phát tại hẻm 125 Bùi Đình Túy (quận Bình Thạnh) đông nghẹt người. Ảnh: MINH NGHĨA

Đáng nói hơn, một số khu chợ ở lề đường, lòng đường nhưng luôn tấp nập người mua kẻ bán, bất chấp dịch bệnh có nguy cơ lây lan. Ghi nhận tại các khu chợ tự phát trên các tuyến đường Hoàng Hoa Thám, Trường Sa, Võ Duy Ninh, hẻm 125 Bùi Đình Túy (quận Bình Thạnh), đường số 7 (phường An Phú, TP Thủ Đức), đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp)… cho thấy hàng ngày vẫn rất đông người mua bán ngồi san sát nhau và không giữ khoảng cách theo quy định để phòng chống dịch.

Nâng cao ý thức, áp dụng phiếu đi chợ

Bên cạnh một số khu vực chợ còn lơ là, chủ quan phòng dịch thì cũng có những khu chợ thực hiện nghiêm túc. Ghi nhận trước cổng chợ Bình Thới (phường 10, quận 11), BQL chợ đã bố trí bàn trực 3 nhân viên để giúp người dân đo thân nhiệt, khai báo y tế, sát khuẩn tay…

“Chúng tôi cũng hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng Bluezone và tự khai báo y tế, thực hiện quét mã QR mỗi khi ra vào chợ để phòng ngừa dịch bệnh. Với những người không dùng điện thoại thông minh, BQL chợ linh động sáng tạo khi cho người dân khai báo y tế trên giấy tại chỗ và phát thẻ ra vào chợ, mặt sau thẻ có in mã QR của từng người. Khi người dân khai vào giấy, chúng tôi sẽ nhập thông tin vào máy tính để tích hợp dữ liệu, mỗi khi người dân ra vào chợ chỉ cần mang theo thẻ để nhân viên BQL quét mã QR hoặc đọc mã số được cấp trên thẻ là biết được lịch trình di chuyển của mỗi người”, một nhân viên BQL chợ Bình Thới cho biết. 

Theo ông Nguyễn Bá Tùng, Trưởng BQL chợ Bình Thới, với đặc thù có lượng lớn người đến trao đổi, mua bán hàng hóa, nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, ngoài việc tăng thời lượng phát thanh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân thực hiện 5K, thì giám sát ra vào chợ, phát phiếu đi chợ cũng là biện pháp cần thiết.

Tương tự, đang đợt cao điểm phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 nên tiểu thương nhiều khu chợ ở quận Gò Vấp như chợ Gò Vấp, chợ Căn cứ 26, chợ An Nhơn và một số chợ tự phát trên đường Lê Văn Thọ, Phạm Văn Chiêu, Thống Nhất, Nguyễn Văn Công cơ bản ý thức phòng chống dịch Covid-19, luôn đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn với người mua. Những gian hàng không thiết yếu đều trong tình trạng đóng cửa.

Dịch Covid-19 tại TPHCM diễn biến phức tạp nhưng nhu cầu đi chợ hàng ngày của người dân vẫn diễn ra. Vào sáng sớm hoặc giờ tan tầm, lượng người đổ về một số khu chợ mua sắm rất đông đúc, không đảm bảo an toàn phòng dịch theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.

Vì vậy, theo các chuyên gia dịch tễ, Sở Công thương và chính quyền các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại các khu chợ, ngoài việc tuyên truyền nâng cao ý thức của tiểu thương, người dân, có thể xem xét áp dụng phát phiếu đi chợ, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tin cùng chuyên mục